Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng
“nói đi đôi với làm”, cho mọi thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Ở Hồ
Chí Minh lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói để mà
làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói. Hơn nữa, Người nói ít nhưng làm
nhiều, có những vấn đề đạo đức Người không nói mà chỉ làm. Thống nhất giữa lời
nói và việc làm là nguyên tắc đạo đức của Hồ Chí Minh, là sự thể hiện tấm gương
thực hành đạo đức cách mạng của bản thân.
Người thường nhắc
nhở: Nói cái gì phải cho dân tin - nói và làm phải nhất quán. Với quan niệm đó,
trong suốt cuộc đời mình, Người đã thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ nói
đi đôi với làm. Sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh
là ở chỗ, nói luôn đi đôi với làm, dù việc lớn hay việc nhỏ, tự mình phải làm
gương trước. Tấm gương nói đi đôi với làm của Hồ Chí Minh, bắt nguồn từ quan
niệm của Người, từ lòng dạ trong sáng, chính tâm, thật sự nêu gương của Người.
Phẩm chất nói đi đôi với làm Người đã dạy chúng ta về lẽ sống “thật”, đối lập
với giả, với dối.
Trong cuộc đời của
Chủ tịch Hồ Chí Minh có biết bao câu chuyện cảm động về việc nêu gương, nói đi
đôi với làm, tự mình làm trước.
Xuất phát từ truyền
thống yêu nước của quê hương, gia đình, chứng kiến cuộc sống khổ cực của nhân
dân dưới ách thống trị của thực dân Pháp, người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Hồ
Chí Minh đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Trước khi đi, anh tâm sự với
người bạn của mình: “Tôi muốn ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác.
Sau khi xem xét họ làm ăn như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta. Nhưng
nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm…Anh muốn đi
với tôi không? Khi người bạn hỏi lấy tiền đâu mà đi, anh Thành vừa nói, vừa giơ
hai bàn tay: “Đây, tiền đây… Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc
gì để sống và để đi”.
Câu nói là sự thể hiện
quyết tâm và cũng là lời hứa của Người trước vận mệnh dân tộc mình. Với hai bàn
tay trắng và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, 5-6-1911, chàng trai xứ Nghệ Nguyễn
Tất Thành 21 tuổi đã vượt đại dương với nghề phụ bếp trên tàu để đi khắp năm
châu bốn biển, tự kiếm sống, học tập với hoài bão tìm ra con đường cứu nước,
giải phóng dân tộc. Thực tiễn đã chứng minh Người đã làm đúng như những gì
Người đã nói. Sau 30 năm bôn ba đặt chân đến gần 30 nước, ngày 28-1-1941, Người
trở về Tổ quốc trực tiếp cùng Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Khi nước nhà mới
giành độc lập 1945, cách mạng Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn “thù trong,
giặc ngoài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã đưa ra những chủ trương hết sức
đúng đắn, kịp thời đẩy lùi những khó khăn. Để giải quyết nạn đói trên miền Bắc,
Người đề nghị toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói, và Người mẫu mực
thực hiện trước: “Lúc chúng ta mang bát cơm lên mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ
chúng ta không khỏi động lòng, vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin
thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăm một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó
(mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”.
Nói đi đôi với làm,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện rất nghiêm túc, mặc dù lúc này sức khỏe Người
giảm sút do trải qua trận ốm nặng. Các đồng chí từng phục vụ bên Người kể lại
rằng, một lần tướng Tiêu Văn của Quân đội Tưởng Giới Thạch mời Người dự chiêu
đãi. Hôm đó, đúng vào bữa cơ quan nhịn ăn để góp gạo cứu đói, mặc dù các đồng
chí phục vụ đã báo cáo phần gạo của Người đã cho vào hũ gạo cứu đói rồi, nhưng
Người vẫn quyết định “nhịn ăn một bữa” vào ngày hôm sau.
Năm 1946, để tăng
cường sức khỏe cho nhân dân, Bác kêu gọi toàn dân tập thể dục. Bản thân Người
là tấm gương “Tự tôi ngày nào cũng tập”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
thường dạy đảng viên, nhân dân phải thực hành tiết kiệm: tiết kiệm sức lao
động, thì giờ, tiền bạc, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không bừa bãi, phô
trương hình thức. Bản thân Người đã luôn thực hiện đời sống thanh bạch từ ăn, ở
đến các phương tiện sử dụng phục vụ công việc hàng ngày. Đồ dùng cá nhân của
Người cũng rất giản dị và tiết kiệm.
15 năm cuối đời, Bác
sống ở Phủ Chủ tịch, khi đó kinh tế còn khó khăn, đời sống nhân dân còn thiếu
thốn. Bác yêu cầu: Chiều thứ bảy hằng tuần cho Bác ăn cháo để bớt phần gạo cho
dân và đề nghị với nhà bếp, cán bộ, nhân dân ăn cơm độn ngô, khoai, sắn bao
nhiêu phần trăm thì độn cho Bác bấy nhiêu phần trăm. Bữa ăn của Bác thanh đạm
như bữa ăn của bao gia đình người dân: bát canh, quả cà, vài lát thịt kho. Khi
ăn cơm, Bác không bao giờ để rơi một hạt cơm, vì Người biết một hạt cơm là một
giọt mồ hôi của người dân. Cố thủ tướng Phạm văn Đồng nói: ăn cơm với Cụ hàng
trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt nào. Bởi Cụ quý và
tiết kiệm sức lao động của người làm ra lúa gạo.
Về thăm các địa
phương, Người thường không báo trước. Có lần Bác đến thăm công trình thủy lợi
Bắc- Hưng - Hải, buổi trưa Tỉnh ủy có mời Bác ăn cơm trưa. Ít ngày sau, Bộ
trưởng Bộ Tài chính Hoàng Anh phụ trách công tác tài chính đến báo cáo công
việc với Bác. Sau khi báo cáo xong, đồng chí có nói chuyện riêng với đồng chí
Vũ Kỳ - Thư ký giúp việc cho Bác, đồng chí đã hỏi: Có phải hôm Bác về thăm tỉnh
ấy, có thịt bò chiêu đãi? Nghe được câu chuyện giữa đồng chí Hoàng Anh với đồng
chí Thư ký. Bác nói với đồng chí Hoàng Anh: Thế thì chú quyết toán cho họ. Vài
ngày sau đó khi đi công tác, Bác dặn đồng chí giúp việc chuẩn bị cơm nắm muối
vừng mang theo để tránh đón rước linh đình, phiền hà, tốn kém thời giờ và tiền
bạc của nhân dân. Tránh tình trạng như hôm ta về thăm tỉnh, họ quyết toán chiêu
đãi Bác cả con bò, điều người này, người khác sang chuẩn bị cả buổi. Thế là tự
Bác bao che cho chuyện xôi thịt - mà xôi thịt đấy là sự đóng góp của dân mà có.
Về nơi ở, sau khi
cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà
Nội, Người không ở căn nhà to lớn của viên toàn quyền Đông Dương, mà chọn ở
ngôi nhà của người công nhân thợ điện. Ngôi nhà mà Đảng, Chính phủ định mời Bác
ở, Bác nói dành làm nơi đón, tiếp các đoàn khách sang thăm Việt Nam vì nước ta
còn nghèo, một mình Bác ở nhà to rất lãng phí. Mùa hè, Miền Bắc oi bức, nhưng
Bác chỉ dùng quạt lá cọ để “dành điện phục vụ cho sản xuất, phục vụ sinh hoạt
cho nhân dân”. Thương Bác, các đồng chí cán bộ ngoại giao gửi biếu Bác chiếc
điều hòa nhiệt độ, nhưng Người không dùng mà đề nghị chuyển chiếc điều hòa ấy
cho các đồng chí thương, bệnh binh đang điều trị tại trại điều dưỡng hoặc quân
y viện, là những người, những nơi cần hơn.
Về mặc, Người ăn mặc
cũng rất giản dị. Mùa đông, Bác Hồ có một cái áo bông của đồng bào biếu Bác, vì
dùng nhiều năm nên mền bông bẹp xuống, không còn ấm nữa, nhưng không ai dám
nghĩ đến việc xin Bác bỏ mền bông đi, chỉ nghĩ đến việc thay vỏ ngoài. Vì dùng
mãi vỏ áo đã đứt chỉ ở khuỷu tay và ở cổ, Bác bảo mang áo lại. Nó rách ở vai
thì Bác bảo vá vai, đến khi nó rách hai lần, đồng chí phục vụ xin Bác cho thay
vỏ ngoài. Bác bảo: “Này, chú ạ, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước mặc áo vá vai thế
này là cái phúc lớn của dân đấy. Đừng bỏ cái phúc ấy đi”.
Xúc động hơn cả là
bản Di chúc lịch sử Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa cũng
được viết ở mặt sau của một tờ bản tin cũ để tiết kiệm giấy.
Không chỉ tiết kiệm
trong lối sống của bản thân, ngay cả trong việc sử dụng đội ngũ cán bộ, Chủ
tịch Hồ Chí Minh cũng quan tâm làm sao tiết kiệm sức người, tiết kiệm thời
gian. Những năm tháng sống trên chiến khu Việt Bắc, tổ công tác đi theo Bác chỉ
có ít người nhưng kiêm mọi công việc. Cách mạng Tháng Tám thành công, trở về
Thủ đô nhưng các đồng chí phục vụ Bác ở Phủ Chủ tịch cũng rất ít. Những khi đi
công tác xa, Bác thường tạo điều kiện để các đồng chí phục vụ được tranh thủ về
thăm gia đình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
khuyên mọi người sống trong sạch, không ham tiền tài, danh vọng, không cậy
quyền thế mà đục khoét của dân. Cuộc sống giản dị, trong sạch của Người thật sự
là tấm gương sống để cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền
phải tự soi lại mình.
Nhân dân tỉnh Thái
Bình gửi biếu Bác 2 chai nước mắm, Bác san sẻ quà đó với người khác cùng hưởng;
hay khi nhận được món quà là hộp mật ong khô rất quý nhưng Người kiên quyết
không giữ lại dùng riêng mà yêu cầu đồng chí cấp dưỡng đem nấu chè cho mọi
người cùng thưởng thức. Đặc biệt, trong một lần, Người sang thăm Liên Xô, Ủy
ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô gửi tới Bác 4.000 rúp, đồng chí thư ký của
Bác 1.000 rúp. Nhưng trước khi rời Mat-xcơ-va, Người đã gửi lại Ủy ban Trung
ương Đảng Liên Xô 5.000 rúp đó.
Người luôn nhắc nhở
cán bộ, đảng viên phải tin yêu, quý trọng con người, phải kính già yêu trẻ và
Người là tấm gương mẫu mực về điều đó. Trong những năm tháng giặc Mỹ leo thang
bắn phá miền Bắc, cả nước sống trong không khí khẩn trương, sẵn sàng chiến đấu.
Giữa trời hè nóng nực, khi xe đưa Bác đi công tác về qua Quảng trường Ba Đình,
nhìn lên nóc nhà hội trường Ba Đình, thấy các đồng chí bộ đội phòng không đang
trực chiến trên mâm pháo dưới cái nắng hầm hập, Bác rất thương anh em. Ngay sau
đó, Người quyết định dành toàn bộ số tiền nhuận bút của mình bấy lâu trong sổ
tiết kiệm gửi Bộ Quốc phòng chuyển tặng các chiên sỹ phòng không để mua nước
giải khát...
Thời gian trôi qua,
những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “nói đi đôi với làm” vẫn
còn vẹn nguyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là tấm gương sáng chói cho mọi thế hệ
người Việt Nam, đặc biệt là thanh niên học tập và noi theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét