CẦN KIÊN QUYẾT HƠN NỮA TRONG PHÒNG, CHỐNG
"TỰ DIỄN BIẾN", "TỰ CHUYỂN HÓA” GẮN VỚI THỰC HIỆN QUY ĐỊNH SỐ:
205-QĐ/TW NGÀY 23/9/2019 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
Phòng, chống "tự diễn
biến", "tự chuyển hóa”, chống chạy chức, chạy quyền vốn là công việc
rất khó khăn, phức tạp, vì nó liên quan tới vấn đề tư tưởng, biểu hiện âm thầm,
gặm nhấm dần lòng tin, xói mòn dần phẩm chất đạo đức của cá nhân, tổ chức.
Trong thực tế thì hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chạy chức, chạy
quyền, bao che, tiếp tay cũng liên quan cả gián tiếp và trực tiếp tới công tác
xây dựng tổ chức, xây dựng con người, công tác cán bộ v.v..
Hơn nữa,
khi thực hiện nhiệm vụ này rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của mỗi
con người. Tuy khó nhưng không thể không làm, vì vấn đề này có liên quan đến
sinh mệnh chính trị, uy tín của Đảng và sự tồn vong chế độ. Bởi thế, ngoài quan
điểm tích cực và chủ động thì việc kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, khắc phục những
biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là rất quan trọng.
Nếu không kiên quyết trong phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa" thì việc thực hiện sẽ trở nên “nửa vời” và không đạt được mục tiêu,
yêu cầu đề ra. Tình trạng lạm dụng
quyền lực nhất là trong công tác cán bộ đã được Đảng thẳng thắn chỉ ra; và hậu
quả thì vô vàn không thể đo đếm được, khiến cho nhiều bộ, ngành không thể phát
triển, kinh tế đất nước thì có lúc lao đao. Thực tế thời gian qua, công tác cán
bộ bộc lộ nhiều vấn đề, nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự, trong
đó có cả cán bộ cấp cao của Đảng... Khi xử lý mới vỡ lẽ ra nhiều cán bộ đã vi
phạm trong thời gian dài trước khi được cất nhắc vào vị trí quan trọng.Các
hành vi chạy chức, chạy quyền; các hành vi bao che, tiếp tay diễn ra nhiều ở
các cấp các ngành gây nhiều bức xúc
trong nhân dân. Bộ Chính trị đã chỉ rõ 6 hành vi chạy chức chạy quyền và 8 hành vi tiếp tay, bao che và cũng chỉ rõ
trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cách thức tiến hành xử lý vi phạm
Để thể
hiện tính kiên quyết trong phòng, chống "tự diễn biến", "tự
chuyển hóa" , chống chạy chức, chạy quyền thì trong quá trình thực hiện
phải nắm vững nguyên tắc kỷ luật tự giác, nghiêm minh của Đảng, chống phải đi
đôi với xây và phải lấy xây làm chính. Cần phải tiến hành đồng bộ, toàn diện
đối với mọi tổ chức, cá nhân, gắn kết chặt chẽ giữa đấu tranh, phê bình với các
biện pháp hành chính, pháp luật và kinh tế.Việc tạo ra phong trào và hành động
cụ thể, thiết thực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân khi đấu tranh ngăn chặn,
khắc phục những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
là rất cần thiết. Có một số vấn đề cần tập trung, đó là: Kiên quyết đấu tranh
ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cao
cấp, vấn đề này đã được Đảng ta chú trọng thực hiện trong thời gian qua và đã
thu được những kết quả nhất định; kiên quyết sử dụng nhiều biện pháp để đấu
tranh phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; kiên
quyết thực hiện phê bình, tự phê bình. Khi có dấu hiệu vi phạm thì dù cán bộ ở
cương vị nào cũng cần phải được kiểm điểm, phê bình, xử lý kịp thời, mạnh mẽ,
không "dĩ hòa vi quý", không nể nang, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, không
có vùng cấm, không loại trừ cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp cao tự coi mình là
"bề trên", đứng ngoài tổ chức. Những biểu hiện, những đối tượng như
thế càng phải kiên quyết trong đấu tranh, khắc phục, loại trừ, bởi đó thực sự
là "mầm họa" của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa",
là nguyên nhân sâu xa nhưng trực tiếp dẫn tới làm ảnh hưởng đến uy tín, vai trò
lãnh đạo của Đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét