Tháng 12/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ
thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Đội do đồng chí Hoàng
Sâm làm đội trưởng và đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị
chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội
nhân dân Việt Nam. Ngày mới thành lập, Đội có 3 tiểu đội gồm 34 chiến sĩ được
lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng, là con em các tầng lớp nhân dân bị áp
bức, họ có lòng yêu nước, có tinh thần kiên quyết, dũng cảm, chí căm thù địch
rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc.
Thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch là: "phải đánh thắng
trận đầu", vì vậy ngay sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải
phóng quân đã mưu trí, táo bạo hạ đồn Phay Khắt (24/12/1944) và Nà Ngần
(25/12/1944) trong hoàn cảnh "ăn mỗi ngày một bữa, đánh mỗi ngày hai
trận" , và chỉ sau một tuần, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng
quân đã phát triển thành 3 trung đội làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền,
diệt địch, biến Cao-Bắc-Lạng thành một căn cứ vững chắc.
Theo quyết định của hội nghị quân sự Bắc Kỳ, ngày 15/5/1945
tại chợ Chu (tỉnh Thái Nguyên), đã diễn ra lễ hợp nhất 2 đội: Việt Nam Tuyên
truyền Giải phóng quân và Cứu quốc Quân với tên gọi mới là: Việt Nam Giải phóng
quân, quân số ban đầu là 13 đại đội. Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Việt
Nam giải phóng quân có vai trò rất quan trọng, là đơn vị chủ lực Việt Nam giải
phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến thị xã Thái Nguyên, mở đầu
cho tổng khởi nghĩa toàn quốc.
Ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945,
quân đội Việt Nam mang tên Vệ quốc đoàn và trong kháng chiến chống Pháp quân
đội ta mang tên quen thuộc nhất cho đến ngày nay là Quân đội nhân dân
Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
cứu nước, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như mọi bộ phận khác mang cái tên
lịch sử là Giải phóng quân miền Nam đã góp phần thành công trong cuông cuộc
giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975.
Theo suốt chiều dài lịch sử, quân đội ta từ một lực lượng
nhỏ bé, vũ khí trang bị thô sơ đã vươn lên thành một đội quân hùng hậu, chính
quy hiện đại, gắn bó với nhân dân, tô đậm truyền thống vẻ vang: "Quân
đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự
do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào
cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Truyền thống vẻ vang đó ngày
nay và mãi mãi về sau luôn được các thế hệ trân trọng, gìn giữ và phát huy để
xứng đáng với tên gọi “Quân đội nhân dân”, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà
chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu
sắc; chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không một thế lực nào có thể phủ
nhận, xuyên tạc vai trò, vị trí của Quân đội nhân dân./.
Như
Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét