Do đặc thù phát triển quá nhanh của công nghệ, của các dịch vụ, nội
dung thông tin trên mạng nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã
bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, chưa cụ thể hóa, bao quát hết các đối tượng và
hoạt động cần quản lý, hành vi sai phạm, chế tài xử lý chưa bảo đảm tính răn
đe. Trong khi đó, quy trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy
phạm pháp luật trên lĩnh vực này theo quy định hiện hành mất khá nhiều thời
gian, dẫn đến việc quy định vừa sửa đổi, bổ sung xong đã bắt đầu lạc hậu, gây
khó khăn cho công tác quản lý. Vì vậy, để kịp thời ngăn chặn, đập tan âm
mưu của các thế lực thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam cần nghiên cứu, vận
dụng thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần có giải pháp về cơ chế, chính sách: Hoàn thiện hệ thống văn bản
pháp luật, đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, kịp thời bổ sung,
xây dựng các văn bản mới và xây dựng cơ chế chính sách về thông tin điện tử cho
phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng hiệu quả quản lý, bổ sung các chế tài xử
lý sai phạm nghiêm khắc hơn.
Hai là, cần chú trọng xây dựng tốt công tác kỹ
thuật, công nghệ: Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý và doanh nghiệp;
nghiên cứu, định hướng trong việc xây dựng bộ lọc và có cơ chế cập nhật khi có
yêu cầu để các doanh nghiệp thực hiện; kịp thời ngăn chặn truy cập, chia sẻ,
tạm ngừng hiển thị nội dung trên mạng internet khi phát hiện thông tin vi phạm.
Ba là, xây dựng đầu mối tiếp nhận, quy trình xử lý
tin giả trên mạng xã hội: Bộ Thông tin và Truyền thông, các Sở Thông tin và Truyền thông tại các
địa phương sẽ là đầu mối thực hiện việc xử lý đối với các hành vi tung tin giả
của các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Việc xác định tin giả cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ,
ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong việc nhận
diện và xác định tin giả theo từng lĩnh vực, đối tượng ảnh hưởng đối với các
vấn đề ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội...
Bốn là, cần
tuyên truyền rộng rãi, nâng cao nhận thức: Các cơ quan chức năng tiếp tục chủ trì,
phối hợp với các cơ quan báo chí & truyền thông liên quan triển khai thực
hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người sử dụng về
các quy định của pháp luật có liên quan nội dung thông tin trên mạng.
Năm là, phát triển mạng xã hội do doanh nghiệp tại
Việt Nam cung cấp dịch vụ: Hiện nay tại Việt Nam, một số mạng xã hội của nước
ngoài như Facebook, Youtube vẫn đang chiếm phần lớn thị trường, chính vì vậy
trong ngắn hạn, các giải pháp quản lý và tuyên truyền vẫn cần tiến hành đối với
mạng xã hội này. Tuy nhiên về dài hạn, Việt Nam cần có những mạng xã hội tương
đương, có khả năng thay thế hoặc cạnh tranh được với Facebook tại Việt Nam và
do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ. Do đó, cần có các giải pháp, cơ
chế, chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy mạng xã hội trong nước phát triển.
Sáu là, các cơ quan cung cấp thông tin báo chí cần
quan tâm chú ý nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo các cơ quan báo chí về
âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Chỉ đạo đội ngũ lãnh đạo,
cán bộ, phóng viên, biên tập viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về Chủ
nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chính sách của
Đảng, Nhà nước ta. Xây dựng nền tảng xuất bản mở và đa nền tảng. Ứng dụng các
công cụ hỗ trợ quản lý vận hành báo có tính liên thông cao.
Bẩy là, Ban Chỉ đạo 35 của Ban Tuyên giáo Trung ương
cần phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện các văn bản
chỉ đạo và quy chế, các tình huống trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở
Việt Nam hiện nay. Ban Chỉ đạo 35 cần chủ động phối hợp với các tỉnh ủy, thành
ủy bám sát thực tiễn, kịp thời dự báo những tư tưởng không tích cực, những vấn
đề nổi cộm tại các địa phương, chú ý đến việc bảo vệ nhân quyền của các giáo
hội; chủ động cung cấp thông tin với các nước, các tổ chức quốc tế về những nội
dung quan điểm nhận thức chưa đúng về công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã
hội tại Việt Nam.
Tám là, các cơ quan báo chí cần lựa chọn những người có vị
thế, uy tín trong xã hội có nhiều bài viết, nêu gương trong việc đấu tranh với
những quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của
Đảng. Tùy theo tính chất nhiệm vụ và khu vực Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp
với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn của đội ngũ lãnh đạo
các cơ quan báo chí và những phóng viên chủ chốt, tích cực trong việc viết bài,
phản ánh không chỉ trên báo mà còn các phương tiện trên mạng xã hội với
những cách làm sáng tạo để kiên quyết đập tan các âm mưu thủ đoạn của các thế
lực thù địch; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét