Ngay sau khi Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam vào chiều tối 12-2 (theo giờ Việt Nam), Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về sự kiện quan trọng này.
Phóng viên (PV): Ngày 12-2-2020, EP vừa bỏ phiếu
phê chuẩn EVFTA và EVIPA giữa EU và Việt Nam. Xin Thứ trưởng đánh giá về
ý nghĩa của quyết định này?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: EP vừa thông qua các quyết
định hết sức quan trọng cả về chiến lược và kinh tế trong quan hệ Việt
Nam và EU, mở ra cơ hội hợp tác ngày càng sâu rộng, toàn diện và hiệu
quả hơn giữa hai bên sau đúng 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao
(1990-2020).
Được ký ngày 30-6-2019 tại Hà Nội, EVFTA sẽ có hiệu lực khi được Quốc
hội Việt Nam và EP phê chuẩn, trong khi EVIPA cần được Quốc hội Việt
Nam, EP và nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn. Quyết định của EP
đã “bật đèn xanh” cho việc thực thi EVFTA và tạo tiền đề để các nghị
viện quốc gia thành viên EU xem xét, phê chuẩn EVIPA thời gian tới.
Trước hết, quyết định phê chuẩn EVFTA và EVIPA thể hiện sự coi trọng,
đánh giá cao của các nghị sĩ và các quốc gia thành viên EU về vai trò,
vị thế của Việt Nam và quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU.
Hai hiệp định sẽ tạo dựng các khuôn khổ hợp tác song phương lâu dài theo
hướng đối tác bình đẳng, cùng có lợi, đóng góp vào xu thế chung về thúc
đẩy liên kết kinh tế quốc tế và phát triển bền vững.
Thứ hai, việc phê chuẩn các hiệp định cũng khẳng định chính sách của EU
tiếp tục tăng cường gắn kết với châu Á-Thái Bình Dương nói chung và
ASEAN nói riêng. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta sẵn sàng
phối hợp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa EU và ASEAN.
Thứ ba, việc EP bỏ phiếu thuận phê chuẩn hai hiệp định ngay đầu nhiệm
kỳ mới cũng cho thấy lợi ích kinh tế to lớn mà EVFTA và EVIPA mang lại
cho cả hai bên. EVFTA sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp EU tiếp cận thị
trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, qua đó tiếp cận sâu hơn thị
trường ASEAN và khu vực; GDP của EU dự kiến sẽ tăng thêm 30 tỷ USD và
xuất khẩu tăng thêm 29% vào năm 2035. Đối với Việt Nam, EU là thị trường
lớn thứ hai cho hàng xuất khẩu Việt Nam; việc thực hiện EVFTA dự kiến
giúp GDP của ta tăng 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng gần 42,7% vào năm
2025. Do vậy, quyết định của EP đã nhận được sự hoan nghênh rất lớn từ
cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Thứ tư, tuy quan điểm giữa các nghị sĩ EP còn khác biệt, song việc ủng
hộ thông qua FTA chất lượng cao đầu tiên của EU với một quốc gia đang
phát triển cho thấy quyết tâm của EU tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương
mại, đầu tư dựa trên luật lệ. Quyết định của EP sẽ tạo thêm niềm tin,
củng cố xu thế liên kết kinh tế quốc tế và thương mại mở, tự do. Điều
này rất quan trọng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đang đe dọa
tăng trưởng của kinh tế thế giới, của nhiều khu vực và quốc gia.
Chúng ta tin tưởng các hiệp định này sau khi hoàn tất quá trình phê
chuẩn và đi vào triển khai trong năm 2020 sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho
quan hệ Việt Nam-EU, tạo những dấu mốc mới trong phát triển kinh tế-xã
hội và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
PV: Thứ trưởng có thể chia sẻ những khó khăn, phức tạp và nỗ lực của hai bên để đạt kết quả quan trọng này?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: EVFTA và EVIPA là các hiệp
định có mức độ cam kết sâu rộng nhất của EU với một thành viên đang phát
triển. Do đó, quá trình phê chuẩn cần tuân thủ các quy định chặt chẽ
của EP và của nghị viện các quốc gia thành viên. Việc xem xét phê chuẩn
phải đi đôi với bảo đảm hiệu quả thực thi. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ
gia tăng, những biến động trong chính trị nội bộ của EU, đặc biệt tiến
trình Brexit, quan điểm và lợi ích khác biệt trong nội bộ EP, sự khác
nhau về trình độ phát triển, thể chế chính trị-xã hội giữa hai bên...
cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình xem xét, phê chuẩn hai hiệp
định.
Kết quả bỏ phiếu tại EP cho thấy, phần lớn các nghị sĩ ủng hộ EVFTA và
EVIPA, song cũng có một bộ phận chưa thể hiện quan điểm tích cực. Có
những đảng trong EP kiên quyết theo đuổi chính sách bảo hộ thị trường
nội địa, không ủng hộ các thỏa thuận thương mại tự do (FTA), mặc dù ủng
hộ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và đánh giá cao vai trò ngày càng quan
trọng của Việt Nam. Nhiều nhóm nghị sĩ lại đặc biệt quan tâm những vấn
đề về phát triển bền vững, chống đánh bắt cá trái phép, việc thực thi
các tiêu chuẩn cao về lao động, vấn đề quyền con người, lao động trẻ em,
các cơ chế bảo đảm hiệu quả thực thi... Do vậy, quá trình chúng ta trực
tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, giúp các nước thành viên EU và hơn
700 nghị sĩ EP hiểu về thực tế khách quan ở Việt Nam, nỗ lực cải cách và
hội nhập của Việt Nam, phối hợp giải quyết những vấn đề cùng quan tâm
là hết sức kịp thời và hiệu quả, được bạn đánh giá rất cao. Hai ngày
trước khi diễn ra bỏ phiếu về EVFTA và EVIPA như đã được thống nhất, EP
còn buộc phải tiến hành bỏ phiếu về việc có hoãn lại cuộc bỏ phiếu thông
qua hai hiệp định hay không do sức ép và yêu cầu quyết liệt của một vài
đảng và ủy ban của EP.
Có thể nói, mặc dù chia sẻ ý nghĩa chiến lược và lợi ích kinh tế của
các hiệp định, song việc chúng ta đạt sự ủng hộ đa số tại EP là kết quả
từ những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Quốc hội và nhiều bộ, ban, ngành
liên quan. Điều quan trọng là lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các cấp của
cả Việt Nam và EU đều ủng hộ, coi trọng việc ký kết và phê chuẩn hai
hiệp định. Trong các cuộc tiếp xúc và trao đổi thường xuyên thời gian
qua giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo nhiều
bộ, ban, ngành của ta với lãnh đạo cấp cao EP và các quốc gia thành
viên, lãnh đạo các ủy ban EP, các ủy ban và cơ quan của EU, hai bên đều
quyết tâm thúc đẩy phê chuẩn EVFTA và EVIPA trong thời gian sớm nhất. Từ
đó, lãnh đạo cấp cao hai bên đã chỉ đạo sát sao các cơ quan phối hợp
chặt chẽ thúc đẩy tiến trình này.
Các cơ quan liên quan của Việt Nam, nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Công
Thương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, Ủy ban Đối ngoại và các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp thường
xuyên, hiệu quả với các cơ quan của EP để tiến hành các thủ tục phê
chuẩn, xây dựng các kế hoạch và lộ trình cụ thể để thông tin cho EP,
nhất là lộ trình thực thi các cam kết EVFTA về lao động, phát triển bền
vững, hình thành nhóm tư vấn trong nước, cơ chế phối hợp giữa hai Quốc
hội trong quá trình thực thi... trên cơ sở bảo đảm các lợi ích của ta.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cử đoàn đặc phái viên do Bộ Ngoại
giao chủ trì với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan đi Brussels
(Bỉ) và Strasbourg (Pháp) ngay trước và trong thời điểm bỏ phiếu giúp
cung cấp thông tin kịp thời và thúc đẩy sự ủng hộ của các nghị sĩ. Phái
đoàn ta tại Bỉ và EU và các đại sứ quán ta tại các nước thành viên cũng
tích cực trao đổi, vận động các nghị sĩ và các đối tác sở tại thúc đẩy
tiến trình phê chuẩn hai hiệp định.
PV: Là những hiệp định thương mại và đầu tư toàn
diện, chất lượng cao chúng ta ký kết với một đối tác kinh tế, thương mại
hàng đầu, EVFTA và EVIPA sẽ mang lại những lợi ích gì cho nền kinh tế
và các doanh nghiệp Việt Nam, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: EVFTA và EVIPA sẽ tạo động
lực mới thúc đẩy mạnh mẽ và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kinh tế-thương
mại-đầu tư giữa Việt Nam và EU, tương xứng với kỳ vọng và tiềm năng của
hai bên.
Với mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện và do tính bổ trợ giữa hai nền
kinh tế, EVFTA sẽ đem lại lợi ích lớn cho hai bên. Ngay khi EVFTA có
hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế từ
Việt Nam và nâng lên 99% dòng thuế sau 7 năm; trong khi Việt Nam xóa bỏ
ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU trong năm đầu tiên và nâng lên
91,8% số dòng thuế sau 7 năm. Nếu tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp
Việt Nam sẽ có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU để gia
tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu, nhất là trong các lĩnh vực ta có thế
mạnh và được ưu đãi thuế quan, như: Dệt may, da giày, nông-thủy sản…
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nước hết sức phức tạp,
EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp chúng ta đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường
và đối tác, tạo chỗ đứng vững chắc hơn tại thị trường rất lớn EU. Người
dân Việt Nam cũng tiếp cận với hàng hóa, thiết bị mà Việt Nam không có.
EVFTA và EVIPA cũng sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư chất
lượng cao từ EU, đi kèm với công nghệ, tri thức quản lý tiên tiến hàng
đầu và những lĩnh vực mới của kinh tế số.
Bên cạnh các cam kết về kinh tế, EVFTA cũng bao quát nhiều cam kết mới
về phát triển bền vững, ứng phó với biển đổi khí hậu, quản trị rừng bền
vững, các tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường... Sự hợp tác hiệu quả
giữa hai bên trong thực thi các cam kết này sẽ góp phần tiếp tục thúc
đẩy cải cách, tăng trưởng bền vững, nâng cao tiêu chuẩn lao động và đời
sống của nhân dân.
Để EVFTA sớm được triển khai, các cơ quan liên quan cần hoàn thành các
thủ tục cần thiết để trình Quốc hội sớm xem xét phê chuẩn hai hiệp định.
Chúng ta cũng cần tích cực thúc đẩy nghị viện các quốc gia thành viên
EU sớm phê chuẩn EVIPA. Các bộ, ban, ngành, các địa phương và doanh
nghiệp cần khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai hiệp định, tuyên
truyền, phổ biến các cam kết, nắm chắc các quy định mới để có thể tận
dụng tốt các cơ hội, đồng thời ứng phó với những thách thức có thể phát
sinh khi thực thi các hiệp định.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với nỗ lực chung của Quốc hội, Chính phủ,
các bộ, ban, ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân, chúng ta
tin tưởng việc thực thi EVFTA và sắp tới là EVIPA sẽ thực sự mang lại
lợi ích lớn cho nền kinh tế Việt Nam, đóng góp quan trọng vào thực hiện
các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn
diện và nâng cao vị thế đất nước sẽ được thông qua tại Đại hội Đảng toàn
quốc lần thứ XIII.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét