Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Về mặt pháp lý, Điều 3, Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Trên cơ sở Hiến pháp, các quy định về quyền con người tiếp tục được quy định cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Bảo đảm quyền con người là một trong những căn cứ quan trọng để xây dựng pháp luật.
Điều này được quy định cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xây dựng hằng năm trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Việt Nam đã đưa ra nhiều đạo luật mới nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người như Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Báo chí năm 2016…
Các luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo các quyền cơ bản cho công dân, bảo vệ tự do ngôn luận, tín ngưỡng, tôn giáo và quyền riêng tư. Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách để giảm bớt tình trạng bạo lực gia đình, khuyến khích tình nguyện giúp đỡ và bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo hành và lạm dụng…
Việt Nam luôn xác định bảo đảm an ninh con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển đất nước. Những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật, kịp thời luật hoá các quy định tại những Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc thúc đẩy, bảo đảm quyền con người.
Trong thực tiễn, dù đời sống xã hội nhiều khó khăn nhưng quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm một cách phù hợp với tình hình đất nước. Với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, chúng ta đã phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói, giảm nghèo. Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển con người như: tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%; đã hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có nhiều mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn, được đánh giá là điểm sáng; giáo dục và đào tạo ở những vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng hơn; giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em 5 tuổi...
Trong Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2023 vừa được Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65. Báo cáo này được xây dựng dựa trên số liệu được thu thập từ người dân tại hơn 150 quốc gia về các tiêu chí: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức về tham nhũng. Nhìn vào đây, chúng ta có thể thấy được tình hình nhân quyền tại Việt Nam không hề xấu như những gì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá và lẽ ra, những thông số tích cực đó cần được đưa vào báo cáo nhân quyền.
Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại, trao đổi thẳng thắn với Hoa Kỳ về những vấn đề còn khác biệt
Sau khi bình thường hoá và thiết lập quan hệ ngoại giao, từ năm 1995 đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đẩy mạnh hợp tác song phương trên cơ sở tin cậy, tôn trọng lẫn nhau. Hiện nay, mối quan hệ giữa hai quốc gia phát triển một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, văn hoá, giao lưu nhân dân… Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại, trao đổi thẳng thắn và cởi mở trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn khác biệt nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại thường căn cứ những thông tin phiến diện, một chiều, không chính xác để làm căn cứ đưa ra các bản Báo cáo nhân quyền hằng năm. Điều này không phù hợp với mối quan hệ đối tác toàn diện đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đang nỗ lực xóa bỏ, thu hẹp những rào cản để nâng cao tầm quan hệ hai nước, phát triển bền vững. Một trong những rào cản chính trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là những khác nhau về quan điểm, đánh giá các vấn đề như nhân quyền, dân chủ, dân tộc, tôn giáo… Trong thời gian qua, hai nước đã nỗ lực hợp tác và giải quyết những rào cản này bằng cách tăng cường đàm phán và trao đổi thông tin.
Do đó, vượt qua rào cản về định kiến “nhân quyền”, đồng thời trên tinh thần bình đẳng và hợp tác, cần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia. Giữ gìn môi trường hợp tác lành mạnh, đoàn kết với xu thế hòa bình, thịnh vượng là điều mà không chỉ riêng Việt Nam, Hoa Kỳ mà tất cả các quốc gia trên thế giới đang hướng đến.
TT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét