Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, các thế lực thù địch ngày càng tăng cường chống phá Đảng, đặc biệt chúng tập trung vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Đó chính là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng ta xác định kiên trì làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Chúng cho rằng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời, lạc hậu, chúng biết rằng chính nhờ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà chúng ta mới giành được độc lập, thống nhất đất nước và tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trong suốt quá trình đổi mới hơn 35 năm qua nhưng chúng luôn phủ nhận. Nhằm góp phần để bảo vệ giá trị nền tảng tư tưởng của Đảng, tác giả tập trung nghiên cứu giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người còn căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” . Điều đó cho thấy vai trò và sức mạnh to lớn của đạo đức cách mạng, của việc chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý thì công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên cần phải được chú trọng và tăng cường. Vì vậy, việc nghiên cứu học tập và vận dụng những tư tưởng của Bác về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là hết sức cần thiết và có ý nghĩa.
Theo Bác, đạo đức cách mạng là đạo đức hướng tới mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; là hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, dân tộc, với Cách mạng và với Đảng để không ngừng đấu tranh cho lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Đạo đức cách mạng, Bác nói tóm tắt là:
“Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.
Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.
Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.
Ra sức học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ” .
Bác đã từng nêu lên một chân lý vô cùng giản dị mà lại vô cùng sâu sắc. Đó là, muốn làm cách mạng thì phải có người cách mạng, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Đạo đức cách mạng là điều kiện hàng đầu, tiên quyết nhất, là sức mạnh bảo đảm cho người cách mạng có thể đi đến cùng để thực hiện lý tưởng và mục tiêu của mình. Bác cho rằng: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi, thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng” .
Cái cốt yếu của đạo đức cách mạng là phải chống chủ nghĩa cá nhân. Bác cho rằng: “chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng”
Bác nêu lên hệ thống giá trị đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, Người nhấn mạnh: đó là bốn đức của con người mà thiếu một đức thì không thành người. Người nói: có cần, kiệm, liêm chính thì mới chí công vô tư được. Người coi đó là nguyên tắc mà cũng đồng thời là phương châm xử thế của người cách mạng.
Từ sau năm 1945, sau khi lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, Bác đã đặt lên hàng đầu việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên vì Bác đã sớm tiên lượng về những căn bệnh của những người có chức, có quyền và sớm chỉ ra những biện pháp cần đề phòng, khắc phục. Không lâu, trước khi qua đời, Bác còn cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” . Để nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Bác chỉ ra các biện pháp sau:
- Thứ nhất, Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Vì Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng, của một nhóm người nào, cá nhân nào. Điều đó ai cũng biết.
- Thứ hai, Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật. Theo Bác, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng, nó là nguồn gốc của những căn bệnh làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hoá Đảng, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân thì cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn.
- Thứ ba, Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Trong quan niệm của Bác Hồ, muốn chăm lo được cho nhân dân thì phải nắm được dân tình, phải hiểu thấu dân tâm, phải biết được dân cần gì, dân thiếu cái gì, dân khổ cái gì. Bác nói: “Đi vào trong quần chúng, hiểu quần chúng, để biết được họ thiếu cái gì, cần cái gì, để rồi từ đó mà tìm cách thoả mãn nhu cầu quần chúng”.
- Cuối cùng, Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”. Muốn rèn luyện đạo đức cách mạng thì phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo. Không phải chỉ ở tại trường, có lên lớp, mới học tập, trong mọi hoạt động cách mạng chúng ta đều phải học tập, tự cải tạo. Nhất là học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, vì theo Bác “Có học tập lý luận Mác – Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình” . Đồng thời, cán bộ, đảng viên không ngừng học tập cả đường lối cách mạng, chính sách của Đảng và Nhà nước “Vì có nắm vững đường lối cách mạng, mới thấy rõ phương hướng tiến lên của cách mạng, mới hiểu rõ mình phải làm gì và đi theo phương hướng nào để thực hiện mục đích của Đảng trong giai đoạn cách mạng”
Bác Hồ không chỉ giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên bằng lời nói mà cái chính bằng tấm gương sống của bản thân mình. Nhờ kiên trì giáo dục, rèn luyện, thực hiện thống nhất giữa nói và làm, giữa đời công và đời tư, giữa đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường, … Bác đã cùng Đảng ta đào tạo nên bao nhiêu thế hệ chiến sĩ cách mạng trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; sẵn sàng hiến dâng đời mình cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với đạo đức cách mạng đã được Bác chỉ ra cuối những năm 60 của thế kỷ trước chỉ nằm trong một số ít cán bộ, đảng viên, Bác viết: “Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác.... Song bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém” .
Còn đối với hiện nay, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã chỉ ra một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Chính vì những hạn chế đó nên các thế lực thù địch lợi dụng, bôi nhọ, chống phá Đảng.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Đảng ta chỉ ra nhiều biện pháp trong đó kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu các cấp… .
Qua đây, chúng ta thấy những tư tưởng của Bác về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng trên đây có giá trị thực tiễn nóng hổi nhắc nhở chúng ta phải tiếp tục triệt để đấu tranh để khắc phục, loại trừ ra khỏi hàng ngũ những cán bộ, đảng viên có sự tha hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sa vào chủ nghĩa cá nhân… Mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện tốt việc học tập và rèn luyện đạo đức cách mạng bằng những hành động cụ thể sẽ góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét