Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, người kiến tạo Nhà nước Việt Nam dân chủ nhân dân theo thể chế cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á. Người thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng mãi mãi là một Đảng đạo đức và văn minh, mỗi cán bộ, đảng viên xứng đáng là "hạt nhân lãnh đạo" và là "người đầy tớ thật trung thành" của nhân dân. Với tầm nhìn sâu sắc, Người chỉ ra tham ô, tham nhũng "là những xấu xa của xã hội cũ", là những căn bệnh của quyền lực và đấu tranh chống tham ô, tham nhũng luôn gắn liền với cuộc đấu tranh chống lại tàn dư của chế độ cũ - chế độ người bóc lột người. Chính vì thế, với tư cách là người đứng đầu Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà thành lập sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết đặt vấn đề đấu tranh với thứ giặc rất nguy hiểm này. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn của Đảng cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm tạo bước chuyển mới mạnh mẽ rõ rệt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn năm 2012 đến năm 2022 diễn ra vào sáng 30/06/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế là với ý nghĩa như vậy". Từ thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ qua, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thống nhất các quan điểm chỉ đạo tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong đó có quan điểm thứ năm là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc”. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là quan điểm có tính kế thừa, phát triển tinh thần qua các kỳ đại hội Đảng, là nhiệm vụ then chốt, vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc ta, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng và tăng cường củng cố hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nội dung nòng cốt, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng Việt Nam, quyết định đến tiền đồ sự nghiệp cách mạng, liên quan trực tiếp đến việc giữ vững ổn định tình hình chính trị - xã hội và tác động đến mọi mặt đời sống. Đảng ta xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải được tiến hành thận trọng, bài bản, tránh chủ quan, nóng vội, với nỗ lực, quyết tâm cao cùng với những hành động mang tính quyết liệt. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau trong đó xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng tạo động lực thúc đẩy xây dựng cả hệ thống chính trị; bên cạnh đó xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả tạo cơ sở vững chắc củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo mối quan hệ mật thiết với nhân dân, nhân lên sức mạnh của toàn Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết luận số 21/KL-TW của Ban Chấp hành trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái và tại Kết luận Hội nghị trung ương 4 khóa XIII đã khẳng định “phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là một nhiệm vụ quan trọng, một vấn đề then chốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét