Tham gia cách mạng năm 1945. Chị Út đến với cách mạng, với kháng chiến thật đơn giản, như câu nói của chị “nó đánh mình, mình đánh nó…” (theo tác phẩm”Người Mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi). Khi cuộc chiến đến thời kỳ ác liệt, thế ta và địch không cân bằng, chị đã nói :"Còn cái lai quần cũng đánh!".
Từ năm 1945 đến năm 1965, Nguyễn Thị Út là du kích xã Tam Ngãi, cùng Đội du kích của xã Tam Ngãi kiên cường, mưu trí, sáng tạo, đánh 23 trận (có 8 trận trong kháng chiến chống Pháp), di.ệt và làm bị thương 200 tên địch, thu 70 súng, làm thất bại nhiều cuộc càn quét của địch, tuyên truyền vận động nhiều binh lính địch bỏ ngũ, nhiều lần dẫn đầu bộ đội diệt đồn bốt địch, thu vũ khí không phải nổ súng.
Đầu năm 1950, Nguyễn Thị Út xây dựng gia đình với Lâm Văn Tịch (người Việt gốc Khmer) cũng là chiến sĩ trong lực lượng vũ trang địa phương. Chị Út nuôi dưỡng 6 con nhỏ nhưng vẫn tham gia đánh giặc giữ làng, làm nòng cốt trong đấu tranh chính trị ở địa phương.
Chị Út Tịch đã cùng đồng đội đánh đồn bót trong lúc đang có thai. Đồng đội và bà con rất ái ngại, khuyên chị nghỉ dưỡng thai đợi ngày sinh nở. Chị trả lời thản nhiên: “Có ai đánh giặc mà chờ sinh xong mới đánh, còn gà mái là còn gà giò. Cứ đánh!”. Gương đánh giặc của chị khiến cho đồng đội hết sức thương yêu và kính phục.
Tính đến năm 1965, chị đã tham gia 23 trận lớn nhỏ (có 8 trận thời kháng chiến chống Pháp) góp phần quan trọng cùng đơn vị diệt và làm tan rã trên 200 giặc, thu 70 súng. Chị là một chiến sĩ trinh sát dũng cảm và mưu trí, một chiến đấu viên ngoan cường, một chiến sĩ binh vận tài tình đã vận động phá vỡ nhiều binh sĩ địch, nhiều lần đưa bộ đội vào diệt bót lấy súng không tốn một viên đạn…Chị chính là nguyên mẫu nhân vật chính trong tác phẩm “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi.
Nguyễn Thị Út được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng ba, ngày 05/5/1965, được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét