“Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng,
Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và
lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà
nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục
tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng
lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”(1). Sự
lãnh đạo toàn diện của Đảng là điều kiện tiên quyết để bảo đảm nhân dân làm chủ
đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nhân dân làm chủ đất
nước là đặc trưng cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa là phương thức, phương tiện quan trọng hàng đầu để Đảng lãnh
đạo đất nước và nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “trong mọi công việc của Đảng
và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thực
sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực
hiện phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát,
dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát
từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh
phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(2). Quyền làm chủ
đất nước của nhân dân là bản chất và cốt lõi của nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hành dân chủ xã hội chủ
nghĩa là sự phản ánh ý chí của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân
được pháp luật thừa nhận, khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân, sử dụng hệ thống
thể chế để bảo đảm giữ vững lòng dân với tư cách là chủ nhân của đất nước. Đồng
chí khẳng định: “bản chất cốt lõi nhất của dân chủ là bảo đảm để quyền lực thực
sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”(3). Đây là một
luận điểm phản ánh đặc trưng bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đó là:
vì nhân dân, lấy nhân dân làm gốc, làm chủ, làm lực lượng quyết định toàn bộ sự
nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Luận điểm này được kế thừa từ truyền
thống “lấy dân làm gốc”, coi trọng sức dân trong lịch sử hàng nghìn năm dựng
nước và giữ nước của dân tộc ta; là sự vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí
Minh về dân chủ trong thời đại mới; phản ánh quan điểm xuyên suốt, thống nhất
của Đảng ta với tư cách là lực lượng tiên phong, tiên tiến, lãnh đạo đất nước
và xã hội trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Tổng Bí thư chỉ rõ:
“Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động
lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”(4).
Dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện ở chỗ, nhân dân có quyền
làm chủ, tham gia giải quyết công việc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội,
từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội,... Chẳng hạn, trong quản lý phát
triển xã hội, dân chủ thể hiện rõ nhất ở việc người dân cùng với Nhà nước tham
gia giải quyết các vấn đề xã hội, như việc làm, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã
hội, phúc lợi công cộng... Người dân chẳng những là đối tượng thụ
hưởng chính sách, mà còn là đồng chủ thể với Nhà nước trong
xây dựng, hoạch định chính sách và đánh giá việc thực hiện chính sách. Quy chế
Dân chủ ở cơ sở khẳng định vai trò của người dân ở cơ sở: dân biết, dân bàn,
dân làm, dân kiểm tra; đến Đại hội XIII của Đảng bổ sung nội dung “dân giám
sát” và “dân thụ hưởng” lợi ích. Người dân được bảo đảm các điều kiện, như bảo
đảm dân sinh, dân quyền; nâng cao dân trí; thực hiện dân chủ... Tổng Bí thư
thường xuyên nhắc nhở: “Cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, tôn trọng và
bảo đảm những quyền công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định, các cấp
ủy đảng, các cơ quan nhà nước cần động viên, tổ chức nhân dân tham gia rộng rãi
và thường xuyên vào các công việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội... Đối với
những chủ trương có quan hệ trực tiếp tới đời sống nhân dân, cấp ủy đảng cần
lắng nghe ý kiến nhân dân trước khi quyết định. “Dân biết, dân bàn, dân làm,
dân kiểm tra, giám sát” phải trở thành khẩu hiệu hành động, thành phương châm
công tác vận động quần chúng. Phải thực hiện đúng nguyên tắc: Chính sách của
Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của nhân dân... nêu cao
tinh thần phục vụ nhân dân, có ý thức và thái độ đúng đắn với nhân dân, yêu
thương, gần gũi, tôn trọng, lắng nghe nhân dân”(5).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Phát huy tính tích cực
chính trị - xã hội, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh
đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và
các tổ chức chính trị - xã hội”(6); “tạo mọi điều kiện để nhân dân
phát huy quyền làm chủ, tham gia có hiệu quả vào việc quản lý nhà nước, quản lý
xã hội”(7). Điều này có nghĩa là, ở phương diện cá nhân, mỗi con
người trong tư cách công dân là một con người chính trị, có quyền tham gia vào
đời sống chính trị, có quan điểm, chính kiến rõ ràng, có quyền được thông tin
và cơ hội tiếp cận thông tin, quyền bảo lưu ý kiến theo nguyên tắc tập trung
dân chủ, phù hợp với pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Đảng, quy định, quy
chế của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội mà mình tham gia với tư cách
là thành viên. Ở phương diện xã hội, đó là quyền tham gia xây dựng, đánh giá
đường lối, chính sách, trong xây dựng thể chế và kiểm soát quyền lực. Bên cạnh
đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, dân chủ xã hội chủ nghĩa phải gắn
với công bằng và bình đẳng xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay
trong từng bước, chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Công bằng xã
hội không chỉ là công bằng, bình đẳng trong phân phối lợi ích, mà còn là công
bằng, bình đẳng về cơ hội phát triển dành cho tất cả mọi
người, không có sự phân biệt. Đây là những đặc trưng làm nên sự khác biệt của
nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam so với các nền “dân chủ tự do” khác.
Tổng Bí thư phân tích và chỉ rõ: “Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công
thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới
không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân
dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ. Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc
về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ
phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải,
tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương
tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội... Sự rêu
rao bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng
về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là
hình thức, trống rỗng mà không thực chất. Trong đời sống chính trị, một khi
quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn
át. Vì vậy mà tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là
“tự do”, “dân chủ”, dù có thể thay đổi chính phủ, nhưng không thể thay đổi được
các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên
chế của các tập đoàn tư bản”(8).
Với những đặc trưng ưu việt đó, dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một chế độ dân chủ thực sự; phản ánh đầy đủ tính pháp lý, tính chính trị và mang tính nhân dân, tيnh nhân văn sâu sắc. Đó là nền dân chủ “lấy con người làm trung tâm”, “thực sự vì con người”. Chính vì lẽ đó, Tổng Bí thư khẳng định: “xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”(9).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét