GS.VS. Trần Đại Nghĩa là một nhà khoa học kiệt xuất, được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, tên tuổi ông trở thành huyền thoại đối với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.
Chiều 27/2, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) đã tổ chức Hội thảo "Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Cuộc đời và sự nghiệp". Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nhằm hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp hội (26/3/1983-26/3/2023) và 110 năm ngày sinh của GS. VS Trần Đại Nghĩa.
Cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp hội cho biết: Giáo sư, Viện sỹ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa là người mang trong mình tình yêu vô bờ với khoa học và tổ quốc, người đã biến tình yêu thành sức mạnh, sức chiến đấu mãnh liệt, góp phần không nhỏ vào công cuộc cách mạng giải phóng đất nước và cống hiến cho sự phát triển của nền khoa học nước nhà.
GS.VS. Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp (nay là xã Hòa Hiệp), huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Ông là một nhà khoa học kiệt xuất, được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, tên tuổi ông trở thành huyền thoại đối với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Những đóng góp của ông đối với công cuộc cách mạng Việt Nam vô cùng to lớn, nhưng cuộc đời ông lại hết sức bình dị, khiêm nhường.
Năm 2023 cũng chính là năm kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông. Cha ông là Phạm Văn Mùi, một nhà nho uyên thâm, một nhà giáo giàu lòng nhân ái, thương yêu học sinh, tận tụy với công việc.
Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, lại mồ côi cha từ khi mới 7 tuổi, song với tư chất thông minh và sự chăm chỉ, chịu khó, cậu bé Phạm Quang Lễ luôn luôn đạt kết quả học tập xuất sắc toàn diện, nhất là toán và các môn tự nhiên.
Năm 1926, Phạm Quang Lễ thi đỗ hạng ưu vào trường Trung học đệ nhất cấp Mỹ Tho, được nhận học bổng trong 4 năm học (1926 - 1930). Năm 1930, Phạm Quang Lễ thi đỗ vào Trường Petrus Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong, Tp. Hồ Chí Minh) và được học bổng 3 năm liền. Năm 20 tuổi (1933), Phạm Quang Lễ đã trở thành thủ khoa cả tú tài bản xứ và tú tài Tây, nhưng ông quyết định không ra Hà Nội để học tiếp mà đi làm ở Tòa sứ Mỹ Tho, hy vọng sẽ du học để thực hiện hoài bão còn đang ấp ủ. Tháng 9/1935, Phạm Quang Lễ sang Pháp du học khi tròn 22 tuổi.
Tháng 9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, được Hội Việt kiều giới thiệu và tiến cử. Ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã đề đạt nguyện vọng theo Người về nước để thực hiện ước mơ ấp ủ, biến những kiến thức mà ông đã tích lũy được trong 11 năm thành hiện thực để phục vụ sự nghiệp cứu nước.
Ông là người đầu tiên được Bác Hồ lựa chọn về nước cùng Người vào mùa thu năm 1946. Tài sản, của ông tích hơn mười năm ở nước ngoài khi trở về Tổ quốc là “một tấn” sách và tài liệu được đóng hòm, dán nhãn “ngoại giao” . Tháng 12/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho trọng trách: Cục trưởng Cục Quân giới - Bộ Quốc phòng (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam) kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu Quân giới - Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội (nay là Viện KH&CN Quân sự).
Cũng từ đây, cái tên Trần Đại Nghĩa được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh. Người nói: “Kháng chiến toàn quốc sắp tới nơi, Bác giao chú nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội. Đây là việc đại nghĩa, vì thế Bác đặt tên chú là Trần Đại Nghĩa. Đây là bí danh từ nay trở đi của chú, để giữ bí mật và cũng là giữ an toàn cho bà con thân thuộc của chú ở trong miền Nam. Bác tin chắc chú sẽ làm tròn nhiệm vụ”.
Với những cải tiến, sáng chế được tạo bởi Trần Đại Nghĩa, vũ khí của Việt Nam đã có sức công phá lớn, trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù. Các loại súng lớn, súng phóng bom, các loại mìn nổ chậm…đã gây cho kẻ thù bất ngờ, khiếp vía, kinh hoàng; giới vũ trang, quân sự quốc tế vô cùng ngạc nhiên, thán phục. Càng trong gian khó, tài năng về chế tạo vũ khí của Trần Đại Nghĩa càng tỏa sáng.
Và đặc biệt, với tài năng và đức độ hiếm thấy, Đảng và Nhà nước đã tiếp tục giao cho GS.VS Trần Đại Nghĩa nhiệm vụ quan trọng, đó là tạo dựng và phát triển ngôi nhà chung tập hợp đội ngũ trí thức, nhà khoa học của Việt Nam.
Nhà khoa học hết lòng phụng sự đất nước, Nhân dân
Thượng tướng Phạm Hòa Nam, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ: Trên các cương vị công tác, GS.VS Trần Đại Nghĩa luôn tận tụy, đức độ, bản lĩnh cống hiến tài năng, trí tuệ để góp phần xây dựng Ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược giành thắng lợi và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã có đóng góp không nhỏ vào thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam trên lĩnh vực kỹ thuật quân sự, công nghệ quốc phòng. Những đóng góp và đức độ của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đối với ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng đất nước là niềm tự hào đối với dân tộc. Đảng, Nhà nước và Quân đội đánh giá cao những đóng góp to lớn của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Theo PGS.TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực với các cương vị, chức vụ công tác khác nhau, dù ở bất cứ nơi đâu hay trong bất cứ hoàn cảnh nào, GS.VS. Trần Đại Nghĩa cũng luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Bằng năng lực, trí tuệ và tấm lòng trọn đời vì nghĩa lớn, GS.VS. Trần Đại Nghĩa đã có công lớn trong giai đoạn đầu xây dựng Viện Khoa học Việt Nam, định hướng, hình thành và phát triển các ngành khoa học của Viện, từ đội ngũ cán bộ đến cơ sở vật chất, từng bước khẳng định vai trò và vị trí của Viện trong và ngoài nước.
Cuộc đời và sự nghiệp của GS.VS. Trần Đại Nghĩa là một tấm gương sáng, để lại nhiều bài học sâu sắc cho những người làm khoa học về tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, với đất nước và nghị lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để vươn lên đạt đỉnh cao trong khoa học và công tác. Phẩm chất nổi bật của ông là tinh thần tự học và rèn luyện không mệt mỏi. Tài năng, nhân cách và cuộc đời hoạt động của ông đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm khảm của các thế hệ cán bộ, các nhà khoa học nước nhà nói chung và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói riêng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét