Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

CÁC SẢN PHẨM VĂN HÓA XẤU ĐỘC CÓ NGUY CƠ LÀM THA HÓA NHÂN CÁCH QUÂN NHÂN

 Trong bối cảnh hiện nay, ngoài những hiện tượng tiêu cực của xã hội tác động đến tâm lý, tình cảm của bộ đội, các thế lực thù địch cũng ra sức lợi dụng không gian mạng, dùng mọi thủ đoạn tinh vi, thâm hiểm nhằm thẩm thấu những nội dung, sản phẩm văn hóa xấu độc vào môi trường Quân đội, hòng làm cho quân nhân chạy theo ham muốn tầm thường, từ đó nhạt phai lý tưởng, xa rời mục tiêu chiến đấu. Do đó, việc phòng, chống văn hóa xấu độc vào môi trường Quân đội là việc làm quan trọng, cấp thiết hiện nay.

Trong văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế”(1). Đảng ta cũng kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những nhận thức, hành vi phi giá trị, phản văn hóa (gọi chung là sản phẩm văn hóa xấu độc): “Đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, góp phần xây dựng xã hội an ninh, an toàn, dân chủ, tiến bộ”(2). Điều đó cho thấy, trong tiến trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Đảng ta chủ trương thực hiện phương châm vừa “xây”, vừa “chống”; phải kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”. Chính vì vậy, phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa xấu độc vào Việt Nam nói chung, vào các đơn vị Quân đội nói riêng là vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay. Có thể thấy sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa xấu độc vào đơn vị Quân đội thường thông qua một số con đường sau:

Thứ nhất, xâm nhập thông qua việc quân nhân sử dụng internet và mạng xã hội. Các thế lực thù địch tận dụng tối đa những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại để tán phát sản phẩm văn hóa xấu độc trên internet và mạng xã hội với nhiều chiêu thức mới, tinh vi. Thông qua internet và các nền tảng mạng xã hội mà quân nhân sử dụng, các sản phẩm văn hóa xấu độc trôi nổi tràn lan trên không gian mạng có thể thẩm thấu, tác động và gây ảnh hưởng xấu đến nhân cách quân nhân.

Thứ hai, xâm nhập thông qua hoạt động giải trí vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. Tưởng chừng như sản phẩm văn hóa xấu độc không thể xâm nhập bằng con đường này vào đơn vị, nhưng thực tế vẫn xảy ra. Một bộ phận quân nhân vẫn lén lút, tùy tiện nghe, xem các sản phẩm nghệ thuật thiếu lành mạnh như xem phim bạo lực, khiêu dâm, sản phẩm nhạc chế với lời lẽ thô tục.

Thứ ba, xâm nhập khi cán bộ, chiến sĩ được đi phép, tranh thủ, làm nhiệm vụ độc lập và công tác xa. Đây là con đường xâm nhập nhanh nhất, có tính chủ động nhất và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của nhân cách quân nhân. Sau thời gian dài sống và làm việc trong môi trường chính quy, kỷ luật, khi được đi phép, tranh thủ, nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì quân nhân thường tìm cách để “xả hơi” và sẵn sàng tiếp cận, thu nạp các sản phẩm văn hóa xấu độc.

Về phương thức, cơ chế xâm nhập là “mưa dầm thấm lâu”, chủ yếu là bí mật (trong các hội nhóm kín trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, Viber, Instagram...) trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay; các sản phẩm văn hóa xấu độc có cơ chế lây lan theo cấp số nhân với tốc độ nhanh và khó kiểm soát. Các sản phẩm văn hóa xấu độc xâm nhập vào đơn vị Quân đội “ngấm” dần vào tâm lý, sở thích, kích thích những ham muốn vật chất tầm thường của mỗi quân nhân, qua đó từng bước làm thay đổi các thang giá trị phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, làm cho một số quân nhân xao nhãng mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, lơ là chức trách, nhiệm vụ được giao; khơi dậy bản năng thấp hèn, chạy theo lạc thú, lợi ích vật chất tầm thường./.

                                                                                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét