Những năm qua, với quan điểm “phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Đảng và Nhà
nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh này. Với tinh
thần kiên quyết, kiên trì, công khai, minh bạch, công tác phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực được tiến hành một cách bài bản, đạt được những kết quả tích
cực.
Tuy nhiên, thực hiện mưu đồ chống phá
Việt Nam, các thế lực thù địch đã lợi dụng các trang mạng xã hội và kênh truyền
thông không thiện chí với Việt Nam để lan truyền những thông tin xuyên tạc, bóp
méo tình hình chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Một mặt, họ cho rằng các
hoạt động phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay “chỉ
là để mị dân”, hay “Đảng Cộng sản Việt Nam không thật sự quyết tâm chống tham
nhũng”(!). Mặt khác, trước kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua, nhiều
tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, hoặc xử lý hình sự do tham
nhũng, họ lại cho rằng “tham nhũng là sản phẩm của chế độ chính trị ở Việt
Nam”(!) và “Việt Nam càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều, bởi đó là
căn bệnh kinh niên của thể chế chính trị một đảng cầm quyền”(!). Từ đây, họ kêu
gọi phải thay đổi thể chế chính trị, thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa
đảng đối lập thì mới có thể chống được tham nhũng. Cổ súy cho khuynh hướng này,
ngày 24/6/2022, Đài Á châu tự do (RFA) đăng bài viết “Thuốc đặc trị chữa tham
nhũng: thay đổi thể chế” xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
của Đảng và Nhà nước ta; trong đó, họ nêu câu hỏi mang tính kích động chính
trị, rằng: “Liệu có diệt được tham nhũng trong thể chế hiện hành hay
không?”(!). Từ đó đưa ra “lời khuyên”: Việt Nam nên từ bỏ chế độ chính trị hiện
hành để chuyển sang chế độ tư bản chủ nghĩa mới chống được tham nhũng. Những
luận điểm kiểu này thực sự nguy hiểm, dễ làm cho người dân lầm tưởng tham nhũng
gắn liền với thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa và do chế độ một đảng cầm quyền
gây ra; qua đó, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng,
vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong cán bộ, đảng viên và gây nên nguy cơ bất ổn về chính trị trong xã
hội.
Cần khẳng định dứt khoát rằng, luận điểm coi tham nhũng là
“căn bệnh kinh niên” của chế độ xã hội chủ nghĩa, của chế độ một đảng cầm quyền
và “chế độ một đảng không chống được tham nhũng” là hoàn toàn sai cả về lý luận
và thực tiễn. Thực tiễn ở nước ta cũng cho thấy, ngay từ những ngày đầu thành lập
nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết liệt lên án
những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực nhà nước trong không ít cán bộ, đảng
viên có chức, có quyền. Người coi tham ô, tham nhũng là thứ “giặc nội xâm”. Người
viết: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và
của Chính phủ”1. Người yêu cầu: “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan
liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”2,
phải kiên quyết đấu tranh, quét sạch. Với cương vị là Đảng cầm quyền, trong suốt
quá trình lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, Đảng ta chưa bao giờ buông lỏng nhiệm vụ chống tham nhũng, tiêu cực. Tại
Đại hội VII, Đảng ta đã khẳng định tham nhũng, tiêu cực là một trong bốn nguy
cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, cản trở tiến trình phát triển của đất nước, cần
phải quyết liệt xóa bỏ.
Để khắc phục những sơ hở, bất cập trước đây làm phát sinh
tiêu cực, tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện bước đi rất bài bản bằng
việc ban hành và đưa vào tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, quy định của Đảng,
văn bản pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực3,
nhằm “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế. Công tác phát hiện, xử lý tham
nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện một cách quyết liệt, công khai,
minh bạch. Theo tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng,
trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật
2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên
bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý,
trong đó có 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy
viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng
trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 6/2022,
đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao gấp 04 lần so
với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ
khóa XII); trong đó, có 08 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung
ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Hoạt động phòng, chống tham nhũng từng bước được
mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước và sang cả lĩnh vực chống tiêu cực. Nhờ
đó, tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng
giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin
của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét