Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIÊN CỦA ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM CÔNG BỐ NĂM 1943

 

          Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được công bố năm 1943, là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn và ý nghĩa lịch sử sâu sắc của Đảng ta, được coi là Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng. Đề cương văn hóa Việt Nam là ngọn đuốc soi đường và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc, tiến lên xây dựng chế độ mới, nền văn hóa mới.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24-11-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát định hướng của văn hóa mới bằng một luận điểm rất sâu sắc là: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Sau đó là văn hóa kháng chiến, kiến quốc, văn hóa tham gia vào đời sống mới, sửa chữa thói hư tật xấu cho cán bộ, chống tham nhũng, làm cho dân tộc Việt đoàn kết, tự cường bằng cách nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí. Tinh thần ấy trở thành đạo đức xã hội “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, đã tập hợp mọi lực lượng xã hội, tôn giáo, đảng phái cho mục đích giành độc lập dân tộc, là phương châm hành động tất cả cho tiền tuyến, tiếng hát át tiếng bom, là động lực tinh thần và nguồn lực phát triển nhằm mục đích vì hòa bình, tự do, dân chủ, vì sự phồn vinh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Đây không phải là văn hóa ứng dụng mà là văn hóa hành động, là lối sống của cả xã hội, là đạo đức của thời đại chứ không phải chỉ là những nghiên cứu lý thuyết xa rời thực tiễn. Cái đích của đường lối văn hóa mới đã nói lên bản chất vấn đề.

Có thể khẳng định, Đề cương về văn hóa năm 1943 là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, đề cập toàn diện và sâu sắc những vấn đề mang tính chất nền tảng về nguyên tắc, phương châm, phương hướng. Tròn 80 năm qua, bối cảnh tình hình và điều kiện cụ thể có nhiều thay đổi nhưng những nội dung cốt lõi trong Đề cương vẫn giữ nguyên giá trị.

Tiếp theo Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI được xem là những văn kiện quan trọng của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam. Các văn kiện này đã đề cập đến việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, đồng thời cụ thể hóa 3 nguyên tắc (dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa) trong phát triển văn hóa Việt Nam của bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943. Không chỉ các nghị quyết của Đảng mà các văn kiện, chiến lược, văn bản khác của Nhà nước cũng thường xuyên đề cập đến 3 nguyên tắc này. Điều đó chứng tỏ sức sống lâu bền của Đề cương văn hóa 1943.

Bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước hôm nay, nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú. Văn hóa trong chính trị và kinh tế được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong phần nói về văn hóa, đã nhấn những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc... và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc... sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam…; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;... phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Đảng ta đồng thời chỉ rõ, trung tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế. Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng.

Nhằm phát huy thành tựu và khắc phục nhanh những hạn chế, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về văn hóa. Khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế, mà ít quan tâm đến văn hóa. Hết sức coi trọng nhiệm vụ xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ mới. Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng, đồng thời tôn vinh tài năng và cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại…

Trải qua 80 năm, Đề cương vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và phát triển một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét