Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

PHÒNG, CHỐNG ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN “XÂM LĂNG VĂN HÓA” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRONG TÌNH HÌNH MỚI


          “Xâm lăng văn hóa” thực chất là một hình thức, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; hòng làm băng hoại, lệch chuẩn hệ giá trị văn hóa xã hội chủ nghĩa và chuẩn mực con người Việt Nam, dẫn tới làm thay đổi bản chất chế độ, làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ở thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” ngày càng trở nên tinh vi, xảo quyệt và rất nguy hại, đòi hỏi chúng ta phải luôn nêu cao cảnh giác và tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống.

          1. Hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới  

          Nói đến văn hoá là nói đến con người. Vì sự sinh tồn mà con người luôn cải tạo tự nhiên để đáp ứng nhu cầu đời sống của mình; đồng nghĩa với điều đó, con người đã sáng tạo ra “tự nhiên mới” mà theo Giáo sư sinh - nhân chủng học người Pháp Georges Olivier gọi là “sinh thái nhân văn”, tức sinh thái tự nhiên được con người “văn hoá hoá”. Nói một cách ngắn gọn nhất, văn hoá là do con người sáng tạo ra, giá trị văn hoá thực chất là tổng hoà các giá trị con người. Giá trị văn hoá phổ quát nhất mà con người luôn hướng tới đó là hệ giá trị Chân, Thiện, Mỹ, vì bản chất của văn hoá là sáng tạo và nhân văn.

Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo xây dựng, phát triển văn hoá và con người Việt Nam. Ở từng giai đoạn cách mạng, tư duy nhận thức của Đảng về vấn đề xây dựng, phát triển văn hoá, con người ngày càng có sự phát triển, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất và phát triển đất nước trên con đường xã hội chủ nghĩa. “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 được coi như bản cương lĩnh về văn hóa đầu tiên của Đảng, trong đó xác định: Vǎn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; nền tảng kinh tế và chế độ kinh tế của xã hội, quyết định toàn bộ vǎn hóa của xã hội. “Cách mạng vǎn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo” và phải nắm vững “Ba nguyên tắc: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa”[1]. Đây là những quan điểm, tư tưởng cốt lõi có giá trị định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá của nước ta.

Từ “Đề cương văn hóa Việt Nam” năm 1943 đến Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về văn hóa, tư duy nhận thức của Đảng có sự phát triển, hoàn thiện hơn. Văn hóa được quan niệm toàn diện hơn, bao gồm các lĩnh vực: Tư tưởng, đạo đức, lối sống; môi trường văn hóa; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; văn học nghệ thuật; thông tin đại chúng; thể chế và thiết chế văn hóa... Đến Hội nghị Trung ương 9 khoá XI, Đảng ta đã đề cập rõ yêu cầu xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Theo đó, cần phải “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”[2].

Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục có sự bổ sung, phát triển tư duy lý luận về văn hóa; đặc biệt là vấn đề xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới. Trong đó, Đảng ta xác định một nhiệm vụ, giải pháp hết sức quan trọng, đó là: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.”[3]

Có thể nói, đây là lần đầu tiên Đảng ta nêu lên thuật ngữ “hệ giá trị quốc gia” trong văn kiện của Đảng. Chúng tôi cho rằng, nội hàm của nhiệm vụ, giải pháp này chính là cần phải tập trung hoàn thiện và triển khai xây dựng một hệ thống chuẩn mực giá trị văn hoá của quốc gia dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là yêu cầu khách quan và hết sức cần thiết, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, phát triển và xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Hệ giá trị văn hoá của quốc gia, dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới sẽ là sự hoà quyện hữu cơ giữa những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước với sự tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá của nhân loại, thể hiện rõ bản sắc, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), với tinh thần kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 đổi mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đã xác định những yếu tố cốt lõi, nền tảng của hệ giá trị văn hóa quốc gia, dân tộc Việt Nam, với những đặc trưng: “khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; xác định tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”[4]. Hệ giá trị này sẽ là cơ sở định hướng sự phát triển bền vững đất nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời định hướng, phát triển, hoàn thiện nhân cách mỗi con người Việt Nam trong thời đại hiện nay. Cùng với đó, Hội nghị cũng đã xác định những định hướng và mục tiêu cụ thể trong xây dựng hệ chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Con người Việt Nam thời kỳ mới cần phải “có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với những chuẩn mực giá trị cơ bản, đó là: yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, tài trí, cần cù, nhân ái, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung…”[5]. 

2. Nhận diện âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch hiện nay

“Xâm lăng văn hóa” là một hình thức, thủ đoạn chống phá trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, nhằm công kích, xuyên tạc, bôi nhọ hệ chân giá trị văn hóa xã hội chủ nghĩa, văn hóa Đảng Cộng sản; kích động, lôi kéo và tiêm nhiễm các phản giá trị, làm lệch chuẩn các thang giá trị trong đời sống văn hóa chính trị, đạo đức, lối sống của quần chúng nhân dân. Từ đó, tạo ra sự mâu thuẫn về nhận thức tư tưởng, lòng tin của nhân dân đối với quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; phủ nhận đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng, tiến tới phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng.

Âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch hiện nay hết sức tinh vi và nguy hiểm; chúng triệt để lợi dụng xu thế toàn cầu hóa trong thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tuyên truyền, tiêm nhiễm văn hóa, lối sống phương Tây; phủ nhận, bôi nhọ tính Đảng Cộng sản, tính giai cấp của đường lối văn hóa - văn nghệ cách mạng Việt Nam; ra sức truyền bá các sản phẩm văn hóa ngoại lai, phản nhân văn, phi văn hóa nhằm kích thích tâm lý, lối sống thực dụng, sa đọa, thấp hèn; làm băng hoại, lệch chuẩn các thang giá trị văn hóa đạo đức nhân ái, nhân văn trong một bộ phận nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ… Có thể khái quát một số phương thức, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay, nổi lên là:

Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng Internet, mạng xã hội để truyền bá, kích động tư tưởng chống đối, lối sống thực dụng, văn hóa phẩm đồi trụy; khuếch trương các quyền tự do, dân chủ trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ núp dưới chiêu bài tự do ngôn luận, tự do sáng tác, quyền thông tin; móc nối với những phần tử bất mãn, chống đối trong nước, lợi dụng những sơ hở, yếu kém của ta trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, tung ra các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật để xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, nói xấu, vu cáo chế độ ta, hòng bôi đen nền văn hóa xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thông qua việc truyền bá những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, lối sống lai căng vào xã hội, vào cán bộ, đảng viên và nhân dân, dần dần từng bước tạo sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, để đi đến chuyển hóa Đảng, chuyển hóa chế độ.

Ở nước ngoài, các thế lực thù địch ra sức lôi kéo, thành lập các hội, nhóm văn hóa, văn nghệ phản động để tiến hành tuyên truyền, bôi nhọ quan điểm, đường lối của Đảng; chúng dùng mọi biện pháp để đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng, công kích chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; phủ nhận những giá trị văn hóa dựng nước và giữ nước Việt Nam, nhất là hệ giá trị văn hóa giữ nước trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; chúng đánh đồng giá trị nhân văn, chính nghĩa với phi nghĩa, phản động, làm lẫn lộn giá trị nhân cách yêu nước, chính nghĩa của những chiến sĩ cách mạng với những kẻ phản bội, cướp nước, bán nước…

Lợi dụng các tổ chức “xã hội dân sự” trong nước, các thế lực thù địch ra sức móc nối, cài cắm, phát triển lực lượng, từ đó hình thành các tổ chức phản động ở Việt Nam để truyền bá văn hóa phản động. Đặc biệt, chúng dùng mọi thủ đoạn để kích động, lôi kéo, lung lạc đội ngũ nhà văn, nghệ sĩ trong nước tham gia vào các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam; hướng lái các văn nghệ sĩ đi theo các trào lưu tư tưởng văn hóa phương Tây, đào sâu “tự do, dân chủ” trong sáng tác, thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập” để đối trọng với Hội Nhà văn Việt Nam, v.v. Thậm chí, họ còn dùng những tác phẩm văn học, nghệ thuật để tạo cớ gây áp lực đòi “nhân quyền”, kích động bạo lực và lối sống thực dụng, dung tục, hòng làm phai mờ những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch còn dùng thủ đoạn cử người trực tiếp tiếp cận các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trí thức, sinh viên, số cực đoan tôn giáo và cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất để tuyên truyền, lôi kéo tham gia các hoạt động chống đối trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Với mưu đồ phủ nhận tính giai cấp, tính Đảng của văn hóa - văn nghệ, chúng tuyên truyền đề cao chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội trong văn hóa - văn nghệ; hạ bệ những tác phẩm đỉnh cao chứa đựng sâu sắc tính nhân văn, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta,… tiến tới phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa - văn nghệ.

3.  Một số giải pháp phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch hiện nay

Xã hội muốn phát triển thì phản giá trị không thể chiếm chỗ của chân giá trị. Để cho “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[6], thì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là các địa phương, cơ quan, đơn vị ở cơ sở phải tích cực, chủ động, kiên quyết đấu tranh phòng, chống, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch. Theo đó, cần phải có sự nghiên cứu tổng hợp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp đấu tranh, ngăn ngừa; trong phạm vi nghiên cứu của bài viết, xin nêu mấy vấn đề cơ bản:

Một là, tăng cường giáo dục, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”[7]. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp hết sức quan trọng để ngăn ngừa sự tác động, xâm hại của những âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa”; tạo ra sự “miễn dịch” trong các tầng lớp nhân dân trước mưu đồ chống phá của kẻ địch. Quán triệt quan điểm của Đảng, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục. Tập trung tuyên truyền khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân ái, nhân văn trong truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về “hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam” thời kỳ mới, đó chính là sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại; tích cực gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và xu thế hội nhập hiện nay.

Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các cơ quan chức năng ở cơ sở cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, gắn sát với đặc điểm của từng đối tượng; trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông; tuyên truyền, giáo dục trong các nhà trường, ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phát huy tốt vai trò xung kích, sáng tạo của các tổ chức quần chúng trong hoạt động tuyền truyền giáo dục đoàn viên, hội viên. Kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục với tổ chức các hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ để định hướng nhận thức tư tưởng một cách sinh động, hiệu quả trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền; phát huy tốt vai trò nêu gương về văn hóa của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt ở địa phương, cơ sở

Đây là giải pháp hết sức quan trọng để giành thắng lợi trong mặt trận phòng, chống “xâm lăng văn hóa” mà các thế lực thù địch tiến hành đối với nước ta hiện nay. Trước hết, cấp ủy, chính quyền ở các địa phương, cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới; tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; có cơ chế khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo trong hoạt động văn học, nghệ thuật, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường, mắc mưu lôi kéo, cám dỗ của các thế lực thù địch. Chính quyền, cơ quan chức năng ở các địa phương, cơ sở cần phải tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin, nhất là trên internet, mạng xã hội. Kiên quyết ngăn ngừa, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục…

Phát huy tốt vai trò nêu gương về văn hóa của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp ở cơ sở có tác dụng lan tỏa rất lớn trong giáo dục, định hướng giá trị văn hóa cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[8]; trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên: Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016, về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Quán triệt quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, mà trước hết là cán bộ chủ trì, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, cơ sở phải là những tấm gương sáng về trí tuệ, đạo đức, lối sống, phong cách và tinh thần trách nhiệm đối với tập thể, tạo sự lan toả các giá trị văn hoá nhân cách đến các tầng lớp nhân dân.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú ở các địa phương, cơ sở

Môi trường văn hóa ở các địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở có vai trò hết sức quan trọng, là môi trường xã hội trực tiếp hình thành, nuôi dưỡng, phát triển, hoàn thiện nhân cách của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Ca dao, tục ngữ có câu: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”; chăm lo xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú ở các địa phương, cơ sở là giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch một cách hiệu quả.

Xây dựng môi trường văn hóa ở địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở hiện nay cần phải xây dựng đồng bộ, toàn diện các yếu tố tạo nên môi trường văn hóa, bao gồm hệ thống các giá trị văn hóa, các quan hệ văn hóa, hoạt động văn hóa và thiết chế, cảnh quan văn hóa. Phải chăm lo xây dựng văn hóa từ trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể đến văn hóa nhân cách của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tập trung xây dựng đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, “cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân …; bảo đảm công bằng về cơ hội và thụ hưởng văn hóa. Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp …”[9] như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Chăm lo xây dựng các quan hệ văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp và trong mỗi gia đình …; khắc phục sự xuống cấp về đạo đức trong các quan hệ văn hóa, nhất là trong giới trẻ hiện nay. Xây dựng cảnh quan văn hóa hài hòa, thân thiện, văn minh; tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú, tạo ra ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị một không gian văn hóa lành mạnh, tiến bộ, làm lấn át, đẩy lùi sự nảy sinh những biểu hiện phản văn hóa và âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch.

Bốn là, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; giữa gìn giữ, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người thời kỳ mới với kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa, lọc bỏ những biểu hiện phản giá trị văn hóa trong mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị

Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” vừa là yêu cầu khách quan, vừa là giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống âm mưu, thủ đoạn xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch hiện nay. Trước những tác động tiêu cực từ mặt trái nền kinh tế thị trường, xu thế toàn cầu hòa, hội nhập quốc tế và mưu đồ chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch, đã và đang làm nảy sinh ngày càng gia tăng những biểu hiện phi văn hóa, phản giá trị, suy thoái, tệ nạn, tiêu cực ở các địa phương, cơ quan, đơn vị ... Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” nhằm lấy “xây” để “chống”, lấy “cái đẹp” để “dẹp cái xấu” và lấy “chống” để “xây”, kiên quyết “nhổ cỏ dại” để “hái mùa vàng”.

Trong tình hình mới, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương, cơ quan, đơn vị cần phải coi trọng giáo dục, gìn giữ, bồi đắp và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện bản sắc, thương hiệu của mình; đồng thời, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo lập những giá trị văn hóa mới, mang tính tiên tiến, văn minh, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa, lọc bỏ những biểu hiện phản giá trị văn hóa; nhất là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, tự diễn biến”, tự chuyển hóa” trong nội bộ; phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn mê tín, dị đoan; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng; các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, binh chủng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, nhất là vai trò của cơ quan chức năng, các “Ban chỉ đạo 35”, lực lượng nòng cốt đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Phải làm cho các tổ chức, các lực lượng nhận thức đầy đủ, sâu sắc rằng, đây là việc làm thường xuyên, lâu dài chứ không phải là công việc “một sớm, một chiều”, giản đơn, “thuận buồm, xuôi gió”. Nó phải được tiến hành một cách bền bỉ, kiên trì, dũng cảm trên mọi lĩnh vực, mọi mặt hoạt động, trong mọi tổ chức, mọi lực lượng và trong mỗi con người. Trong đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa khơi dậy và phát huy vai trò nêu gương về văn hóa của cán bộ, đảng viên với tăng cường quản lý, điều hành, thanh tra, kiểm tra xử lý các biểu hiện vi phạm.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 7, tr.318,319.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.47.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tập 1, tr. 143.

[4] Ban Tuyên giáo Trung ương (2021), Báo cáo Hội nghị văn hóa toàn quốc, Hà nội, tr. 23

[5] Ban Tuyên giáo Trung ương (2021), Báo cáo Hội nghị văn hóa toàn quốc, Hà nội, tr. 21

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam(2014), Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.47.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tập 1, tr. 143.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tập 1, tr.284.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQGST, Hà Nội, tr. 144.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét