Trong di sản Tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về giáo dục nói chung và giáo
dục lý luận chính trị luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc; có tính bao
quát, sâu xa, thiết thực.
Giáo dục là một hoạt
động hết sức quan trọng của con người, qua đó những kinh nghiệm, tri thức nhân
loại tích lũy trong thực tiễn cuộc sống được trao truyền, giúp nhân loại không
ngừng bổ sung, phát triển tri thức mới. Nhờ giáo dục và thông qua giáo dục, con
người ngày càng phát triển toàn diện, hoàn thiện nhân cách. Bao trùm lên tất cả
là giáo dục giúp tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển trong tương lai. Chính vì
vậy, giáo dục được coi là yếu tố quyết định sự phát triển nhanh và bền vững, là
nguồn “của cải nội sinh” của mỗi quốc gia. Năm 1994, tổ chức Văn hóa - Khoa học
- Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ra tuyên bố: “Không có một sự tiến bộ
và thành đạt nào có thể tách khỏi sự tiến bộ và thành đạt trong lĩnh vực giáo
dục của quốc gia đó. Và những quốc gia nào coi nhẹ giáo dục hoặc không đủ tri
thức và khả năng cần thiết để làm giáo dục một cách có hiệu quả thì số phận của
quốc gia đó xem như đã an bài và điều đó còn tồi tệ hơn cả sự phá sản”.
1. Theo Hồ Chí Minh, giáo dục có vai trò
hết sức to lớn trong việc cải tạo con người cũ, xây dựng con người mới. Người nói: “Thiện, ác vốn chẳng phải là
bản tính cố hữu, phần lớn đều do giáo dục mà nên”. Trong Tư tưởng
của Hồ Chí Minh về giáo dục, Người thường xuyên quan tâm tới công tác giáo dục
lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Những quan
điểm của Người về giáo dục lý luận chính trị mãi mãi soi sáng công tác giáo dục
lý luận chính trị của Đảng.
Sớm nhìn thấy vai trò
của công tác giáo dục lý luận chính trị, Người chỉ rõ: "Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập
lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình". Với Hồ Chí
Minh, đối tượng học tập lý luận chính trị trước hết là cán bộ, đảng viên, hội
viên các đoàn thể, cán bộ các ngành chuyên môn của chính quyền. Theo Người, cán
bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân
chúng hiểu rõ và thi hành, đồng thời cũng đem tình hình của quần chúng báo cáo
cho Đảng để đặt chính sách cho đúng. Cán bộ là gốc của mọi công việc. Do đó,
Người khẳng định huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Người cho rằng,
công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng tiên phong phải đạt trình độ tiên
phong: “Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải
hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người
không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Bên cạnh đó, giáo dục
lý luận chính trị cần phải định hướng cho nhận thức tư tưởng, mục tiêu và con
đường đi lên của các dân tộc. Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” Hồ Chí Minh
khẳng định: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách
mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng mới làm nổi cách
mệnh tiên phong”.
2. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục lý
luận chính trị gồm các nội dung chủ yếu:
Một là, giáo dục lý luận Chủ nghĩa Mác -
Lê-nin. Có thể nói, tư tưởng giáo dục
lý luận chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa, tiếp thu có chọn lọc,
sáng tạo từ các tiền đề: 1) Chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa, giáo dục
và tinh thần nhân ái Việt Nam; 2) Triết lý giáo dục phương Đông, đặc biệt là
triết lý nhân sinh của Nho, Phật, Lão; 3) Những tư tưởng tiến bộ thời kỳ cận
đại. Nhưng tiền đề quan trọng nhất, cái tạo nên sự phát triển về chất trong tư
tưởng giáo dục lý luận chính trị Hồ Chí Minh là Chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Hai là, giáo dục các chuẩn mực đạo đức cách
mạng và các nguyên tắc rèn luyện các chuẩn mực đó. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, với người cách mạng trước hết phải giác
ngộ đạo đức cách mạng. Phải có cái đức để đi đến cái trí; khi đã có cái trí,
thì cái đức chính là cái để người cách mạng giữ vững được chủ nghĩa mình theo,
lý tưởng mình chọn, con đường mình đi.
Ba là, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng
và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là những nội dung không chỉ mang tính chất định tính trong
nhận thức lý luận cho cán bộ, đảng viên mà còn định hướng, hướng dẫn cho cán
bộ, đảng viên hành động; cũng chính là một biểu hiện của nội dung gắn liền lý
luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Bởi đường lối, chủ trương của Đảng và
chính sách, pháp luật của Nhà nước là sự quán triệt, vận dụng của Chủ nghĩa Mác
- Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Người
viết: “Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân
dân. Vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức
nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng”.
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng
chỉ ra phương châm giáo dục lý luận chính trị.
Theo Người, giáo dục lý luận chính trị
phải:
Gắn lý luận với thực tiễn, học
đi đôi với hành. Mối
quan hệ qua lại giữa lý luận và thực tiễn là phản ánh mối quan hệ quá trình
nhận thức biện chứng thực tế khách quan, từ trực quan sinh động đến tư duy trừu
tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Thực tiễn là nguồn gốc, là cơ sở, là
động lực của lý luận. Thực hiện phương châm học đi đôi với hành đòi hỏi phải
thống nhất nhận thức: việc giáo dục lý luận phải nhằm đạt được mục đích. Bởi
vậy, với mỗi khóa học, lớp học, cơ sở đào tạo phải có kế hoạch gắn nội dung học
tập với tham quan thực tế, phải khai thác
kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị đến tham quan, nghiên cứu thông qua người
học. Phải kiên quyết chống bệnh hình thức, đi thực tế theo lối “cưỡi ngựa xem
hoa” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Trong kế hoạch nghiên cứu thực tiễn
cần mạnh dạn tới những nơi được coi là có nhiều vấn đề đòi hỏi lý luận lý giải.
Bảo đảm thống nhất giữa tính
đảng, tính khoa học. Chủ
tịch Hồ Chí Minh khẳng định, trong giáo dục lý luận chính trị đòi hỏi phải
tuyệt đối phải trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Xa rời nền tảng lý luận
của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin sẽ rơi vào chủ nghĩa giáo điều và xét lại. Thực hiện
phương châm này, đòi hỏi những người làm công tác giáo dục lý luận chính trị
chẳng những phải vững vàng, sâu sắc về lý luận mà còn phải có quá trình hoạt
động thực tiễn phong phú và thường xuyên cập nhật kiến thức mới, có ý thức khắc
phục và khắc phục bằng được lối dạy chay, thoát ly thực tế.
Tính khoa học phải
được thể hiện ở sự mô tả hiện thực một cách khách quan cùng với những nguyên
nhân của nó, tránh “tô hồng” hoặc “bôi đen” hiện thực. Bảo đảm tính đảng, tính
khoa học mới có thể thực hiện được mục tiêu giáo dục lý luận chính trị của
Đảng.
Kết hợp giữa nhà trường với gia
đình và xã hội. Việc
kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục được xem là vấn đề
có tính nguyên tắc bảo đảm cho mọi hoạt động giáo dục có điều kiện đạt hiệu quả
tốt. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ba môi trường trên sẽ bảo đảm được sự thống nhất
trong nhận thức cũng như trong hành động của giáo dục lý luận chính trị, thúc
đẩy quá trình hoàn thiện nhân cách cán bộ.
4. Để nâng cao
chất lượng hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị, theo Chủ tịch Hồ Chí
Minh cần đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học của người thầy
trong giáo dục lý luận chính trị.
Trong bài diễn văn
khai mạc lớp lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, Người căn dặn: “Việc học tập lý luận chính trị không phải nhằm biến các đồng chí
thành những người lý luận suông mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng
chí được tốt hơn, nghĩa là các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa
Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết
cho tốt những vấn đề thực tế trong cách mạng của chúng ta. Như thế học tập lý
luận cốt để áp dụng vào thực tế”. Người cán bộ giảng dạy lý luận
chính trị đòi hỏi phải có một nền tảng lý luận và vốn thực tiễn phong phú, để
kiểm nghiệm lý luận và nâng nhận thức lý luận lên tầm cao mới. Có như thế người
giảng viên mới có thể thực hiện mục tiêu giáo dục lý luận: “Mục đích học để vận dụng chứ không phải học vì lý luận”. Người
yêu cầu phải bồi dưỡng giảng viên lý luận cho các chi bộ, cho các tổ chức
cơ sở đảng. Và, tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học
tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình. Bởi theo Người lý
luận là trí khôn của Đảng: “Đảng không có lý luận thì
khác nào người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.
Đất nước ngày càng
đối mới và phát triển cùng với bước đi chung của nhân loại nhưng không vì thế
mà công tác giáo dục lý luận chính trị bị xem là lỗi thời. Thực tế chứng minh
rằng, đất nước càng đổi mới thực chất là càng trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh
về phương châm, chiến lược, mục đích, nội dung, phương pháp giáo dục - đào tạo
con người luôn soi sáng sự nghiệp trồng người ở Việt Nam. Tư tưởng đó không chỉ
là cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược đào tạo con người, chủ trương,
đường lối chỉ đạo phát triển nền giáo dục Việt Nam của Đảng ta qua các thời kỳ
cách mạng, mà còn là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục hết
sức sinh động, thiết thực và hiệu quả đối với công tác giáo dục lý luận chính
trị hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét