Trong khi toàn Đảng, toàn quân và
toàn dân ta đang ra sức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn
chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu
hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thì các thế lực thù địch
triệt để lợi dụng không gian mạng tăng cường xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận vai
trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với
Đảng, phá hoại sự đoàn kết giữa Đảng với nhân dân. Vì vậy, nhận diện và đấu
tranh vạch mặt những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phần tử cơ
hội chính trị là rất cần thiết nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng.
Hiện nay, trên một số trang mạng
xã hội xuất hiện không ít những bài viết của các thế lực phản động, phần tử cơ
hội chính trị bất mãn với Đảng ta về vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng nhạo báng
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chẳng qua là “bình mới, rượu cũ”, là thứ “lý
luận lú lẫn”, phản ánh sự “bế tắc về lý luận”. Họ viện dẫn một số vụ tiêu cực,
tham nhũng của một số cán bộ cao cấp trong bộ máy chính quyền thoái hóa biến
chất thời gian qua, từ đó quy kết “bản chất của Đảng là tham nhũng”, “tham nhũng
là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa không thể cải tạo”, cần phải làm cuộc
cách mạng thay thế nó.
Đây là những lời lẽ hết sức nhảm
nhí, hồ đồ và vô cùng nguy hiểm của các thế lực thù địch. Mục đích của chúng là
hướng lái nhận thức xã hội về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” của Đảng sang mục tiêu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam.
Chúng ta đều biết rằng, vai trò
lãnh đạo của Đảng không tự nhiên mà có mà cũng không phải tự nhận là được.
Trong bản Hiến pháp năm 2013 và trước đó của nước ta đều khẳng định vai trò
lãnh đạo của Đảng “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã
hội”. Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta từ khi thành lập Đảng đến nay, dưới
sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã giải
quyết được sự bế tắc về lý luận cũng như đường lối cứu nước trong những năm 20
của Thế kỷ XX. Khi mới 15 tuổi Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc
Cách mạng tháng Tám thành công lập nên nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Nhà nước
Công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Ngay sau khi đất nước ta giành được
độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và đã giành được thắng lợi trong suốt 30 năm.
Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành 2 cuộc
chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc bảo vệ vững chắc chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ
nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào thoái trào, Đảng lại cầm lái đưa nước ta
thoát khỏi sự khủng khoảng của tình hình thế giới, vững bước đi theo con đường
xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta, Đảng ta đã chọn và đã giành được nhiều thắng
lợi có ý nghĩa lịch sử. Đương nhiên, trong quá trình lãnh đạo Đảng ta cũng
không tránh khỏi những sai lầm, vấp váp, nhưng Đảng ta đã kịp thời có những
biện pháp hữu hiệu để lấy lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự
thật, đánh giá đúng sự thật, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã kiểm điểm sâu
sắc những thành quả trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta; đồng thời
Đảng ta cũng nghiêm khắc chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm, yếu kém trong
công tác xây dựng Đảng. Từ đó Đảng ta đưa ra khái niệm “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Một vấn đề hết sức đặc biệt ở Nghị quyết này là
lần đầu tiên Đảng ta chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo
đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để mỗi cán bộ Đảng viên tự soi,
tự sửa, tự đấu tranh ngay trong mỗi cán bộ, Đảng viên trong bộ máy của Đảng và
Nhà nước. Qua đó cho thấy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) không những thể
hiện thái độ thẳng thắn, tinh thần đấu tranh dũng cảm của một Đảng cách mạng,
dám nói thẳng, nói thật, nói hết những hạn chế, khuyết điểm, mà còn thể hiện
quyết tâm chính trị rất cao, sự nỗ lực rất lớn và tư tưởng nhất quán của Đảng
về tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Trong công cuộc đổi mới đất nước,
nhất là trong những năm gần đây, do tác động của các nhân tố khách quan và chủ
quan làm cho nội bộ Đảng còn tồn tại không ít những hạn chế, khuyết điểm. Tham
nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành,
nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều
mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Trước sự thẳng thắn
nghiêm túc thừa nhận khuyết điểm của Đảng, nhất là gần đây, một số vụ việc lớn
có liên quan đến cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong bộ máy của Đảng, Nhà
nước, được Đảng ta chỉ đạo xử lý rất nghiêm khắc. Điều đó chứng tỏ đấu tranh
chống quan liêu, tham nhũng là quan điểm nhất quán, xuyên suất của Đảng ta. Việc
Đảng kiên quyết đưa ra xét xử những vụ án tham nhũng lớn trong thời gian qua
cho thấy: Đảng không dung túng, bao che “không
có vùng cấm trong việc chống tham nhũng”; luôn đề cao tinh thần thượng tôn
pháp luật, không phân biệt đối xử, bất kể cán bộ vi phạm là ai, đã nghỉ hưu hay
đang đương chức đều bị xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật. Đây hoàn toàn
không phải là “cái cớ để thanh trừng nội
bộ, thâu tóm quyền lực” như một số người ngộ nhận và lại càng không phải là
“tự tô vẽ để lấy lại lòng tin của nhân
dân”.
Từ những luận giải trên cho thấy,
chúng ta hoàn toàn bác bỏ những thông tin, lời lẽ xuyên tạc của các thế lực thù
địch, phản động, bọn cơ hội chính trị về vai trò lãnh đạo của Đảng; đồng thời
khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của
cách mạng Việt Nam. Càng trong những hoàn cảnh khó khăn, bước ngoặt lịch sử bản
lĩnh trí tuệ của Đảng càng tỏa sáng; đường lối, chủ trương của Đảng càng thể
hiện tính đúng đắn, khoa học, bám sát thực tiễn của đất nước và đòi hỏi bức
thiết của nhân dân. Cho dù các thế lực thù địch có dùng âm mưu, thủ đoạn đến
đâu cũng không thể che dậy bản chất đen tối của họ đòi phủ nhận vai trò lãnh
đạo của Đảng.
RỒNG XANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét