Sau ngày 30-4-1975, công việc trước mắt của chính quyền cách mạng khá bộn bề, trong đó có nhiệm vụ giáo dục, cải tạo tù binh, hàng binh ngụy. Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, nguyên Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2 vẫn nhớ mãi kỷ niệm về những “lớp học” đặc biệt cách đây 47 năm.
Kỷ niệm về “lớp học” đặc biệt
Đầu tháng 5-1975, chúng tôi đang học tại Học viện Chính trị thì được lãnh đạo học viện giao nhiệm vụ rất quan trọng: Lên đường vào Nam cải tạo tù binh, hàng binh là sĩ quan quân đội ngụy quyền Sài Gòn vừa bại trận. Trước lúc lên đường, chúng tôi được học tập, quán triệt kỹ về công tác địch vận; chính sách hòa hợp dân tộc, nội dung tuyên truyền, giáo dục về công tác tù binh, hàng binh...
Đêm 16-6-1975, máy bay chở chúng tôi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đoàn xe GMC, là chiến lợi phẩm ta thu được của địch, ra đón chúng tôi về trại Yên Quyết, Trung tâm Huấn luyện Quang Trung ở Hóc Môn. Sau đó, chúng tôi tập trung về thành Quan Năm, Hóc Môn dự tập huấn.
Đoàn chúng tôi có 15 người, do đồng chí Tưởng, cấp bậc Đại úy phụ trách. Về đây, còn có 15 người nữa của H12 (phiên hiệu của Trường Sĩ quan Lục quân 2 ngày nay) do đồng chí Tư Tâm, Trưởng khoa Giáo viên chính trị H12 làm trưởng đoàn. Chúng tôi được phân công về Trung đoàn 3, Sư đoàn 500 tại căn cứ Trảng Lớn, nay thuộc xã Thái Bình (Châu Thành, Tây Ninh). Đây là căn cứ quân sự quy mô lớn, rộng khoảng 6km2, từng là nơi đồn trú của Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” của Mỹ, cách thị xã Tây Ninh khoảng 4km. Cạnh căn cứ có tuyến đường 22B chạy ra khu vực Bến Sỏi, sông Vàm Cỏ Đông qua biên giới Campuchia. Căn cứ Trảng Lớn là nơi ta dùng để tập trung cải tạo, giáo dục tù binh, hàng binh ngụy, quân hàm từ thiếu úy đến thiếu tá, khoảng 13.000 người, gồm đủ các lực lượng: Bộ binh, pháo binh, cảnh sát, tình báo, biệt phái, sĩ quan tâm lý chiến... chia thành 3 trung đoàn, mỗi trung đoàn có 5 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn từ 800 đến 1.000 đối tượng.
Một lớp học cải tạo tù binh, hàng binh tại căn cứ Trảng Lớn (Tây Ninh) cuối năm 1975. Ảnh tư liệu |
Quán triệt sâu sắc chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, chương trình giáo dục tù binh, hàng binh được chia thành 10 bài. Nội dung chủ yếu là chỉ ra cho họ thấy rõ bạn-thù, ta-địch; vạch rõ âm mưu chính sách thực dân kiểu mới của Mỹ, phân tích làm rõ tội ác của Mỹ; làm rõ thắng lợi vĩ đại, tất yếu của cách mạng Việt Nam; chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng ta, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam...
Do số tù binh, hàng binh rất đông nên mỗi tiểu đoàn chia làm hai lớp, mỗi giáo viên đảm nhiệm 3-4 bài giảng. Tôi được phân công giảng 4 bài và giảng đầu tiên để đoàn rút kinh nghiệm. Trước khi giảng, tôi đề nghị được tiếp xúc với đối tượng. Cấp trên bố trí cho tôi gặp 10 người. Qua gặp gỡ, tôi thấy tù binh, hàng binh sĩ quan ngụy hầu hết đều được đào tạo cơ bản, từng hưởng lợi ích vật chất, bổng lộc của Mỹ nên việc giáo dục, cải tạo họ phải có hình thức, giải pháp linh hoạt, quan trọng nhất là giáo dục, thuyết phục. Chỉ trước đó một thời gian ngắn, nhiều đối tượng trong số này từng thề quyết tử với cộng sản, từng gây ra bao tội ác, nợ máu với nhân dân. Tuy nhiên, hiện giờ tình thế đã khác. Tôi có niềm tin rằng, họ cũng là con dân Việt Nam, hầu hết đều xuất thân từ gia đình lao động, do bối cảnh lịch sử nên hoặc tự nguyện, hoặc bắt buộc làm tay sai, phản nước, hại dân. Điều quan trọng trong công tác giáo dục là khơi dậy tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào, ý thức tiếp thu tư tưởng mới, tự giác cải tạo. Do vậy, tôi chuẩn bị bài giảng rất kỹ, giảng thử để anh em góp ý và được nhận xét là có nội dung, phương pháp tốt.
Hôm tôi thực hành giảng buổi đầu, gần 1.000 đối tượng tù binh, hàng binh và gần 100 đồng chí giáo viên, cán bộ quản giáo của ta dự, rút kinh nghiệm. Địa điểm lớp học là ngôi nhà mái tôn lớn do tù binh Tiểu đoàn 1 mới dựng. Nghe tôi quán triệt mục đích, yêu cầu, giới thiệu nội dung, hầu hết chăm chú lắng nghe, ghi chép. Quan sát lớp học, tôi nhận thấy hầu hết nét mặt cầu thị, hướng thiện. Tôi nghĩ vậy là nội dung có sức thuyết phục tốt. Sau buổi giảng hôm ấy và những buổi tiếp theo, được trao đổi, thảo luận giữa các tù binh, hàng binh, không khí có phần cởi mở hơn. Tôi quan sát thấy từng tốp nhỏ trao đổi với nhau nhiều hơn khi lao động cải tạo. Tôi nghĩ phần nào họ đã hiểu về chính sách khoan hồng của cách mạng.
Một tình huống khá bất ngờ, thú vị trong buổi học thứ hai, lúc giải lao giữa hai tiết giảng, một đối tượng chừng 35 tuổi, nhìn vẻ trí thức, hỏi tôi: “Dạ thưa ông, ông đánh giá thế nào về Lê Văn Duyệt?”. Tôi trả lời ngay: “Tả quân Lê Văn Duyệt là một công thần trụ cột của triều Nguyễn, vừa có tội vừa có công. Nhưng các anh không phải như Lê Văn Duyệt!”. Đối tượng đáp “dạ” rồi bước lẫn vào đám đông. Tôi muốn anh ta nhận thức rõ mình là ai và cần phải làm gì để được sự khoan hồng của cách mạng!
Khi vào đất Sài Gòn, chúng tôi có dịp đi chơi và thấy tên đường Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Văn Duyệt; thấy tờ 100 đồng tiền ngụy có in hình Lê Văn Duyệt... Trong sử sách, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo thì rõ rồi, nhưng Lê Văn Duyệt là ai? Vì sao lại được vinh danh chọn đặt tên đường và in ảnh ở tờ tiền ngụy mệnh giá 100 đồng? Tìm hiểu, tôi được biết Lê Văn Duyệt là vị tướng đã cứu Nguyễn Ánh thoát khỏi sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn, giúp Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn (khi triều đại Tây Sơn đã thoái trào). Ông là vị tướng cương trực, liêm khiết, có công dẹp giặc và tổ chức nhân dân khai hoang, lập ấp, bảo đảm cuộc sống ấm no, an ninh bền vững, được nhân dân địa phương kính trọng. Tôi nghĩ, khi hỏi tôi câu đó, chắc anh ta muốn cách mạng đánh giá mình vừa có tội vừa có công. Nhưng khi nghe tôi nói “các anh không phải như Lê Văn Duyệt” thì anh ta không dám đối thoại tiếp.
Niềm vui nhỏ từ chủ trương lớn
Một buổi học khác, có tù binh thưa: “Dạ, cho phép tôi khai lại hoàn cảnh gia đình”. Tôi hỏi: “Vì sao?”. “Dạ, vì lần khai vừa rồi chưa đầy đủ. Tôi có 4 vợ nhưng mới chỉ khai 2, vì mỗi lần chuyển vị trí đóng quân tôi lấy một vợ. Tôi mới khai 2 bà ở Sài Gòn, còn 1 bà ở Đà Nẵng, 1 bà ở Huế chưa khai!”. Tôi suýt bật cười nhưng kìm được, nghiêm giọng: “Được, không những vợ mà các việc khác theo yêu cầu đã được hướng dẫn các anh phải khai đầy đủ, không được dối trá”. Đối tượng đáp: “Dạ, cảm ơn ông!”.
“Lớp học” đặc biệt mỗi ngày lại có thêm những câu chuyện kiểu như vậy. Những băn khoăn của hầu hết tù binh, chúng tôi đã lồng ghép, giải thích trong các buổi giảng, nói cho họ hiểu rõ chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta trong việc đối xử với từng loại tù binh, hàng binh...
Ngày 21-11-1975, Đại tá Đoàn Chương, Phó chính ủy Học viện Chính trị đến thăm, động viên anh em chúng tôi đang làm nhiệm vụ đặc biệt. Thủ trưởng Chương cho biết: Cục Chính trị Miền đánh giá cao những cố gắng của các đồng chí trong công tác binh vận, địch vận và thực hiện chính sách tù binh, hàng binh của Đảng. Về cơ bản, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền, định hướng cải tạo tù binh, hàng binh là sĩ quan quân đội ngụy Sài Gòn.
Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai (thứ ba, từ phải sang) trong một lần trở lại căn cứ kháng chiến ở Tây Ninh. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Năm 1978, tôi về công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 2. Có lần đi TP Hồ Chí Minh công tác, tôi đang đứng ở công viên Quách Thị Trang, gần chợ Bến Thành để chờ xe thì có người chạy đến trước mặt: “Chào thầy ạ!”. Tôi không biết người vừa chào mình là ai, có phải anh này nhận nhầm người không? Thấy tôi ngạc nhiên, người này nói tiếp: “Dạ, cuối năm 1975, thầy dạy tôi ở Trảng Lớn, Tây Ninh”. Tôi vui vẻ hỏi han, động viên anh cố gắng làm tốt bổn phận người công dân của xã hội mới. Anh cũng lễ phép nói lời cảm ơn và chào tạm biệt.
Trong công tác và cuộc sống thường ngày, nhiều lần gặp lại những người tù binh, hàng binh ngày ấy, thấy họ có cuộc sống tốt, không còn mặc cảm, không bị phân biệt đối xử, thực sự tôi rất vui! Đó là những niềm vui nhỏ trong một chủ trương lớn. Tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc được thực hiện có hiệu quả trên thực tế chính là nhờ chủ trương, chính sách nhân đạo, nhân văn, tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta...
NGUYỄN MINH ĐỨC
NGUỒN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét