Đưa cán bộ đến gần dân, sát dân
Khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân của đội ngũ cán bộ cơ sở, từ năm
2018, tỉnh Bắc Kạn giải thể chi bộ các cơ quan xã, phường, thị trấn,
đưa đảng viên về sinh hoạt ở thôn, bản, tổ dân phố. Từ chủ trương này,
cán bộ đã hòa mình với quần chúng nhân dân, góp phần tăng hiệu lực, hiệu
quả lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt và vai trò giám
sát của chi bộ trực thuộc.
Với
đặc thù tỉnh miền núi, địa hình chia cắt mạnh, phần lớn thôn, bản cách
xa trung tâm xã, cho nên ở Bắc Kạn, đội ngũ đảng viên các cơ quan, cán
bộ cơ sở xã, phường, thị trấn khó xuống cơ sở thường xuyên. Do vậy, ở
nhiều xã, còn có hiện tượng cán bộ xa dân, quan liêu, nhiều vụ việc bức
xúc không được phát hiện, xử lý kịp thời. Thí dụ tại xã Vũ Muộn, huyện
Bạch Thông, đảng viên, công chức được phân công phụ trách các thôn không
sâu sát, ít xuống cơ sở dẫn tới tháng 6-2019, 15 đối tượng ở thôn Đâng
Bun tham gia phá rừng, đốn hạ 41 cây gỗ nghiến nhóm IIa. Điều đáng nói
là trong đó có ba người là đảng viên, hai đối tượng là con của bí thư
chi bộ thôn. Đồng chí Ma Doãn Kháng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Chợ Đồn
cho biết, nhiều chi bộ cơ quan ban hành nghị quyết hằng năm còn lấn
sang cả nhiệm vụ của Ban Chấp hành Đảng bộ, nhầm lẫn trong công tác lãnh
đạo, chỉ đạo.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Kạn, việc thành lập chi bộ cơ quan xã,
phường, thị trấn làm giảm số lượng, chất lượng đảng viên của chi bộ
thôn, tổ, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, làm giảm
sút năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ này. Công tác tự phê
bình và phê bình tại các chi bộ cơ quan xã còn hạn chế, còn nể nang, né
tránh, ngại phê bình đảng viên là lãnh đạo chủ chốt cấp xã và đảng viên
lớn tuổi. Công tác quản lý đảng viên ở một số chi bộ còn có dấu hiệu
lỏng lẻo, chưa nắm chắc tình hình của đảng viên nơi cư trú, một số đảng
viên là cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, thậm chí mắc các tệ nạn xã
hội nhưng chưa được kiểm điểm, phê bình thẳng thắn. Do vậy, việc giải
thể các chi bộ này là phù hợp thực tiễn, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng
cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ, củng cố chất lượng công tác xây
dựng Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Chợ Đồn là một trong những huyện đầu tiên của Bắc Kạn giải thể các
chi bộ cơ quan xã trước khi có chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số
38-KL/TW ngày 13-11-2018 về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số
22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh
đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ,
đảng viên. Đồng chí Triệu Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Rã Bản cho biết,
thực tiễn tại địa phương, hầu hết các thôn ít hộ, nhiều chi bộ ít đảng
viên, sức chiến đấu giảm, không phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo.
Việc đưa đảng viên ở cơ quan xã về sinh hoạt tại thôn, bản, góp phần
giải quyết những yếu kém nêu trên. Tại chi bộ thôn Pác Giả, có thời
điểm, tổng số đảng viên chỉ còn ba đồng chí, vai trò lãnh đạo không được
thể hiện. Trước tình hình đó, Đảng bộ xã phân công, đưa ba đồng chí
đảng viên từ chi bộ cơ quan xã, gồm: đồng chí chủ tịch UBND xã, công
chức kế toán văn phòng và tư pháp về sinh hoạt. Số đảng viên tăng, đóng
góp nhiều ý kiến đã phát huy vai trò của chi bộ. Bí thư Chi bộ thôn Pác
Giả Nông Thị Tân cho biết, sinh hoạt của chi bộ đã đi vào nền nếp; đảng
viên là công chức, cán bộ xã đóng góp nhiều ý kiến đúng, trúng, như: tập
trung phát triển cây cam, quýt, kêu gọi làm đường liên thôn, nhờ vậy,
Pác Giả giảm tỷ lệ hộ nghèo, sớm đạt các tiêu chí về nông thôn mới.
Từ tháng 3-2019, Đảng ủy xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới giải thể chi bộ
cơ quan xã, phân công 19 đảng viên về sinh hoạt ở các thôn theo phương
châm, đảng viên cư trú thôn nào về sinh hoạt thôn đó, lãnh đạo xã sinh
hoạt tại các thôn khó khăn nhất. Dù thời gian thực hiện chưa đầy một năm
nhưng hiệu quả đã được cấp ủy, chi bộ ghi nhận. Theo phân công, đồng
chí Hoàng Chu Tần, cán bộ nông, lâm xã về sinh hoạt tại chi bộ thôn Con
Kiến, thôn khó khăn do ít đất ruộng, chủ yếu đồi núi, còn tới 10 hộ
nghèo trên tổng số 50 hộ trong thôn. Là cán bộ nông, lâm, có trình độ
đại học nông nghiệp, trong các buổi sinh hoạt chi bộ, đồng chí Tần đã
nhận nhiệm vụ, tham mưu, đề xuất, góp ý chi bộ đẩy mạnh chăn nuôi thủy
sản. Đến nay, thôn đã phát triển, mở rộng được hơn 4 ha ao nuôi cá, cho
thu nhập ổn định.
Mỗi xã ở Bắc Kạn lại có những cách lựa chọn tiêu chí phân công đảng
viên về sinh hoạt riêng gắn với thực tế tại địa phương, giải quyết được
nhiều việc khó của các chi bộ thôn. Tại xã Cao Thượng, huyện Ba Bể,
tháng 6-2018, 21 đảng viên được chia về sinh hoạt tại 15 thôn, bản với
tiêu chí, cán bộ lãnh đạo về sinh hoạt ở những thôn khó khăn, nhiều năm
không phát triển được đảng viên mới. Sau hơn một năm, chất lượng sinh
hoạt các chi bộ đã có nhiều chuyển biến, Đảng bộ xã kết nạp được 11 đảng
viên mới. Số đảng viên tăng, sinh hoạt nền nếp, các chi bộ phát huy vai
trò lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế. Tại thôn Khuổi Hao, chi bộ đã
có nhiều ý kiến đóng góp mới, như: vận động người dân phát triển kinh
tế, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước hợp lý; tuyên truyền, định
hướng người dân giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, Khuổi
Hao đã phát triển đàn đại gia súc của thôn lên hơn 220 con, trung bình
mỗi gia đình có ba con, chủ động khai phá ruộng trồng lúa nước, trồng
ngô, đỗ tương. Từ một thôn có 100% số hộ nghèo, đến hết năm 2018, Khuổi
Hao đã có năm hộ thoát nghèo, năm hộ thuộc diện cận nghèo.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Văn (huyện Chợ Mới) Ma Phúc
Quyên cho biết, có đảng viên là cán bộ, công chức, các chi bộ thôn đã
phát huy được vai trò giám sát. Thí dụ, khi làm đường nông thôn mới,
đảng viên là cán bộ, công chức vận động nhân dân hiểu chủ trương: Nhà
nước hỗ trợ 70%, dân đóng góp 30%; tham gia Ban Thanh tra nhân dân giám
sát chặt chẽ việc thi công. Do vậy, tiến độ xây dựng nhanh, hoàn thành
sớm 16 km đường, giúp Bình Văn đạt chuẩn nông thôn mới mà không có sai
phạm trong huy động sức dân, sử dụng ngân sách nhà nước.
Sau hơn một năm triển khai, Bắc Kạn đã giải thể gần 100 chi bộ cơ
quan xã, phường, thị trấn, đưa hàng nghìn đảng viên về sinh hoạt ở các
thôn, tổ, góp phần tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực, hiệu quả, xóa bỏ tình
trạng sinh hoạt hời hợt, làm cho xong. Tuy vậy, thực tiễn cũng cho thấy
còn có những bất cập, như: cán bộ xã này nhưng cư trú ở xã khác, sáng
đi, tối về nhà, có khi đi lại mất 20 km cho nên việc dự sinh hoạt chi bộ
cũng có lúc khó khăn. Ngoài ra, mỗi chi bộ còn lúng túng khi đánh giá,
phân loại chất lượng đảng viên là cán bộ, công chức xã khi không nắm rõ
được việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các đảng viên này ra sao.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Văn Du cho biết, đưa đảng viên về sinh
hoạt ở thôn, tổ là cách để cán bộ gần dân, sát dân, hiểu dân, nắm bắt
thông tin kịp thời để cùng chi bộ giải quyết vấn đề ngay từ cơ sở rất
hiệu quả. Đồng thời, cán bộ, công chức là đảng viên cũng trở thành những
tuyên truyền viên giúp phổ biến kịp thời chủ trương, chính sách của
Đảng, của tỉnh, huyện, xã tới với cơ sở nhanh nhất, hiệu quả nhất. Thời
gian tới, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện
nghiêm túc, chất lượng việc phân loại, đánh giá cán bộ, công chức hằng
năm để chi bộ thôn, tổ có căn cứ chính xác đánh giá hiệu quả việc thực
hiện nhiệm vụ của đảng viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét