Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

HAI LẦN NHÀO RA BIỂN!

         Ý nói chỉ trong thời gian 1 tháng mà 2 lần tháo chạy ra biển, lại cùng vào ngày 29: Đà Nẵng 29-3 và Sài Gòn 29-4-1975. Một lần bơi, một lần bay.

         Ai mà gớm thế? 
     Đó là đức ông chồng chung thủy của cô nương Nguyễn Tường Nhung, chàng rể quý của nhà văn Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân, 1910 - 1942, có tên đường ở Q.Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh). Thạch Lam cùng 2 người anh ruột sáng lập ra nhóm Tự lực Văn đoàn: nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam, 1906-1963, thủ lĩnh Việt Nam Quốc dân đảng) và nhà văn Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long, 1907-1948).
     Nhân vật chính trong bài này là Ngô Quang Trưởng (1929-2007), viên trung tướng ngụy quân VNCH oai hùng được các cố vấn Mỹ đánh giá hơi bị cao.
     Sinh cuối năm 1929 trong 1 gia đình giàu nứt đố đổ vách ở Bến Tre, năm 1948 Trưởng lấy bằng Tú tài I rồi làm công chức. Năm 1953 Trưởng đăng lính, học Sĩ quan trừ bị Thủ Đức rồi học khóa căn bản Nhảy dù. Năm 1954 viên thiếu úy Dù này là trung đội trưởng dưới quyền đại đội trưởng Phạm Văn Phú. Tuy nhiên, Trưởng chưa kịp nhảy xuống Điện Biên Phủ thì tập đoàn cứ điểm này đã thất thủ. 
     Đánh đấm hăng hái, Trưởng thăng tiến khá nhanh: trung úy 1955, đại úy 1961, thiếu tá 1964, trung tá 1965, đại tá 1966, chuẩn tướng 1967, thiếu tướng 1968 và mang lon trung tướng năm 1971 khi mới 41 tuổi 10 tháng rưỡi. Theo lẽ thường, muốn mang lon tướng thì phải tốt nghiệp Sĩ quan Đà Lạt, riêng Trưởng là ngoại lệ duy nhất.
     Năm 1966 đại tá Ngô Quang Trưởng thôi chức phó tư lệnh Sư đoàn Dù ngụy để làm tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh ngụy. Hôm nhậm chức, Trưởng cưỡi máy bay để nhảy dù xuống sân vận động, nơi quan quân cờ xí kèn trống nghênh đón. Ấy là để từ giã binh chủng Dù và ra oai với thuộc cấp mới. Trời xui đất khiến thế quái nào, một cơn gió bất chợt thổi bạt chiếc dù ra xa, Trưởng rơi tõm xuống sông Hương. Cũng may, ca-nô của Thủy quân lục chiến ngụy đi tuần trông thấy, vớt lên.
     Năm 1972, vì tội để mất tỉnh Quảng Trị, trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân đoàn 1 và Vùng 1 Chiến thuật ngụy (từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi) bị cách chức. Trung tướng Ngô Quang Trưởng thôi chức tư lệnh Quân đoàn 4 và Vùng 4 Chiến thuật ngụy (Tây Nam Bộ) ra thay với trách nhiệm phải tái chiếm Quảng Trị, ít nhất cũng cắm được cờ trên thành cổ để tạo thế trên bàn đàm phán Paris. Trưởng lập công oanh liệt khi đẩy lui đối phương về bờ bắc sông Thạch Hãn. 
     Nặng lòng với vùng đất này, Trưởng đặt tên con trai út là Ngô Trị Thiên.
     Giữa tháng 3-1975 mất Buôn Ma Thuột, tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: “Bỏ Kon Tum và Pleiku để bảo toàn lực lượng, còn Đà Nẵng, Huế và Vùng 3 Chiến thuật sẽ phải giữ đến cùng”. Trưởng được lệnh phải giữ Huế, lên đài phát thanh tuyên bố chắc lừ: “Việt cộng phải bước qua xác tôi mới vào được cố đô Huế”. Ngờ đâu, chỉ mấy hôm sau thì quan quân tháo chạy nháo nhác.
     Đèo Hải Vân bị đối phương chặn, Trưởng bay vào Đà Nẵng cố thủ. Sau khi cắt đứt Quốc lộ 1 ở Quảng Tín và Quảng Ngãi, sáng 29-3 Quân Giải phóng tấn công Đà Nẵng. Quan quân ngụy dẫm đạp lên nhau nhào xuống biển. Trưởng bơi lóp ngóp ra tàu chiến neo đậu ngoài khơi, kiệt sức, phải thở bằng máy. Tàu cập bến Long Hải, Trưởng được vào thẳng quân y viện.
     Sáng 29-4 tướng ngụy là Nguyễn Cao Kỳ lái trực thăng ghé vào Bộ Tổng tham mưu. Vắng như chùa Bà Đanh. Thấy Trưởng ngồi buồn thiu, nói chẳng biết làm gì cả, Kỳ vỗ vai: Đi với tớ! Và họ bay ra tàu sân bay USS Midway của Mỹ ở ngoài khơi.
     Như thế, Trưởng hoạt động đủ 3 vùng không gian: trời, đất và biển. Này nhé, làm “thiên thần mũ đỏ” trên trời 12 năm (1954-1966), đánh đấm trên mặt đất 9 năm (1966-1975), nhào xuống biển 2 phen (29-3 và 29-4-1975). Ngộ quá hể!
     Tưởng gặp lại vợ con ở trại tị nạn trên đảo Guam, sau được tướng Cushman, từng là cố vấn của Trưởng tại Vùng 4 Chiến thuật, đón về tá túc ở nhà mình. Cushman xin cho Trưởng và con trai học 1 khóa đào tạo nghề làm vườn. Một cựu đại úy Mỹ, là người quen cũ, cho Trưởng mượn xe máy để đi lại. Sau đó Trưởng đưa vợ con đến định cư tại tiểu bang Virginia, sinh nhai bằng nghề nông.
     Lưu vong trên đất Mỹ, khác với những tướng đồng ngũ, Trưởng không tham gia các cuộc hội họp hay bình luận về quá khứ cay đắng mà sống lặng lẽ trong nỗi trầm uất của một viên bại tướng. Ai gặng hỏi về một thời chiến cuộc, Trưởng đều lảng sang chuyện khác. Có chăng, cũng chỉ ngậm ngùi: "Bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng; vong quốc chi đại phu bất khả ngôn trí" nghĩa là: Tướng bại trận thì không thể nói mình anh dũng; bậc chí sĩ đại phu phải bỏ xứ lưu vong thì làm sao gọi là người mưu lược./.


Ảnh 1: Vợ chồng Trưởng tại Mỹ.
Ảnh 2: Chữ ký của Trưởng khi là tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh ngụy.
Ảnh 3: Trưởng và Kỳ trên tàu sân bay USS Midway trưa ngày 29-4-1975.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét