Trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên (nay thuộc thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) ngày 19-3-1948 đã mở ra lối đánh đặc công của Quân đội ta. Tiếp nối truyền thống hào hùng, kể từ khi thành lập ngày 19-3-1967 đến nay, Binh chủng Đặc công không ngừng xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lập nên những chiến công huyền thoại.
Trận đánh đầu tiên
Chúng tôi có dịp trở lại thị xã Tân Uyên và tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn, trong đó có di tích Chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên ở khu phố Diên Khánh, phường Thạnh Phước. Chị Lâm Thị Thùy Trang, chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Tân Uyên nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi về truyền thống của Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang thị xã. Với niềm tự hào, chị giới thiệu về Chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên: “Cách đây 75 năm, đêm 18, rạng sáng 19-3-1948, tổ du kích huyện Tân Uyên do đồng chí Trần Công An, Xã đội trưởng xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên chỉ huy đã bí mật tiếp cận mục tiêu, tiêu diệt tháp canh, mở ra cách đánh đặc công mưu trí, sáng tạo, sử dụng lực lượng nhỏ, đánh hiểm, hiệu suất chiến đấu cao. Di tích Chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, theo Quyết định số 674/QĐ-UBND ngày 10-3-2008”.
Năm 1997, tôi được nghe Đại tá Trần Công An (1920-2008) kể lại trận đánh này, khi ông cùng các cựu chiến binh về gặp mặt kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Binh chủng Đặc công. Năm ấy, Đại tá Trần Công An còn mẫn tiệp, nhanh nhẹn. Ông nhớ lại: “Tháp canh cầu Bà Kiên nằm trong hệ thống đồn bốt De Latour của Pháp, được xây rất kiên cố, gồm 3 tầng, mỗi tầng đều có lỗ châu mai, tường gạch dày 40cm, rộng 16m, cao 10m, được bảo vệ bằng hàng rào kẽm gai, đèn pha và mìn, lính canh phòng cẩn mật. Huyện đội Tân Uyên bấy giờ giao nhiệm vụ cho đội du kích do tôi chỉ huy tiêu diệt địch ở tháp canh. Nhận nhiệm vụ, tôi cùng đội du kích nghiên cứu tìm cách đánh địch. Tôi cùng đồng đội vào rừng Cò Mi suốt 3 tháng, lập một tháp canh như thật, rồi luyện tập kỹ thuật, hóa trang để thâm nhập vào tháp sao cho địch không phát hiện được. Khi luyện tập đã thành thục, đêm 18, rạng sáng 19-3-1948, đội du kích quyết định tấn công tháp canh.
Trực tiếp đánh tháp canh, tôi cùng hai đồng đội Trần Văn Nguyên và Hồ Văn Lung được trang bị một súng trường với 20 viên đạn, 10 lựu đạn và một thang cao 5m, bí mật tiếp cận địch ở tháp canh cầu Bà Kiên. Cả tổ 3 người hóa trang bôi kín bùn đất, trên người chỉ mặc mỗi chiếc quần xà lỏn, lợi dụng bóng đêm vượt qua hàng rào kẽm gai. Chúng tôi dùng thang cây áp sát vào tường để leo lên tháp canh và ném lựu đạn vào trong. Bị đánh bất ngờ, toàn bộ lính địch trong tháp canh bị tiêu diệt gọn, ta thu về 8 khẩu súng và 20 quả lựu đạn. Lực lượng của ta được bảo toàn. Từ kinh nghiệm đánh tháp canh cầu Bà Kiên, Tỉnh đội Thủ Biên (nay là các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương) và Bộ chỉ huy Khu 7 chỉ đạo các đơn vị vũ trang học tập, huấn luyện và tổ chức những trận đánh tháp canh đạt hiệu suất chiến đấu cao. Cũng từ trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên, Huyện đội Tân Uyên đã thành lập Đại đội bộ đội địa phương Nguyễn Văn Nghĩa, nhiệm vụ chủ yếu là công đồn, đánh tháp canh trên địa bàn. Đại đội Nguyễn Văn Nghĩa được công nhận là đơn vị đặc công đầu tiên”.
Sau này, Đại tá Trần Công An còn huấn luyện, tổ chức bộ đội đánh nhiều trận theo lối đánh đặc công đạt hiệu suất chiến đấu cao. Vinh dự hơn là trong cuộc đời quân ngũ, ông có 7 lần được gặp Bác Hồ, được Bác trực tiếp tặng Huy hiệu của Người về những thành tích chiến đấu, đánh địch hiệu quả bằng lối đánh du kích, đặc công.
Người dũng sĩ số 1
Năm 1994, tôi đến gặp Thiếu tướng Mai Năng (1930-2019), Tư lệnh Binh chủng Đặc công, để lấy tư liệu viết bài cho Đặc san Sự kiện và Nhân chứng (nay là Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng). Công việc của Tư lệnh Binh chủng Đặc công rất bận nên ông hẹn dành cho tôi cuộc trò chuyện vào buổi tối. Trong căn phòng riêng, ông kể với tôi về cuộc đời mình, những trận đánh và các chiến dịch ông đã tham gia. Người lính đặc công rắn rỏi lật giở những trang ký ức đầy khói lửa nhưng rất hào hùng. Tôi nghe ông kể mà như vẫn còn thấy vọng về sóng sông Văn Úc (Hải Phòng), sóng biển Cửa Việt (Quảng Trị), sóng giội từ quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa)... Những chiến trường ông đã đi qua, những trận đánh do ông chỉ huy đã làm bạt vía quân thù. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất với ông là trận đánh sân bay Cát Bi (Kiến An, Hải Phòng) ngày 7-3-1954. Các chiến sĩ tham gia trận đánh này được Bác Hồ tặng danh hiệu “Dũng sĩ Cát Bi” và ông được đơn vị bình bầu là “Dũng sĩ số 1”.
Thiếu tướng Mai Năng quê ở thôn Xuân Dương, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, tỉnh Kiến An (nay là TP Hải Phòng). “Tôi nhập ngũ năm 1950, vào bộ đội địa phương tỉnh Kiến An. Ban đầu, tôi làm liên lạc, nấu ăn, rồi chuyển sang tổ trinh sát, đi xây dựng cơ sở trên địa bàn tỉnh Kiến An-Thiếu tướng Mai Năng kể-Trong hậu phương địch, nhiều địa bàn “trắng” cơ sở của ta, song tôi và các đồng đội đã kiên trì vận động nhân dân, làm cho dân tin tưởng và chở che cho bộ đội. Tháng 7-1953, bộ đội địa phương tỉnh Kiến An được giao nhiệm vụ đẩy mạnh đánh phá, quấy rối ở vùng hậu phương nhằm phân tán lực lượng địch, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực ta hoàn thành mục tiêu của Chiến cục Đông-Xuân 1953-1954. Tỉnh đội Kiến An đã lựa chọn, thành lập một đội gồm các cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương có kinh nghiệm và quyết tâm chiến đấu cao, do đồng chí Đặng Kinh, Tỉnh đội trưởng (sau này là Trung tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng) chỉ huy, có nhiệm vụ đánh vào sân bay Cát Bi, làm tê liệt, cắt đứt cầu hàng không của quân Pháp lên Điện Biên Phủ. Tôi được phân công vào Tổ trinh sát của đội”.
Ngày ấy, sân bay Cát Bi được địch canh phòng cẩn mật, với hệ thống hàng rào 7 lớp và vật cản nổ, mìn dày đặc. Để trinh sát, nắm rõ tình hình bố trí hỏa lực, đồn bốt, tháp canh và hoạt động bố phòng trong sân bay của địch, đồng chí Mai Năng và đồng đội phải xây dựng cơ sở, lấy được lòng tin của nhân dân, vì địch đã tạo nên “vành đai trắng” xung quanh sân bay.
Thiếu tướng Mai Năng nhớ lại: “Sau hơn 7 tháng xây dựng cơ sở, trinh sát nắm địch, 0 giờ ngày 7-3-1954, toàn đội chúng tôi gồm 32 người vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công. Đội chia làm hai mũi vượt sông, vượt qua các hàng rào dây thép gai, bãi mìn vào tiếp cận sân bay. Tôi ở mũi 2 do đồng chí Đỗ Tất Yến làm mũi trưởng. Khi vượt qua hàng rào thứ 5 thì chúng tôi gặp một hồ nước rộng, cản trở việc hành quân. Chúng tôi phải vòng lại theo đường của mũi 1 để vào sân bay, kịp giờ hiệp đồng nổ súng đánh địch. Đến 1 giờ, toàn đội nổ súng, dùng lựu đạn và bộc phá tiêu diệt các hỏa điểm và máy bay của địch. Trận đánh chỉ kéo dài 15 phút, địch hoàn toàn bất ngờ, ta đã phá hủy 59 máy bay chiến đấu và máy bay vận tải cùng một số vũ khí, diệt nhiều tên địch, sau đó rút lui an toàn”.
Trận đánh sân bay Cát Bi đã tiêu hao phương tiện chiến tranh của địch, hỗ trợ đắc lực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ và cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công trên các mặt trận, nhất là Điện Biên Phủ. “Để có thắng lợi này, chúng tôi đã có 230 ngày đêm vất vả trinh sát, bám trụ, với quyết tâm rất cao, song trên hết là phải dựa vào dân, xây dựng được cơ sở cách mạng vững chắc chúng tôi mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Thiếu tướng Mai Năng khẳng định.
Vận dụng chiến lệ, phát triển cách đánh đặc công
Nhiều trận đánh điển hình làm nên chiến thắng vang dội của Bộ đội Đặc công đã trở thành huyền thoại, khiến kẻ thù khiếp sợ. Bác Hồ không chỉ khen ngợi mà còn tặng Bộ đội Đặc công danh hiệu “Đặc biệt” trong buổi lễ ra mắt Binh chủng Đặc công. Quốc hội cũng đã tặng Bộ đội Đặc công 16 chữ vàng “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”...
“Từ nhiều năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng Đặc công đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đặc công toàn quân nghiên cứu tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, biên soạn chiến lệ, tài liệu để huấn luyện, vận dụng vào tác chiến trong điều kiện mới. Toàn binh chủng hiện đã biên soạn hàng trăm chiến lệ, tổng kết các trận đánh của đặc công làm tài liệu huấn luyện bộ đội và nghiên cứu phát triển nghệ thuật tác chiến đặc công. Hằng năm, nhân dịp ngày lễ, kỷ niệm truyền thống, các cơ quan, đơn vị tổ chức gặp mặt các thế hệ, tổ chức để cựu chiến binh, những người trực tiếp chiến đấu đến nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm chiến đấu với bộ đội. Qua đó, bộ đội không chỉ nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật mà còn được giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào và xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm, từ đó tạo động lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...”, Đại tá Hoàng Anh Dũng, Trưởng phòng Tuyên huấn (Cục Chính trị Binh chủng Đặc công) cho biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét