Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Hồ
Chí Minh được kế thừa từ truyền thống lịch sử của cha ông ta. Khi nhìn
nhận về vai trò, sức mạnh của nhân dân, các bậc tiền nhân đã dạy: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước” (Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn); tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi: “Chúng chí thành thành” (Ý chí của nhân dân là thành lũy vững chắc); sức dân như nước, chở thuyền hay lật thuyền cũng do dân: "Lật thuyền mới rõ dân như nước. Cậy hiểm khôn xoay, mệnh ở trời".
Kế thừa tư tưởng “trọng dân”,
“thân dân” theo truyền thống của dân tộc, đồng thời Hồ Chí Minh tiếp thu
lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin: “Cách mạng là sự nghiệp của quần
chúng”, cho nên Người đặc biệt đánh giá cao vai trò, sức mạnh của nhân
dân. Người nói: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”; “Trong
thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của toàn dân”; “dân là gốc của nước”; “dân là quý nhất, là quan trọng nhất.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh: “Dân là gốc của nước”, là lực lượng chủ
yếu của cách mạng, vì dân có số lượng đông, vì “mọi lực lượng đều ở nơi
dân”. Dân cũng là những người làm ra mọi của cải vật chất và giá trị
văn hoá, nuôi sống bộ máy Nhà nước và toàn thể xã hội, làm cho xã hội
tồn tại và phát triển: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng
ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra”.
Xuất phát từ quan điểm sự nghiệp
cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, cho nên cả cuộc đời
của Hồ Chí Minh đã hy sinh phấn đấu vì hạnh phúc của hết thảy đồng bào.
Năm 1946, khi nước nhà mới giành được độc lập, trả lời một phóng viên
nước ngoài, Người bộc bạch: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh
phú quý chút nào... chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao
cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".
Phương pháp “Lấy dân làm gốc” của
Hồ Chí Minh là phải tôn trọng nhân dân, làm lợi cho dân để nhân dân hăng
hái tham gia, ủng hộ sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Vô
luận việc gì đều do người làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều thế
cả”, cho nên phải xem xét mọi việc để có lợi cho dân. Người căn dặn cán
bộ, đảng viên: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất
tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh
mấy họ cũng không sợ” và “nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng... chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Theo Người, muốn
tập hợp, phát huy sức mạnh của quần chúng, vấn đề rất quan trọng là
phải làm thế nào mà "mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ
cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng". Người nhấn mạnh: “Kinh nghiệm trong nước và các nước đã
cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy
cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng
biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà
những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.
Phát huy dân chủ tức là phát huy
quyền làm chủ của nhân dân, để dân thực sự được “làm chủ” và thực sự “là
chủ”. Hồ Chí Minh chỉ rõ, phát huy dân chủ không chỉ là “ở chỗ chào hỏi
kính thưa có lễ phép mà đủ” mà còn là “không được phung phí nhân lực,
vật lực của dân. Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí
vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết
giúp đỡ dân cũng là biết tôn trọng dân”. Trong quan hệ với nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác dân vận phải sâu sát, tìm hiểu kỹ càng, “hiểu
nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng
kiến của dân... Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương
cho dân”.
Để có thể “nói dân tin, ở dân quý,
làm dân theo”, người cán bộ dân vận phải khiêm tốn học hỏi nhân dân,
thành thực lắng nghe sự góp ý, phê bình của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, “không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm trò dân mới làm được thầy học dân”.
Nếu dân góp ý sai thì giải thích cho dân hiểu, nếu có khuyết điểm thì
thật thà tự phê bình trước nhân dân và nghiêm túc sửa chữa, tuyệt đối
không được khinh rẻ ý kiến của nhân dân; không được dùng quyền hành để
“áp bức phê bình”. Tròn 24 năm
trên cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, dù bận nhiều công việc, nhưng để
hiểu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bố trí tiếp dân tại Phủ Chủ tịch và
dành thời gian để đi xuống cơ sở, tìm hiểu, “lắng tai nghe ý kiến của
đảng viên, của nhân dân, của những người không quan trọng”.
Những chuyến công tác về địa phương trực tiếp làm việc với nhân dân, đã
giúp Người nắm sát công việc, hiểu đúng tình hình, từ đó đưa ra những
quyết định chỉ đạo đúng đắn, hợp lý, hợp tình, phù hợp với thực tiễn.
Mặt khác, các cuộc gặp gỡ giữa Người với các tầng lớp đồng bào, là dịp
để đồng bào trao đổi, bày tỏ tâm tư nguyện vọng với người đứng đầu Nhà
nước, đồng thời là nguồn động viên to lớn đối với nhân dân, là cơ sở
thắt chặt hơn niềm tin giữa Đảng với dân. Với Hồ Chí Minh, không bao giờ
Người coi mình đứng cao hơn nhân dân, mà chỉ tâm niệm suốt đời là người
phục vụ trung thành và tận tuỵ của nhân dân, “như một người lính vâng
mệnh quốc dân ra trước trận”.
“Nêu
gương” là phương pháp giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hành
đạo đức cách mạng, xây dựng nền tảng xã hội mới. Trong tư tưởng của Hồ
Chí Minh, “nêu gương” là một trong những phương pháp vận động nhân dân hữu hiệu nhất. Để
tập hợp được lực lượng, vận động được quần chúng, được quần chúng tin
tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, thì người
đảng viên, người cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp làm
công tác dân vận phải là những tấm gương sống. Khi nhận xét về
V.I.Lênin, Hồ Chí Minh cho rằng, V.I.Lênin là người “đã nêu cho chúng ta
một tấm gương sáng về sự giản dị vĩ đại và sự khiêm tốn cao độ” và
“không phải thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa,
tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là
đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các
dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người không gì
ngăn cản nổi”.
Cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải trở thành tấm gương: “Nói đi đôi với làm”; “Nói ít, làm nhiều”,
hướng về dân, gần dân, hiểu dân, trọng dân, tin dân, học dân, dựa vào
dân để đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các
khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ, cán bộ và cấp ủy các cấp phải sâu sát với công việc và sâu sát với nhân dân; dựa vào nhân dân để kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận phải luôn thấu triệt tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh, “Đảng cầm quyền, nhưng nhân dân là chủ, quyền là do nhân dân ủy nhiệm, nên phải dốc lòng phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Cán bộ dân vận phải luôn ghi nhớ tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hễ
còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau
thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa phải
lo tính công việc lớn như đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của
nước ta thành nền văn hóa tiên tiến, đồng thời luôn luôn quan tâm đến
những công việc nhỏ như tương, cà mắm, muối cần thiết cho đời sống hàng
ngày của nhân dân”[17]. Từ đó, có ý thức và hành động, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thực hiện phương pháp nêu
gương trong công tác dân vận, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, không gì thuyết
phục hơn là bằng hành động thực tiễn, bằng việc làm cụ thể, Hồ Chí Minh
nói, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, vì “trước mặt quần chúng,
không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến.
Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn
nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực trong việc khởi
xướng, gương mẫu thực hiện phong trào “hũ gạo cứu đói” (1945). Người đề
xuất và tự mình mỗi tuần nhịn ăn một bữa, góp phần gạo vào hũ gạo cứu
đói, được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, trở thành phong trào rộng lớn
trong cả nước. Nêu gương bằng hành động để thuyết phục nhân dân nghĩa là
người cán bộ phải đi đầu, xông pha vào những nơi ác liệt nhất, gánh vác
những công việc khó khăn nhất; giải quyết mọi công việc, từ vận động,
tập hợp lực lượng, đến chỉ đạo đến triển khai thực thi nhiệm vụ. Trong
quá trình lãnh đạo hay thực thi công việc, người cán bộ đều phải nêu gương, sẵn sàng xông pha đi đầu vào những nơi khó khăn, nguy hiểm, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nêu
gương bằng hành động là: “Nói đi đôi với làm”, nói được thì phải làm
được; “chưa làm được thì chưa nói”; cán bộ cấp trên gương mẫu, có tinh
thần trách nhiệm cao trước cán bộ cấp dưới; kiên quyết khắc phục mọi
biểu hiện vủa bệnh quan liêu, mệnh lệnh, giáo điều, sính dùng câu chữ to
tát nhưng xa rời thực tế, xa rời cơ sở, xa rời quần chúng; kiên quyết
phê phán những cán bộ, đảng viên không dám nói, không dám hành động,
hoặc “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”, “nói một đường làm một
nẻo”, “a dua theo đuôi quần chúng”, thậm chí chỉ thụ động, ngồi chờ, ỷ
lại, sợ trách nhiệm.
Hồ
Chí Minh chỉ rõ, dùng phương pháp “nêu gương” để vận động nhân dân đòi
hỏi mỗi cán bộ, đảng viên ở bất kỳ vị trí công tác nào cũng phải nêu cao
tính chiến đấu tự phê bình và phê bình. Bởi vì, quần chúng nhân dân
luôn chú ý tới lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên để xem có nên
noi theo hay không. Và cũng qua đó, họ biết rất rõ cán bộ, đảng viên,
nhất là cán bộ, đảng viên ở cơ sở, cán bộ dân vận là những người làm
việc thường xuyên và trực tiếp với dân; có những ưu điểm, khuyết điểm
gì, đã sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm đến đâu... đều
được dân đánh giá. Cán bộ, đảng viên càng giữ chức vụ cao, đảm trách vị
trí quan trọng, nhất là người đứng đầu, càng phải hết sức nêu gương tự
phê bình và phê bình; luôn tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối
sống ở mọi lúc, mọi nơi. Thông qua kết quả làm việc của cán bộ, đảng viên
trong thực thi nhiệm vụ để xây dựng niềm tin của dân với Đảng là nhiệm
vụ hết sức quan trọng của công tác dân vận và của cán bộ dân vận. Niềm
tin của nhân dân với Đảng sẽ chỉ có và được khẳng định khi lời nói và
việc làm của cán bộ được nhân dân thừa nhận đúng; chủ trương đường lối
của Đảng, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống. Do đó, công tác
tuyên truyền, vận động phải bám sát lý luận và thực tiễn, với mục tiêu
hướng tới phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc, bằng tinh thần “dĩ công vi
thượng”. Để
lựa chọn được cán bộ dân vận tốt, có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của
công tác dân vận; để trở thành những tấm gương, trong công tác cán bộ,
lãnh đạo cấp ủy và chính quyền cần lắng nghe dân để có sự lựa chọn đúng
dắn, khách quan; lựa chọn những người cán bộ thật sự tiêu biểu về bản
lĩnh chính trị, đạo đức và lối sống, năng lực trí tuệ và trình độ tổ
chức thực tiễn bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo và cán bộ làm công tác dân vận.
Mặt khác, kiên quyết loại bỏ những người có biểu hiện thoái hóa về tư
tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, toan tính cá nhân, cơ hội, thực
dụng, xa dân và sách nhiễu dân; việc xử lý cán bộ thoái hóa, biến chất
phải kịp thời, công khai, đúng người, đúng tội và được sự giám sát của
nhân dân. Nhằm ngăn chặn kịp thời
những biểu hiện tha hóa quyền lực như lạm quyền, lộng quyền, trục lợi từ
quyền, kéo bè kết cánh, “đầu cơ chính trị”, quan hệ “lợi ích nhóm”, xa
rời lý tưởng xã hội chủ nghĩa, sa đọa về đạo đức, lối sống v.v..
Đẩy
mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng
thời, thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên,
để họ rèn luyện bản lĩnh chính trị, kiên định lập trường và nâng cao
năng lực lãnh đạo, phòng và chống sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, ngăn
ngừa sự dao động, mất niềm tin của cán bộ và nhân dân trước âm mưu, thủ
đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đó là những vấn đề
căn cốt của phương pháp “dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét