Liệt sĩ Nguyễn Thị Diện sinh năm 1947, trong 1 gia đình sáu chị em. Năm 1968, khi 21 tuổi, chị tham gia thanh niên xung phong, sau đó chuyển sang Đội sản xuất C25, Công ty Đường sắt 769, hoạt động ở Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Ở đơn vị, chị Diện gặp gỡ anh Đặng Văn Cự, sinh năm 1946, quê xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, cả hai yêu thương nhau.
Cuối năm 1972, trong lá thư gửi về gia đình, chị Diện viết: "Con dự định cắt phép sau 4 năm công tác vào dịp Tết Nguyên đán 1973 để đưa chàng rể miền Bắc về ra mắt...". Tuy nhiên, hơn một tuần sau, gia đình nhận tin chị Diện, anh Cự trong lần đi thuyền qua sông Đò Vàng (Quảng Bình) đã bị máy bay Mỹ đánh tấn công và hy sinh.
Sau 50 năm tìm kiếm phần mộ và cơ duyên gặp trời định khiến gia đình 2 bên gặp nhau thì ngày 3/4/2022, gần 10 người thân của anh Đặng Văn Cự sắm sửa cau trầu, rượu, bánh phu thê..., lái xe từ Bắc Giang vào nhà gái ở Nghệ An để thưa chuyện.
Đại diện nhà trai trình bày nguyện vọng muốn được tổ chức đám cưới cho đôi trai gái hy sinh trong thời chiến. Đáp lễ, ông Tường em trai chị Diện - đại diện nhà gái, thắp hương vái gia tiên thông báo, "xin ý kiến của chị".
Sau khi nhà gái chấp nhận lời thưa chuyện của nhà trai, quan viên hai họ sửa vài mâm cơm ngay tại nhà ông Tường, theo đúng nghi lễ đám cưới. Ngày 5/4, đại diện người thân hai họ tới nghĩa trang liệt sĩ phường Hải Thành, TP Đồng Hới, nơi phần mộ chị Diện và anh Cự kề nhau, để thắp hương.
Trên hai phần mộ được ốp đá màu đỏ tươi, họ bày biện bánh kẹo, hương, cau trầu, khấn xin anh chị ở nơi xa cùng về chứng kiến lễ kết duyên. "Anh, chị từng yêu thương nhau nhưng chưa kịp kết hôn. Giờ đây người dương làm việc này là để người đã khuất luôn được ở bên nhau", ông Tường nhớ lại lời khấn.
Đám cưới cho hai liệt sĩ hôm đó không ồn ào, nhưng những ai có mặt đều rưng rưng. Sau lễ cưới, đại diện nhà trai đã mời nhà gái ra Bắc Giang chứng kiến lễ nhập gia phả cho cô dâu là liệt sĩ Nguyễn Thị Diện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét