Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ CỦA GIẢNG VIÊN HỌC VIỆN QUỐC PHÒNG TRONG THỜI KÌ CÔNG NGHIỆP 4.0

Bản lĩnh chính trị của giảng viên Học viện Quốc phòng là kết quả của quá trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lâu dài của Đảng, Nhà nước, Quân đội, của Học viện Quốc phòng và các khoa cùng với sự nỗ lực phấn đấu tự tu dưỡng, rèn luyện kiên trì, bền bỉ của mỗi giảng viên trong quá trình hoạt động sư phạm, nghiên cứu khoa học ở tầm chiến dịch, chiến lược. Đây là điều kiện, cơ sở quyết định lập trường chính trị của mỗi giảng viên.

Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, yêu cầu bản lĩnh chính trị của giảng viên Học viện Quốc phòng phải được tiếp tục bồi dưỡng, củng cố và phát triển.
Trước hết, nhận thức chính trị của giảng viên phải sâu sắc, nhạy bén
Giảng viên Học viện Quốc phòng phải có vốn kiến thức, kinh nghiệm phong phú, toàn diện, đặc biệt là phải hiểu biết đạt đến trình độ sâu sắc, có hệ thống và cơ sở khoa học vững chắc lí luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở đó, giảng viên phải xây dựng và phát triển năng lực nhận thức chính trị lên trình độ cao, nhạy bén, linh hoạt trong việc phân biệt rõ bạn - thù, đối tác - đối tượng, nhận biết và phân biệt rõ ràng, rành mạch những luận điệu, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch, phản động làm cơ sở để phòng ngừa, đấu tranh, loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến môi trường sư phạm quân sự của Học viện và quân đội; giúp học viên có định hướng chính trị đúng đắn trong việc tham gia hoạch định, tổ chức triển khai thực hiện, đấu tranh bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, giảng viên phải có tình cảm chính trị phân minh
Tình cảm chính trị mang đậm dấu ấn chủ quan, phản ánh mối quan hệ giữa các hiện tượng chính trị - xã hội, biểu hiện ở thái độ của giảng viên đối với chế độ chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, luật pháp... Trước tình hình phức tạp, biến đổi nhanh chóng, chứa đựng nhiều yếu tố khó lường, sự tác động nhiều chiều của kinh tế thị trường, sự tiến công chống phá tinh vi, xảo quyệt của kẻ thù, giảng viên Học viện Quốc phòng phải tỏ rõ tình yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, nhất trí tuyệt đối với đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách và pháp luật của Nhà nước... cảnh giác cao độ, căm thù sâu sắc, đấu tranh kiên quyết làm thất bại các luận điệu, quan điểm và hành vi sai trái, phản động, đi ngược lại lợi ích của Đảng, của dân tộc và thành quả cách mạng của nhân dân ta. Đấu tranh kiên quyết với bản thân để chống “tự diễn biến” về giá trị, “tự tha hóa” về đạo đức, lối sống, mập mờ, không phân định rõ đúng - sai, phải - trái.
Thứ ba, giảng viên phải có niềm tin chính trị sắt đá
Để hình thành, phát triển, củng cố niềm tin khoa học ở học viên, giảng viên Học viện Quốc phòng phải có niềm tin sắt đá, dựa trên thế giới quan khoa học, phương pháp luận duy vật biện chứng. Giảng viên phải xây dựng, củng cố niềm tin khoa học vững chắc vào những nội dung kiến thức trình bày trước học viên. Nhất là đối với đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự phải tin tưởng tuyệt đối vào lí luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mọi lời nói phải đi đôi, gắn liền với việc làm, lí thuyết phải gắn liền với thực tiễn. Mọi dự báo về khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự đều phải trên cơ sở phân tích kĩ lí luận, tổng kết thực tiễn một cách toàn diện, đúng quy luật khách quan, đón trước được sự phát triển của kinh tế, khoa học công nghệ đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực quân sự. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, giảng viên càng phải có niềm tin sắt đá vào mục tiêu, lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở để chuyển hóa, hình thành và củng cố niềm tin cho học viên.
Thứ tư, giảng viên phải có ý chí chính trị kiên cường
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc lí luận khoa học, thái độ chính trị rõ ràng và niềm tin cộng sản chủ nghĩa, giảng viên Học viện Quốc phòng phải có ý chí chính trị kiên cường. Giảng viên phải có khả năng tự điều khiển, điều chỉnh hành vi chính trị, kiên quyết khắc phục khó khăn, vượt qua những cám dỗ của lối sống thực dụng, những ham muốn vật chất và quyền lực để phấn đấu, thực hiện cho được mục tiêu, lí tưởng của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, khoa học nghệ thuật quân sự, lí luận công tác đảng, công tác chính trị cấp chiến dịch, chiến lược cho đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Những vấn đề chủ yếu trên đây là một thể thống nhất hữu cơ không thể tách rời, vừa là yêu cầu, vừa là những tiêu chí cơ bản để xem xét, đánh giá, củng cố, phát triển bản lĩnh chính trị của đội ngũ giảng viên Học viện Quốc phòng. Thực hiện tốt những yêu cầu này là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ giảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi một trong ba đột phá được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ X của Đảng bộ Học viện Quốc phòng, góp phần xây dựng đội ngũ trí thức quân đội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng./.
DÂN CÀY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét