Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023
Đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch
Trước diễn biến phức tạp của các vụ khiếu nại, tố cáo và âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, Phòng An ninh xã hội thuộc Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) là đơn vị trực tiếp tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, âm mưu, hoạt động, lợi dụng các vấn đề xã hội xâm phạm an ninh quốc gia. Từ đó, tham mưu, đề xuất giải pháp, phương án chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra công tác nghiệp vụ của Công an địa phương và tổ chức thực hiện , phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với âm mưu, hoạt động lợi dụng các vấn đề xã hội xâm phạm an ninh quốc gia. Điển hình như trong những tháng đầu năm 2022, tình hình khiếu kiện vượt cấp ở Trung ương khá phức tạp, Phòng An ninh xã hội đã tham mưu lãnh đạo Cục nhiều lần họp bàn với các đơn vị K01, K02, Công an Hà Nội, Ban Tiếp công dân Trung ương thống nhất công tác tiếp và vận động, hỗ trợ người khiếu kiện về địa phương; tấn công chính trị, đấu tranh với số đầu đơn, cốt cán quá khích, gây rối ANTT; điện mật gửi Công an các địa phương liên quan đề nghị tham mưu cử Tổ công tác ra Hà Nội phối hợp vận động, đưa người khiếu kiện về địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự. Kết quả đã vận động được hơn 300 người khiếu kiện về 20 địa phương; phối hợp Công an Hà Nội và các lực lượng chức năng vận động, giải tỏa trên 80 lượt với hơn 1.500 lượt người khiếu kiện rời khỏi các khu vực bảo vệ, đảm bảo ANTT.
Để vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử chống đối, giữ vững ANCT, TTATXH, đẩy mạnh công cuộc phát triển đất nước trong tình hình hiện nay, cần tập trung làm tốt một số nội dung cơ bản sau:
- Một là, lấy ổn định lòng dân làm nguyên tắc cơ bản trong toàn bộ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường lòng tin của quần chúng nhân dân vào nhà nước và chính quyền các cấp về giải quyết khiếu kiện; tăng cường trách nhiệm của cơ quan và cán bộ nhà nước trong giải quyết khiếu kiện. Các cơ quan chức năng liên quan ưu tiên giải quyết các quyền lợi chính đáng của quần chúng nhân dân (nhất là trên lĩnh vực thường xảy ra khiếu nại, tố cáo như: đất đai; thực hiện các chế độ, chính sách…) đảm bảo hài hòa giữa lợi ích chung của Nhà nước với các quyền lợi chính đáng của người dân; xử lý cán bộ sai phạm trước, người dân sau.
Hai là, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, các cơ quan chức năng cần nắm chắc văn bản pháp luật liên quan, bảo đảm xử lý đúng trình tự, đủ thủ tục, tiến hành tốt công tác thanh tra, kiểm tra. Cán bộ công tác trong lĩnh vực tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo phải nắm chắc các quan điểm, chủ trương, phương châm, nguyên tắc của Đảng, Nhà nước, có sự phân công vai trò, trách nhiệm cụ thể, tập trung giải quyết dứt điểm đối với các vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài, chủ động đối thoại trực tiếp với nhân dân, nhằm “tháo ngòi nổ”, giảm bức xúc của người dân, ổn định tình hình, không để xảy ra sơ hở, thiếu sót, hạn chế đến mức thấp nhất điều kiện các thế lực thù địch, bọn phản động trong, ngoài nước lợi dụng kích động, lôi kéo tập hợp lực lượng chống Đảng, Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhất là các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng khiếu kiện vi phạm pháp luật thông qua nhiều hình thức thiết thực, phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ, văn hóa của người dân. Chú trọng vận động cá biệt đối với số có uy tín ảnh hưởng trong cộng đồng; vận dụng các phong tục, luật tục, quy định ở địa phương để cụ thể hóa xây dựng và duy trì phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, góp phần giải quyết tranh chấp, khiếu kiện ngay từ cơ sở.
Bốn là, chủ động đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng lợi dụng các vụ việc khiếu kiện phức tạp, nhất là các vụ khiếu kiện đông người, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc tình hình, nhất là ý đồ, phương thức, thủ đoạn hoạt động lợi dụng khiếu kiện của các đối tượng, để chủ động huy động lực lượng, áp dụng biện pháp phù hợp đấu tranh, ngăn chặn. Tập trung phát hiện và kiên quyết đấu tranh không để các đối tượng lợi dụng các hội nhóm dưới chiêu bài “dân oan”, “vì môi trường”, “chống tham nhũng”... ở các địa phương thành lập các tổ chức nhằm chống Đảng, Nhà nước; không để đối tượng kích động, lôi kéo tụ tập đông người lên Trung ương, trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước biểu tình trái pháp luật, phá rối an ninh.
Năm là, nâng cao hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan, ban ngành chức năng cần xây dựng các quy chế phối hợp trong nắm tình hình, tham mưu giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Tiếp tục phát huy thế trận an ninh nhân dân, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ từ đó kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ chính quyền cơ sở tại các địa phương, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động gây mất ANTT, cũng như các cán bộ có sai phạm, biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.
Trong suốt hơn 35 năm qua, công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước ta đã giành được nhiều thắng lợi đáng kể. Nền kinh tế ngày càng phát triển, an ninh quốc phòng ngày càng được củng cố và giữ vững, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện, vai trò, vị thế của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, đất nước ta vẫn đang đứng trước những vấn đề tác động ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, như cơ cấu kinh tế dịch chuyển chậm; công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng, khu dân cư, đô thị còn chắp vá, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Bên cạnh mặt tích cực của phát triển kinh tế xã hội đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, như vấn đề đô thị hoá dẫn đến đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, chính sách đền bù, bồi thường lại chưa thoả đáng, chính sách quản lý đất đai còn nhiều bất cập, lỏng lẻo, nhiều kẽ hở, dẫn đến tham ô, tham nhũng; việc sắp xếp lại các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên ra trường không có công ăn việc làm ngày càng nhiều, lao động dư thừa, tình trạng không có việc làm tăng; tổ chức Đảng, chính quyền cơ sở, cán bộ nhiều nơi còn yếu kém, mất dân chủ, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không dứt điểm, đùn đẩy, né tránh…
Để làm sáng rõ tính công minh, chính đáng và rộng đường dư luận, các cấp chính quyền cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tiếp dân, đối thoại với công dân để khi giải quyết mỗi vụ việc đều bảo đảm chính xác, khách quan, có tình, có lý và có tính thuyết phục cao. Đồng thời, cùng với việc có biện pháp quyết liệt để đấu tranh, xử lý có hiệu quả, triệt để tình trạng khiếu nại, tố cáo sai sự thật, vượt cấp, cơ quan chức năng cần tập trung xử lý dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, những vụ việc phức tạp đã kéo dài và công khai kết quả trước dư luận công chúng. Những vụ việc đã được giải quyết thỏa đáng, đúng quy định của pháp luật cần có các biện pháp thuyết phục, tuyên truyền, vận động để các đương sự nghiêm túc chấp hành. Cùng với đó, cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cán bộ lợi dụng kẽ hở, lợi dụng sự phức tạp và chồng chéo của các văn bản để gây khó khăn, nhũng nhiễu, “dọa” dân, làm phức tạp thêm vụ việc nhằm đạt các mục đích xấu khi người dân có việc cần khiếu nại, tố cáo. Thực hiện tốt được những giải pháp trên thì khiếu nại, tố cáo sẽ không còn là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch lợi dụng làm công cụ chống phá Đảng, Nhà nước.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét