Luật BHXH (sửa đổi) quy định người lao động khi hết tuổi lao động nếu không rút BHXH một lần hoặc rút 50% số tiền BHXH cũng đều được nhận lương hưu hoặc trợ cấp hưu trí hằng tháng.
Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội về dự luật BHXH (sửa đổi). Cơ quan soạn thảo tiếp tục khẳng định sẽ xây dựng chính sách BHXH đa tầng để người dân khi đến tuổi nghỉ hưu được hưởng ít nhất một khoản tiền dưỡng già.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, quy định hiện hành có 5,1 triệu người dân hết tuổi lao động đang hưởng một trong ba chính sách: Lương hưu (2,7 triệu người); trợ cấp BHXH hằng tháng (khoảng 0,63 triệu người); trợ cấp hưu trí xã hội (khoảng 1,8 triệu người).
Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm có gần 750.000 người hưởng BHXH một lần và đang có xu hướng gia tăng theo từng năm.
Cả ba chính sách trên được quy định và thực hiện theo Luật Người cao tuổi và Luật BHXH khá độc lập, không có sự liên kết, hỗ trợ giữa các tầng dẫn đến không phát huy được hiệu quả trong thực hiện bao phủ bảo hiểm toàn dân. Để giải “bài toán” trên, Bộ LĐ-TB&XH đã họp nhiều phiên với các chuyên gia và đưa ra một số đề xuất nhằm giữ chân người lao động (NLĐ) ở lại hệ thống BHXH, đồng thời tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH.
Cụ thể, đề xuất NLĐ đóng BHXH từ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì tối thiểu 20 năm như quy định hiện hành. Giới hạn số tiền rút BHXH một lần bằng quy định: NLĐ có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm được rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Số còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi về hưu.
Song song đó, dự luật cũng lần đầu đưa quy định trợ cấp hưu trí xã hội từ Luật Người cao tuổi vào để phát triển theo hướng tăng tính liên kết hỗ trợ giữa ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH. Theo đó, người chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp hưu trí xã hội (quy định hiện hành là đủ 80 tuổi), mà có thời gian tham gia BHXH, nếu có nguyện vọng sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng trong khoảng thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Thời gian hưởng, mức trợ cấp tùy thuộc vào tổng thời gian đóng, căn cứ tháng đóng BHXH của NLĐ.
Như vậy, NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội (500.000 đồng/tháng) cho thời gian trước khi đủ tuổi. Thêm vào đó, NLĐ còn được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm.
9 triệu người chưa có lương hưu
Bộ LĐ-TB&XH cũng nhấn mạnh quy định về thời gian tham gia BHXH 20 năm dẫn đến nhiều người không đủ kiên nhẫn, rời bỏ hệ thống BHXH. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số người hưởng BHXH một lần lớn và có xu hướng tăng nhanh. Nếu giảm năm đóng BHXH xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm sẽ giúp giảm số người rút BHXH một lần ít nhất khoảng trên 10.000 đến trên 40.000 người/năm.
Cơ quan soạn thảo cũng dự báo do cách tính mức lương hưu của người nghỉ hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH làm xuất hiện thêm nhiều người nghỉ hưu ở mức lương hưu thấp.
Đặc biệt là những người tham gia BHXH tự nguyện ở mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là 1,5 triệu đồng/tháng. Khi tham gia vừa đủ 15 năm, mức hưởng của họ khá thấp, chỉ nhỉnh hơn một chút so với trợ cấp hưu trí xã hội. “Thời gian đóng BHXH ngắn thì mức lương hưu có thể thấp. Tuy nhiên, với khoản lương hưu được nhận hằng tháng người dân vẫn đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già…” - Bộ LĐ-TB&XH lý giải.
Cả nước hiện còn khoảng 9 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu không có lương hưu và cũng chưa được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Trong khi đó, quy định hiện hành chỉ trợ cấp xã hội đối với người đủ 80 tuổi trở lên. Như vậy, còn một khoảng cách khá lớn giữa tuổi nghỉ hưu và tuổi được hưởng trợ cấp xã hội.
“Vì vậy, cơ quan soạn thảo kỳ vọng với sự liên kết các tầng như trên và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước sẽ giúp NLĐ khi về già sẽ có được ít nhất một mức thu nhập cố định, dù số tiền không lớn…” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.
Người lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét