Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

 

NHẬN DIỆN QUYỀN LỰC 
TRONG XÃ HỘI CÓ GIAI CẤP VÀ CÓ SỰ QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC

Khi bàn đến Quyền lực là đề cập đến một vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, nó được quan tâm đến trong mọi xã hội. Theo C. Mác và Ph.Ăngghen, quyền lực xuất hiện từ khi có sự sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất, có sự phân chia giai cấp và Nhà nước...Nó vận động, phát triển gắn liền với quá trình vận động, phát triển của lực lượng sản suất xã hội. Cho dù nó có tồn tại ở đâu, khi nào, với ai hay trong cộng đồng nào, được thực hiện bằng cách nào và cho đến bao giờ thì quyền lực cũng luôn được coi là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự vận động và phát triển của một xã hội. Điều đó còn đúng hơn rất nhiều khi quyền lực đó tồn tại trong xã hội có giai cấp và có nhà nước của giai cấp thống trị.
Thông thường, nếu hiểu quyền lực là khả năng áp đặt ý chí của chủ thể này lên chủ thể khác và buộc chủ thể đó phải phục tùng ý chí đó thì sự hiện diện của quyền lực ở bất kỳ đâu, khi nào cũng tồn tại một sự khác biệt giữa người áp đặt ý chí và người phải phục tùng ý chí đó. Nói cách khác thì giữa người áp đặt ý chí (người mang quyền lực) và người bị áp đặt ý chí (người phục tùng quyền lực) luôn phải có sự khác biệt thì quyền lực mới tồn tại. Quyền lực càng lớn thì sự khác biệt giữa hai loại chủ thể này càng xa. Vấn đề đặt ra ở đây là quyền lực đó có nguồn gốc từ đâu, do ai nắm giữ, được thực hiện bằng cách nào, trong điều kiện nào và nhằm mục đích gì, khả năng áp đặt ý chí ở mức độ nào…
Quyền lực trong xã hội loài người, đặc biệt là quyền lực nhà nước thì hết sức phức tạp tương ứng với mức độ tiến hoá của con người với tư cách là động vật cao cấp nhất. Con người có khi tốt, có khi xấu hoặc có khi cái tốt, cái xấu lẫn lộn hoặc lấn át nhau. Cái tốt, cái xấu đó được bộc lộ rất rõ trong quá trình thực hiện quyền lực của con người, nhất là khi con người còn có thể chinh phục được cả tự nhiên và đặc biệt là nghĩ ra được các phương tiện có thể “nối tay” để thực hiện quyền lực của mình cùng với những thủ đoạn ngày càng trở nên tinh vi hơn. Con người là chủ thể duy nhất có thể sáng tạo ra các phương tiện hoặc nghĩ ra các phương pháp để thực hiện các mưu đồ hay nhu cầu của mình. Bản thân sự tốt, xấu cũng do cách mà người ta quan niệm tuỳ từng quan hệ trong bối cảnh, vị thế cụ thể nên quyền lực cũng có thể bị tha hóa theo những quan niệm và bối cảnh đó.
Trong tính hiện thực của nó - như C. Mác quan niệm, bản chất của con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội - nên sự phức tạp của quyền lực trong xã hội loài người xuất phát từ chính bản chất của con người. Thực ra, quyền lực là cái phục vụ cho người ta để thoả mãn những nhu cầu nhất định. Giữa hai loại nhu cầu của con người thì nhu cầu tự nhiên mang tính bản năng là cái có trước, còn nhu cầu mang tính xã hội sẽ lớn dần theo sự trưởng thành của con người. Vì vậy, quyền lực bản thân nó ban đầu mang tính tự nhiên, được hình thành từ những bản năng mang tính sinh vật trong quá trình đấu tranh để sinh tồn và phát triển. Sau này, do nhu cầu của việc quản lý và kiểm soát các hoạt động chung để phối hợp các thành viên trong xã hội với nhau mà quyền lực tiếp tục nảy sinh theo những cách khác nhau. Kể từ khi xã hội xuất hiện giai cấp, sự khác bỉệt về khả năng cũng như điều kiện xuất phát mà nhu cầu của con người đã có những chuyển biến quan trọng. Có quan điểm cho rằng nhu cầu là động lực cho sự phát triển. Điều này đúng trong nhiều trường hợp nhưng không phải là tất cả. Vấn đề là ở chỗ nhu cầu đó có tự nhiên và chính đáng hay không và nó được thoả mãn bằng cách nào. Nếu quyền lực để thoả mãn nhu cầu chính đáng, các sức mạnh tự nhiên, thiên bẩm phát huy hết thì khi đó, quyền lực sẽ trở nên bền vững và ít bị tha hóa. Nếu quyền lực phục vụ cho nhu cầu không chính đáng thì quyền lực đó hình thành theo những cách không tự nhiên và thiếu tính bền vững. Đi theo việc thoả mãn nhu cầu loại nào và bằng thứ quyền lực gì thì sẽ có cách hành xử quyền lực theo hướng đó. Khi đó quyền lực sẽ bị biến dạng so với lúc hình thành hay nói cách khác thì khi đó quyền lực có sự tha hoá.
Biểu hiện rõ ràng nhất, đầy đủ nhất và cũng phức tạp nhất của quyền lực là trong hoạt động của nhà nước vì quyền lực nhà nước là bao trùm lên toàn lãnh thổ, tác động lên tất cả các chủ thể, ảnh hưởng giữa quốc gia này với quốc gia khác trong khu vực hay toàn thế giới. Nắm giữ quyền lực nhà nước và sử dụng quyền lực nhà nước như thế nào có một ý nghĩa vô cùng to lớn, tác động mạnh mẽ lên sự phát triển của xã hội loài người nói chung và của mỗi thành viên trong xã hội nói riêng. 
Về cơ sở mang tính bản chất, quyền lực nhà nước phải được hình thành từ sự trao quyền của toàn xã hội và nhà nước trở thành người đại diện chính thức duy nhất cho xã hội và nhân danh xã hội để thực hiện quyền lực đó nhưng cũng thế mà sự tha hóa của quyền lực nhà nước trở nên phức tạp hơn và ảnh hưởng lớn đối với toàn bộ đời sống xã hội. Do đó, sự biến dạng (hay tha hóa) của quyền lực nhà nước sẽ được xem xét kỹ hơn.
Sau 36 năm đổi mới phát triển nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trêm mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội….Song đi liền với những thành quả tốt đẹp đó là tác động của mặt trái của kinh tế thị trường đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, cụ thể là lợi dụng quyền lực công được Đảng, nhà nước giao và nhân dân ủy quyền để tham nhũng, lộng quyền, tiếm quyền….Những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực trong bộ máy quản lý nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay cần nhanh chống được kịp thời mổ xẻ và cắt gọt./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét