Đặt vấn đề “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, thế lực thù địch muốn tạo cớ để can thiệp vào nội bộ của các quốc gia khác. Không có độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia thì không thể có nhân quyền một cách đầy đủ trọn vẹn
Nhân quyền và chủ quyền quốc gia dân tộc, tuy là hai vấn đề khác nhau nhưng lại là có liên quan chặt chẽ với nhau trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở mỗi quốc gia dân tộc.
Vậy nhân quyền có thực sự cao hơn chủ quyền hay không? Và chúng ta cần nhìn nhận về vấn đề này như thế nào là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Dũng Chí, nguyên Viện trưởng Viện Quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
PV: Thưa ông, luận thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền” được Mỹ và các quốc gia phương Tây khởi xướng từ sau chiến tranh lạnh. Đây là vấn đề tuy không mới nhưng nó vẫn đang gây nên nhiều tranh cãi, bàn luận. Vậy theo ông, chúng ta cần nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
PGS, TS Đặng Dũng Chí: Có thể nói, vấn đề “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là luận điểm không mới. Vấn đề này xuất hiện rất sớm, kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Và đặc biệt, nó được rộ lên bắt đầu từ cuối năm 50 của thế kỷ 20, khi các chính trị gia Mỹ hiểu rằng, họ không thể giành chiến thắng trước các thế hệ lãnh đạo và người dân đã được thử thách qua chiến tranh, mà phải tấn công vào nhận thức của lớp trẻ, thông qua dân chủ, nhân quyền.
Có thể nói, cơ sở của luận điểm này, đó là tính phổ quát của nhân quyền, và một quy định rất quan trọng trong quy định nhân quyền quốc tế, đó là khuyến khích sự hợp tác của các quốc gia trong việc thúc đẩy nhân quyền. Bản chất của luận điểm này là tuyệt đối hóa vấn đề nhân quyền, coi nhân quyền là giá trị cao nhất, các giá trị khác phải nhường bước cho việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.
PV: Vậy, những người khởi xướng quan điểm này, không đơn thuần là để so sánh quyền con người với chủ quyền của một quốc gia, hẳn là có ý đồ, thưa ông?
PGS, TS Đặng Dũng Chí: Như đã nói ở trên, luận điểm này được nêu ra và luôn luôn được khuyến khích bởi mưu đồ chính trị rất rõ. Các nước luôn cổ vũ cho luận điểm này là nhằm thay đổi chế độ chính trị tại các nước xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn các nước độc lập dân tộc đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, ngăn chặn tiến trình của các nước độc lập mà không theo chỉ huy, chỉ đạo của phương Tây. Vấn đề nhân quyền, bản chất nó là vấn đề đạo đức, thế nhưng do bị chính trị hóa nên nó làm cho câu chuyện nhân quyền trở nên phức tạp.
PV: Như ông vừa phân tích, bản chất của luận điểm này là họ tuyệt đối hóa vấn đề nhân quyền, coi nhân quyền là một giá trị cao nhất. Nhưng rõ ràng khi một quốc gia dân tộc bị mất chủ quyền, thì quyền con người cũng sẽ không được bảo đảm?
PGS, TS Đặng Dũng Chí: Đúng như thế, lịch sử Việt Nam và các nước đã trải qua quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, đều hiểu sâu sắc rằng, không có độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia thì không thể có nhân quyền một cách đầy đủ trọn vẹn. Ngày nay, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia còn là việc các quốc gia không bị chi phối bởi các định chế kinh tế, tài chính toàn cầu và không bị cuốn vào cuộc chơi của các nước lớn. Thực tế, gần đây cho thấy, ở các nước Trung Đông, gần đây nhất là Syria, khi chủ quyền quốc gia không được giữ vững thì các quyền con người không những không được đảm bảo mà còn dẫn đến những thảm họa về nhân quyền. Chúng ta đã thấy những dòng người di tản đi khắp nơi trên thế giới. Đấy là câu chuyện cho thấy khi chủ quyền quốc gia không đảm bảo thì các quyền con người nó sẽ ra sao.
PV: Hàng năm, một số quốc gia, tổ chức luôn có những báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, trong đó có nhiều thông tin phản ánh sai lệch thực tế vấn đề dân chủ, nhân quyền của chúng ta. Ông có thể cho biết, tại sao họ lại luôn cố ý áp đặt và có cái nhìn sai lệch đối với Việt Nam?
PGS, TS Đặng Dũng Chí: Kể từ khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các nước phương Tây giành được thế thượng phong trong tất cả các vấn đề toàn cầu, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền. Chính vì thế họ khuyến khích, thúc đẩy luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”. Họ luôn tố cáo Việt Nam không đảm bảo đầy đủ về nhân quyền. Đây là một động cơ chính trị rất rõ, nhằm gây mất ổn định chính trị xã hội ở Việt Nam và làm giảm uy tín của Việt Nam trong dư luận quốc tế. Mục đích cuối cùng của họ là thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam. Đó là chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang lựa chọn. Có thể nói, đây là một thái độ không đúng đắn, không đàng hoàng. Họ sử dụng cái gọi là tiêu chuẩn kép áp đặt với những nước đi theo xã hội chủ nghĩa như Việt Nam.
PV: Quyền dân tộc tự quyết được thừa nhận là nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện nay. Và tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết, tự do quyết định thể chế chính trị của mình. Như vậy, việc lợi dụng nhân quyền để can thiệp vào chủ quyền quốc gia của nước khác là vi phạm luật pháp quốc tế, thưa ông?
PGS, TS Đặng Dũng Chí: Đúng như vậy, quyền tự quyết dân tộc, trong đó có chủ quyền quốc gia là một giá trị lớn, một giá trị cực kỳ thiêng liêng. Bởi nó là kết quả đấu tranh của các dân tộc khẳng định quyền của mình trong cộng đồng quốc tế và được luật pháp quốc tế thừa nhận một cách rộng rãi. Có thể nói rằng, quyền tự quyết dân tộc đã được xác lập một cách vững chắc trong luật quốc tế và chính Luật Nhân quyền quốc tế cũng ghi nhận rất rõ quyền tự quyết dân tộc, coi đó như một điều kiện không thế thiếu được của quyền con người. Tại tuyên bố Vien của Chương trình hành động năm 1993 đã khẳng định: Việc khước từ quyền tự quyết dân tộc là vi phạm quyền con người. Chính vì thế, việc sử dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc của các nước khác, trong đó có Việt Nam, đấy chính là vi phạm nhân quyền, đồng thời cũng là vi phạm luật pháp quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét