Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

Chủ động phê phán, đập tan các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở nước ta

Trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá, vu cáo, phủ nhận thành quả dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, để tăng cường phản bác một cách hệ thống, có lý lẽ cả về lý luận và thực tiễn, cần tập trung thực hiện một số công việc sau: Một là, xem xét, nhận diện, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện âm mưu, thủ đoạn và xác định rõ bản chất của các luận điệu xuyên tạc, nền tảng, mục tiêu, phương thức, chủ trương, công cụ chống phá của các thế lực thù địch(1). Về mặt bản chất, các luận điệu đó phản ánh cuộc đấu tranh về tư tưởng chính trị - pháp lý giữa giá trị tư tưởng XHCN và tư sản trên lĩnh vực dân chủ và nhân quyền. Đây là đặc điểm có tính bản chất chi phối trong cuộc đấu tranh này, không chỉ hiện hữu ở những đối tượng phân định rõ thành chiến tuyến địch - ta, mà còn nằm ngay trong nhận thức của mỗi người và mỗi tổ chức. Vì thế, các tầng lớp nhân dân, trước tiên là mỗi cán bộ, đảng viên đều là chủ thể đấu tranh với các thế lực thù địch trên lĩnh vực này. Trong phương thức đối thoại, đấu tranh cần coi trọng biện pháp tư tưởng chính trị, như tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, tích cực phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và coi trọng cách thức kết hợp đối thoại với đấu tranh và ngược lại. Về nền tảng tư tưởng: Là hệ tư tưởng tư sản với nội dung cơ bản là quan niệm một cách phiến diện, có khi tuyệt đối hóa quyền cá nhân và các quyền dân sự, chính trị đến mức đồng nhất chúng với quyền con người nói chung; coi nhẹ quyền của tập thể, của dân tộc và chủ quyền quốc gia; coi nhẹ tính bình đẳng của các chủ thể quyền và các nội dung quyền, nhất là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa vốn chiếm vị trí cơ bản và là yêu cầu có tính bức thiết đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Về mặt chính trị, đây là biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc về văn hóa, coi tư tưởng nhân quyền phương Tây mang tính phổ quát toàn nhân loại, thậm chí cao hơn chủ quyền quốc gia. Về mục tiêu và phương thức hoạt động: Tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận các giá trị lý luận - thực tiễn về dân chủ, nhân quyền để chống phá nền tảng tư tưởng XHCN ở Việt Nam. Tiến hành các hoạt động chống phá thực tiễn bảo đảm dân chủ, nhân quyền trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, dân tộc, thông tin, báo chí, truyền thông, giáo dục - đào tạo, văn hóa - nghệ thuật, tư pháp,... kể cả hợp tác quốc tế, nhằm thúc đẩy sự chệch hướng XHCN của công cuộc đổi mới ở nước ta. Tuyên truyền, ca ngợi các giá trị của nhân quyền tư sản nhằm kích động, cổ vũ việc phân hóa, chuyển hóa tư tưởng chính trị XHCN đồng thời thúc đẩy “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” sang tư tưởng nhân quyền tư sản - mà hiện nay thường được gọi là “giá trị phương Tây” - trước tiên trong nội bộ Đảng, Nhà nước. Tạo dựng “ngọn cờ” về dân chủ, nhân quyền thông qua việc tuyên truyền, ca ngợi, trao giải thưởng cho nhiều nhân vật chống đối nhằm kích động hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong, ngoài nước và tìm cách xác lập cơ chế “đa nguyên, đa đảng” trong thực tế ở nước ta. Về chủ trương chống phá: Lấy chống phá về chính trị, tư tưởng làm khâu đột phá; lấy mua chuộc kinh tế làm mũi nhọn; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo làm ngòi nổ; dùng ngoại giao, đầu tư kinh tế để hỗ trợ, hậu thuẫn. Về công cụ chống phá: Các thế lực thù địch sử dụng truyền thông đại chúng, đặc biệt là in-tơ-nét, xuất bản, báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam để xuyên tạc, kích động về tư tưởng, chính trị. Họ lợi dụng một số sai sót trong hoạt động quản lý của Nhà nước để xuyên tạc, kích động khiếu kiện, biểu tình trái phép. Họ tổ chức các hội thảo để xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử, tuy âm thầm nhưng tác hại lâu dài thực sự rất thâm độc. Các thế lực thù địch dùng chiêu bài “mớm lời”, “rắc thính”, kích động để gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, suy thoái về tư tưởng, chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn, tổ chức khủng bố “Việt Tân”, “Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam”, “Cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Hà Lan”, “Liên hội người Việt tỵ nạn tại Đức”,... với sự phụ họa của một số cơ quan báo chí nước ngoài tập trung công kích, xuyên tạc cái gọi là: Nhân quyền gắn với xã hội tư sản, còn quyền con người là quyền tập thể gắn với CNXH. Hai là, vạch rõ tính hạn chế và mâu thuẫn của các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở trong nước thường nhại lại những luận điệu của một số tổ chức quốc tế và một số nước phương Tây. Các luận điệu đó, như “Phúc trình Toàn cầu 2021” của HRW có hạn chế lớn là dựa trên những thông tin được thu thập theo kiểu cóp nhặt, cắt xén rời rạc, nghiên cứu không sâu nên phiến diện và xuyên tạc. Tính vô lý và mâu thuẫn của các luận điệu này là xuất phát từ ý thức hệ chính trị phương Tây, “coi nhân quyền cao hơn chủ quyền” và bị chi phối bởi nguồn kinh phí hoạt động của những cá nhân, tổ chức dân sự nước ngoài không thiện chí với Việt Nam và theo cơ chế thị trường, nên chúng mang màu sắc chính trị thực dụng, vụ lợi, nhiều khi chống đối công khai, trắng trợn và quyết liệt. Vì thế, chúng dễ gây ra phản ứng tiêu cực trong dư luận Việt Nam và cả thế giới. Ba là, các luận điệu từ phía các tổ chức quốc tế và một số nước phương Tây xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng điều ước và nguyên tắc quốc tế về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Cụ thể là vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác theo Điều 2, Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và Nghị quyết số 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng như trong nhiều điều ước quốc tế về nhân quyền. Theo Nghị quyết số 2625: Không quốc gia nào hay nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vì bất kỳ lý do gì vào công việc đối nội và đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào khác. Can thiệp vũ trang và tất cả các hình thức can thiệp hay đe dọa chống lại tư cách của quốc gia hay chống lại các đặc trưng chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia đó - đều là vi phạm luật pháp quốc tế(2). Mâu thuẫn nội tại của các luận điệu đó là nhân danh nhân quyền phổ quát nhưng lại không tuân theo nguyên tắc điều chỉnh của luật nhân quyền quốc tế đối với chủ quyền quốc gia và trách nhiệm quốc gia. Chẳng hạn, theo Điều 1 của hai công ước quốc tế năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như theo “Tuyên bố về các nguyên tắc của luật quốc tế, điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc” (năm 1970) như: Tôn trọng chủ quyền quốc gia về lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và chính sách đối ngoại; sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia; bình đẳng chủ quyền của các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc; không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác; giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình; các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau;.... Xuất phát từ những nguyên tắc đó, Nhà nước Việt Nam, trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quy định rõ các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên của những cơ quan đó phải tôn trọng pháp luật và phong tục, tập quán của Việt Nam; không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam và Nhà nước Việt Nam cũng luôn và không ngừng hành xử như vậy trong quan hệ quốc tế cả quan hệ song phương và đa phương. Một yêu cầu pháp lý cơ bản của các nguyên tắc này của Liên hợp quốc là các nước, các tổ chức quốc tế có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và toàn vẹn chính trị của một quốc gia. Thế nhưng, chẳng hạn trong bản “Phúc trình nhân quyền năm 2021”, HRW vẫn cáo buộc vô căn cứ về cái gọi là “Việt Nam lo sợ dân chủ, truyền thông độc lập và các quyền tự do”. Thực tế qua những phiên tòa xét xử công khai đối với Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy hay Phạm Chí Thành, Trần Đức Thạch thì họ đều là những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật cụ thể và việc cơ quan chức năng thi hành lệnh khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử công khai là việc làm cần thiết của một quốc gia có chủ quyền, nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm của họ gây ra đối với xã hội. Tại tòa án, những người này đều thừa nhận các kết luận của hội đồng xét xử về những tội danh của mình. Vậy mà tổ chức này vẫn tiếp tục bao che, dung túng cho những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, sử dụng mạng xã hội vi phạm an ninh con người, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cổ xúy tuyên truyền cho những hành động chống phá đất nước và con người Việt Nam. Nhiều luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam nhất mực xuất phát từ lăng kính ý thức hệ chính trị phương Tây để cho rằng, “những vụ bắt xử lý nói trên là để bảo đảm Đại hội Đảng lần thứ XIII diễn ra suôn sẻ và không bị các tiếng nói bất đồng chống đối” thì chúng tự mâu thuẫn với nguyên tắc pháp quyền mà họ rao giảng. Tại Việt Nam, để thực thi công lý, không phải đợi đến thời gian gần Đại hội Đảng, mà bất kỳ ai vi phạm pháp luật hình sự, có hoạt động chống phá đất nước, đều bị cơ quan bảo vệ pháp luật truy tố, điều tra, xét xử công khai, nghiêm minh tại tòa án theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Bốn là, các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền không phản ánh đúng thực tế khách quan về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Nguyên nhân cơ bản của hạn chế và mâu thuẫn trong các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam là nhân danh nhân quyền phổ quát toàn cầu với cách tiếp cận mang đẫm màu sắc ý thức hệ chính trị của phương Tây cùng hành động thực dụng và động cơ chống đối công cuộc đổi mới ở nước ta. Trái với những luận điệu cáo buộc ngụy biện, trơ trẽn đó, thực tế Việt Nam đã và đang chứng thực sinh động sự tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy dân chủ, nhân quyền trong điều kiện tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Trong năm 2020, 2021 ngay trong khi đại dịch COVID-19 hoành hành trên thế giới và ở Việt Nam, hàng loạt chính sách an ninh con người, an sinh xã hội được Chính phủ Việt Nam ban hành nhằm bảo đảm an ninh lương thực và ổn định cuộc sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Chẳng hạn như gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng(3) là giải pháp cấp bách, kịp thời, không chỉ giảm thiểu tối đa tác động của đại dịch COVID-19 đối với quyền sống, quyền được chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân, mà còn một lần nữa khẳng định mạnh mẽ tinh thần “đặt lợi ích của người dân lên trên hết”. Trong hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh và thiên tai, những chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời đối với người dân là nền tảng để bảo vệ các quyền con người, đồng thời cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy dân chủ, nhân quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét