Trong bối cảnh thông tin xấu độc rất dễ dàng đến với người tiếp cận, cả chủ ý và vô ý, thì vấn đề bản lĩnh của người nhận thông tin là rất quan trọng. Để không bị rơi vào trạng thái “tự diễn biến”, bản thân người tiếp nhận phải có “bộ lọc”, đồng thời phải có những kỹ năng phù hợp, bên cạnh nhận thức chính trị đúng đắn, phù hợp.
Hiện nay, các thông tin xấu độc có thể ở dạng một clip ngắn trên TikTok, một video dài hơn trên YouTube, một mẩu tin hoặc một hình ảnh trên Facebook…, và nó hoàn toàn có thể “tình cờ” đến với người đọc khi họ vô ý lướt qua rồi dừng lại khi thông tin được gắn với tiêu đề rất “sốc”, các hình ảnh gây chú ý, các “giới thiệu” của ai đó khi dẫn lại… Cũng có khi, thông tin đó đến từ người quen thông qua việc gửi các đoạn ngắn hoặc gửi đường dẫn (link) mà không có định hướng rõ ràng về dụng ý của người gửi. Và, dĩ nhiên, thông tin xấu độc còn đến từ sự chủ đích tìm kiếm của người nào đó, thông tin từ các công cụ tra cứu trên internet, các thông tin thuộc dạng được lan tỏa mạnh (viral) trên mạng xã hội…
Thí dụ, chúng ta tình cờ nhận được thông tin nói về sự thất bại của mô hình xã hội chủ nghĩa, từ đó công kích Đảng ta thực hiện vai trò lãnh đạo ở Việt Nam. Đây là loại thông tin xấu độc có dụng ý đánh phá vào nền tảng tư tưởng của Đảng, bởi Đảng ta đã xác định “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”, bây giờ các thế lực xấu cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, cái nôi của cách mạng vô sản, đã thất bại,…(!?).
Thoạt tiên, một số người nghe thoáng qua sẽ nhận thấy luận điểm đó… cũng có lý. Bởi về hình thức, Liên Xô, thành trì của khối xã hội chủ nghĩa, đã sụp đổ sau 74 năm xây dựng; hiện thế giới chỉ còn 5 nước đi theo theo con đường xã hội chủ nghĩa… Do đó, họ có thể “ngờ ngợ” và không cho rằng luận điểm trên là sai trái. Nếu tiếp cận nhiều lần, thường xuyên, ở nhiều bối cảnh khác nhau mà không “gặp được” những thông tin phản bác đầy đủ, thuyết phục, rất có thể họ “bị nhiễm” và dần tin theo. Đó là bước đầu của sự “tự diễn biến”, tức là có nhận thức sai lệch, nếu không được uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời thì sẽ dẫn đến “tự chuyển hóa”, tức là sẽ có hành động sai lầm, như tán phát tài liệu sai trái, phát ngôn không phù hợp chuẩn mực, cổ xúy cho các hành động lệch lạc, thậm chí còn tham gia vào các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước!
Sự thực, nếu mỗi người có đủ thông tin, có nhận thức chính trị tốt và không bị thành kiến chi phối thì có thể thấy rằng các luận điểm trên hoàn toàn không thuyết phục; và các cán bộ, đảng viên với quá trình được giáo dục lý luận chính trị của mình sẽ dễ dàng nhận ra quan điểm đó là sai lầm. Bởi chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết khoa học và cách mạng, không phải do những cá nhân nào đó tự “vẽ ra” mà nó phản ánh khát vọng của nhân loại về một xã hội tốt đẹp trên mọi mặt. Việc Liên Xô sụp đổ rõ ràng hoàn toàn không chứng minh được con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, bởi đó chỉ là sự thất bại của một mô hình cụ thể chứ không thể khẳng định sự thất bại của cả mô hình; tuy thế giới hiện chỉ còn 5 nước tuyên bố đi theo con đường chủ nghĩa xã hội nhưng kỳ thực các trào lưu xã hội chủ nghĩa diễn ra khắp nơi, từ định hướng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Mỹ Latinh, mô hình dân chủ xã hội ở Bắc Âu, đến phong trào cánh tả ở nhiều nơi khác… Với sức sống vững bền như vậy, việc Đảng ta tiếp tục lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là hoàn toàn phù hợp, do đó chúng ta vẫn sẽ kiên trì giữ vai trò lãnh đạo của Đảng ở Việt Nam, bởi đây là một tất yếu lịch sử.
Trong nhiều luận điểm đó, nếu chỉ cần nhận thức được rằng chủ nghĩa xã hội (hay cách diễn đạt nào khác có nội hàm tương tự) là khát vọng của nhân loại trong hàng ngàn năm qua thì chúng ta sẽ thấy rằng chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản không thể là lỗi thời. Việc Đảng ta kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thời đại và với nguyện vọng của đông đảo nhân dân.
Do vậy, bản lĩnh của người tiếp nhận các loại thông tin xấu độc như nêu trên là biết phân tích, đánh giá, biết xác định đâu là đúng đắn, đâu là sai lầm, để từ đó không tin theo, không lan truyền rộng rãi, không dao động và không “tự chuyển hóa”; ở tầm cao hơn, chẳng hạn là các đảng viên cao tuổi đảng, đảng viên công tác ở các lĩnh vực xây dựng Đảng, giáo dục…, các cấp ủy viên…, với các luận điểm sai lầm thì “có thể” (thậm chí là “phải”) khẳng định sai lầm ở đâu, phản bác như thế nào, bằng những cách thức gì và ở những kênh nào…
Bản lĩnh đó thực ra không tự nhiên mà có. Trước hết, mỗi người phải tự trang bị cho mình kiến thức đầy đủ, chắc chắn về nhiều lĩnh vực, nhất là ở những vấn đề mang tính nguyên tắc, nền tảng; thí dụ, cán bộ, đảng viên phải nắm vững những vấn đề về triết học Mác - Lênin, về chủ nghĩa xã hội khoa học, về lịch sử Đảng, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về tình hình thực tiễn của phong trào cộng sản và công nhân trên thế giới, về thành tựu và cả các hạn chế của tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay… Đồng thời, mỗi người phải có hoài nghi khoa học để tự “lượng” được độ xác thực, tính chất, giá trị của các thông tin mà mình tiếp cận được, chứ không được vội tin, vội lan truyền. Không chỉ vậy, bản lĩnh của mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên, là phải tích cực lan tỏa các thông tin có ích và mạnh dạn đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc, bằng những hình thức phù hợp, trong tâm thế trách nhiệm và hăng hái.
Có thể nói, bối cảnh thông tin đa chiều hiện nay đòi hỏi mỗi người sử dụng không gian mạng nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng phải thực sự có bản lĩnh khi tiếp nhận và xử lý thông tin để bảo đảm mình lĩnh hội được thông tin có ích và tránh làm lây lan thông tin xấu độc đến người khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét