Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Đảng ta vận dụng sáng tạo tư duy đổi mới là tất yếu khách quan, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và đất nước hiện nay

Đường lối đổi mới của Đảng là sự vận dụng sáng tạo với tư duy độc lập trên cơ sở Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta. Đó là sự kết tinh của nhu cầu nội tại trong nước với xu thế phát triển của thời đại. Đổi mới thực sự là công cuộc giải phóng mình khỏi tư duy cũ về nhận thức, về hành động cũng như về mô hình của chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời nhằm thoát khỏi cơ chế bao cấp trì trệ, để đổi lại nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội như nó cần phải có, đó là chủ nghĩa xã hội khoa học. Đảng đã nhận thức được đổi mới là vấn đề sống còn của đất nước, nhưng đổi mới không thể đi chệch con đường xã hội chủ nghĩa. Đổi mới là tìm ra mô hình chủ nghĩa xã hội phù hợp, xuất phát từ thực tiễn cách mạng nước ta đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nhân loại phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Khi nhấn mạnh việc tuân thủ những quy luật phổ biến của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng đã cân nhắc đặc điểm của dân tộc để xác lập hình thức, bước đi cụ thể trên cơ sở những đặc trưng cơ bản về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh quốc tế diễn ra phức tạp. Thực tế qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đã chứng minh tính đúng đắn của lý thuyết đổi mới. Đó là đổi mới nhưng phải giữ vững ổn định chính trị. Ổn định chính trị là điều kiện tiên quyết của sự đổi mới và phát triển. Quá trình thực hiện đổi mới là quá trình tìm tòi để phát triển, quá trình phát huy dân chủ để có sáng tạo, nhưng phải kiên định mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước gắn với chăm lo hạnh phúc cho con người. Mục tiêu này phù hợp với xu thế tiến bộ của xã hội, của thế giới hiện nay. Đó là sự hài hoà giữa nhu cầu của con người với thiên nhiên, với cộng đồng, giữa lợi ích của từng dân tộc với các dân tộc. Chính vì vậy mở cửa và hội nhập đã trở thành một trong những vấn đề cơ bản của lý thuyết đổi mới ở Việt Nam. Đó cũng là quan điểm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang và sẽ tiếp tục tiến hành trong quá trình đổi mới. Trước tình hình trong nước cũng như quốc tế đang diễn ra phức tạp, trong quá trình đổi mới đã xuất hiện nhiều quan điểm sai trái đòi xét lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Lý thuyết đổi mới của Đảng bao hàm một hệ thống mở, với các luận điểm luôn phát triển và với phương pháp luận biện chứng, nhưng điều “bất biến” cần phải giữ đó là không để chệch hướng chủ nghĩa xã hội. tư duy là xử lý mối quan hệ giữa đổi mới sáng tạo với kiên định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào, chứ không phải đổi mới để xoá bỏ chủ nghĩa xã hội. Việc khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình tìm tòi cũng như tổ chức thực hiện sự nghiệp đổi mới không đồng nghĩa với việc để mất phương hướng và rời bỏ nguyên tắc, đây là mối quan hệ nghiệt ngã mà nếu không kiên định vững vàng thì sẽ chuốc lấy hậu quả nghiêm trọng đó là mất ổn định chính trị và dẫn đến mất luôn chế độ. Sự kiên định chính là giữ vững, kế thừa và bảo vệ các nguyên tắc lí luận và phương pháp cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, những nguyên tắc đã trở thành chân lý phổ biến mà Đảng ta đang vận dụng vào sự nghiệp đổi mới. Trong quá trình đổi mới, Đảng đã xác định mô hình xã hội chủ nghĩa gồm 6 đặc trưng, rồi bổ sung phát triển thành 8 đặc trưng mà vẫn chưa dừng lại, cần phải tiếp tục bổ sung và phát triển. Nhưng sự bổ sung và phát triển không thể tách rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội, không thể tách rời hiện thực của thời đại và điều kiện cụ thể của nước ta. Nói cách khác, đổi mới chính là một tiến trình thúc đẩy sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam một cách phù hợp và hiệu quả chứ không phải giáo điều, rập khuôn, hay thực dụng, cơ hội, đều đã phải trả giá từ thực tế cải tổ đi đến sụp đổ và đánh mất chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là quá trình tìm tòi và phát triển. Qua mỗi giai đoạn, từng chặng đường đều kịp thời rút ra những bài học kinh nghiệm thành công và chưa thành công để phát huy, để bổ cứu, để vượt qua. Có thể nói chúng ta đã chủ động vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lí luận, bổ sung, điều chỉnh kịp thời nhằm đưa đất nước phát triển đúng hướng và mang lại hiệu quả cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét