Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

"HẠNH PHÚC" LÀ ĐÍCH ĐẾN, LÀ CON ĐƯỜNG MÀ TOÀN NHÂN LOẠI HƯỚNG TỚI

 “Hạnh phúc là đấu tranh” - Câu trả lời khi con gái của C.Mác hỏi cha tưởng như đơn giản, nhưng chứa đầy những tư tưởng lý luận và thực tiễn trong toàn bộ cuộc đời C.Mác, cuộc đời người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học, chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới, suốt đời không ngừng nghỉ nỗ lực tranh đấu vì hạnh phúc cho mọi người.

Có lẽ, khi đi sâu vào phân tích câu trả lời tưởng như rất giản dị này ở khía cạnh đấu tranh giai cấp, C.Mác cho rằng, đó chính là sự tự do, là được làm chủ, quyết định vận mệnh và hướng tới xây dựng các giá trị cao đẹp, không chỉ cho cá nhân, mà còn các quốc gia, của toàn thế giới. Để có được hạnh phúc thì phải tiến hành đấu tranh để giành lấy, cho dù sẽ rất gian khổ, lâu dài. Đích đến của hạnh phúc nhân loại chỉ có được khi giai cấp vô sản đã hoàn thành thắng lợi cuộc đấu tranh cách mạng trên phạm vi toàn thế giới, xác lập thành công chủ nghĩa cộng sản.
Chọn nghề mang lại hạnh phúc cho nhân loại
Xuất thân trong gia đình trung lưu tại thành phố Trier cổ kính miền Tây nước Đức, nơi mà những năm 20-30 của thế kỷ XIX đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng dân chủ cách mạng của cuộc Cách mạng tư sản Pháp 1789, C.Mác đã sớm bộc lộ khả năng sáng tạo, độc lập trong học tập và lối sống giản dị, nhân ái. Năm 23 tuổi, C.Mác lấy bằng Tiến sỹ, dự định làm giáo sư triết học và công tác tại trường đại học ở Bon, tuy nhiên ông đã chuyển hướng sang viết báo và hoạt động đấu tranh cách mạng khi Vua Vimhem IV bội ước, tuyên bố bác bỏ mọi cải cách lập hiến. C.Mác đã từng gia nhập phái Hêghen trẻ, sau đó đã tự “lột xác”, chuyển lập trường từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, để rồi chuyển từ dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản.
Được sinh ra trong môi trường tốt, hoàn toàn có thể lựa chọn con đường đi bằng phẳng với cuộc sống an nhàn, nhưng với tư chất của bản thân khi được gia đình giáo dục cẩn thận, với ảnh hưởng từ người cha Henric Mác là một Luật sư mang tư tưởng của chủ nghĩa tự do, cùng với sự tác động rất lớn từ những tư tưởng của phái Khai sáng Đức và Pháp, C.Mác luôn cho rằng, để có được hạnh phúc thì đấu tranh chính là con đường duy nhất trong một xã hội đầy rẫy những bóc lột, bất công và kìm hãm con người, và đương nhiên, chỉ có những kẻ khuất phục mới bất hạnh. Trong cuộc đấu tranh này, cần nghi ngờ và làm sáng tỏ bản chất của tất cả những lý thuyết chỉ để nhằm bảo vệ và duy trì hạnh phúc của một số ít người.
Ngay từ thời còn niên thiếu, trong bài luận văn thi ra trường khi mới 17 tuổi với tựa đề “Những suy nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề”, C.Mác đã đề cập hướng đi mà cả cuộc đời ông nỗ lực: “Nếu con người làm việc chỉ vì bản thân mình thì may ra có thể trở thành một nhà bác học nổi tiếng, một nhà thông thái vĩ đại, một nhà thơ ưu tú, nhưng không bao giờ có thể trở thành một con người thực sự hoàn thiện và vĩ đại…”, bởi thế: “… Nếu ta chọn nghề trong đó ta có thể làm việc được nhiều hơn cho nhân loại, thì ta sẽ không còng lưng dưới gánh nặng của nó, bởi vì đó là sự hy sinh vì mọi người”. Có lẽ, sự lựa chọn này là cơ sở để trí tuệ, nhân cách của C.Mác vượt ra khỏi định chế của xã hội đương thời.
Kiên định lựa chọn con đường kiếm tìm hạnh phúc, cho dù gặp nhiều gian nan, khốn khó
Cuộc đời của C.Mác là một hành trình đầy gian nan, cả về quá trình chuyển biến tư tưởng, thực tiễn tham gia đấu tranh lẫn hoàn cảnh gia đình riêng. Đối với cuộc đời đấu tranh cách mạng, sau khi từng bước phê phán và chỉ ra bản chất duy tâm phản động của triết học Hêghen về xã hội và nhà nước; nhận ra Phoiơbắc tuy đã có rất nhiều công lao trong việc hình dung ra con đường hiện thực, nhưng chưa thoát khỏi tính siêu hình, duy vật về tự nhiên, duy tâm về xã hội, C.Mác đã nhận ra bản chất của cái gọi là “khuôn khổ trật tự xã hội hiện thời” của chủ nghĩa tư bản với 2 căn bệnh “nan y” là bất bình đẳng xã hội và tàn phá môi trường sống. Với vai trò là chủ bút các tờ báo có tư tưởng tiến bộ, C.Mác đã tích cực tham gia luận chiến, phê phán mạnh mẽ chế độ chuyên chế phong kiến và tư bản và những “bức tường lý luận” nhằm bảo vệ nó. Nhiều tác phẩm kinh điển được ông cùng Ph.Ăngghen hoàn thiện như Luận cương về Phoiơbắc (1845), Gia đình thần thánh (1845), Hệ tư tưởng Đức (1846), Sự khốn cùng của triết học (1847), Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) chính là sự nối tiếp về nhận thức, để hình thành hệ thống lý luận khoa học và cách mạng cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chuyển từ “tự phát” lên “tự giác”. Đặc biệt, các tác phẩm lớn về sau như Bộ Tư bản - bộ tác phẩm kinh điển đã vạch rõ bản chất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, thực chất của quá trình sản xuất của chủ nghĩa tư bản, hay Chống Đuyrinh - phê phán các quan điểm sai trái, phản động đang len lỏi vào trong phong trào công nhân các nước châu Âu…
Về thực tiễn, khi phong trào công nhân có sự phát triển, C.Mác cùng Ph.Ăngghen trở thành những thành viên chủ chốt của “Liên minh những người chính nghĩa” - tổ chức tiền thân của phong trào công nhân. Ông cũng tích cực tham gia đấu tranh thực tiễn và góp phần chủ đạo trong việc hình thành “Tuyên ngôn thành lập Hội liên hiệp công nhân quốc tế” và “Chương trình hành động chung của Hội liên hiệp thanh niên quốc tế” khi là thành viên của Quốc tế 1 (1864), giúp đoàn kết giai cấp vô sản các nước, tích cực ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân. Trong giai đoạn này, C.Mác đã liên tục bị theo dõi, 4 lần bị trục xuất tại các nước Pháp, Bỉ, Đức, cuối cùng phải định cư và mất tại nước Anh, nhưng ông luôn không nản chí, quyết tâm không ngừng nghỉ từng bước hoàn thiện lý luận và tích cực tham gia đấu tranh thực tiễn nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng trong giai cấp công nhân.
Với hoàn cảnh gia đình riêng, cho dù được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình, thường xuyên bởi người bạn, người đồng chí Ph.Ăngghen; có được tình yêu, sự hi sinh vô bờ bến của người vợ - Gien-ny Mác, người đã bước đầu từ bỏ thế giới thượng lưu của mình để tiếp thêm cho ông nghị lực chiến đấu, nhưng cuộc đời của C.Mác dù đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp cách mạng và sáng tạo lý luận, lại gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, có những lúc rơi vào tình cảnh cùng cực về đời sống, thậm chí vì hoàn cảnh quá khó khăn nên đã cướp đi ba trong số bảy người con của ông. Song, với tinh thần không nao núng, với ý chí kiên định, niềm tin và lý tưởng lớn lao, C.Mác đã vượt qua được hoàn cảnh để đấu tranh không mệt mỏi vì hạnh phúc cho mọi người, cho quảng đại quần chúng cần lao. Ông đã làm đúng theo lời người cha răn dạy: “Con còn phải… sống một cuộc sống dài cho hạnh phúc của con và hạnh phúc của gia đình… và còn cho hạnh phúc của toàn thể nhân loại nữa”[1].
Những giá trị đích thực của hạnh phúc mà C.Mác mang lại cho nhân loại
Thứ nhất, C.Mác đã giúp thế giới nhận thức được nguyên nhân của bất hạnh đối với cá nhân, xã hội. Đó chính là sự áp bức, nô dịch của chủ nghĩa tư bản với mục tiêu là tối đa hóa lợi nhuận cho một thiểu số giai cấp bóc lột. Việc chỉ ra nguyên nhân này rất quan trọng, nhưng cần có cách nhìn nhận biện chứng đúng đắn, vì trước đó có nhiều nhà triết học đã chỉ rõ sự bất công và tha hóa trong xã hội là do nguyên nhân khách quan của trật tự tinh thần xã hội, do bản thân người lao động khi mà chủ nghĩa tư bản luôn che đậy bộ mặt bằng các giá trị “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”.
Thứ hai, C.Mác đã tìm được lực lượng để giải quyết những bất hạnh của con người một cách triệt để. Qua nhìn nhận các phong trào thực tiễn đấu tranh, ông đã chỉ rõ, chỉ có giai cấp công nhân mới chính là lực lượng chủ đạo để tiến hành cách mạng, xây dựng xã hội mới. Hệ thống lý luận của ông cùng Ph. Ăngghen vạch ra đã giúp giai cấp vô sản nhận ra được “vị thế” và “sứ mệnh” của mình để đấu tranh triệt để nhằm “cải tạo thế giới” vì hạnh phúc của nhân loại cần lao, thay vì chỉ “giải thích thế giới” theo cách của các nhà triết học, tư tưởng trước đó.
Thứ ba, cách thức, biện pháp để đạt được hạnh phúc chỉ có thể là đấu tranh cách mạng.C.Mác khẳng định cuộc đấu tranh này là không ngừng nghỉ, là qua nhiều giai đoạn, thậm chí có những giai đoạn rất khó khăn, nhưng thắng lợi tất yếu sẽ về tay giai cấp cần lao và nhân dân lao động. Cuộc đấu tranh này tất sẽ phải dùng nhiều hình thức đấu tranh, trong đó không loại trừ việc đấu tranh nghị trường - là hình thức đấu tranh trong hòa bình để giành chính quyền, nhưng bạo lực cách mạng luôn là một biện pháp cần thiết, vì chủ nghĩa tư bản sẽ không bao giờ chịu “buông bỏ lợi ích”. Cuộc đấu tranh này muốn đi đến thắng lợi cũng nhất định phải cần đến liên minh, nhất là với những người nông dân, nếu không, bài “đơn ca” cách mạng của giai cấp vô sản sẽ trở thành bài “ai điếu”.
Thứ tư, một xã hội thực sự hạnh phúc, C.Mác đã có được những phác họa ban đầu trong xã hội tương lai bằng những dự đoán khoa học. C.Mác chưa bao giờ khẳng định chắc chắn một xã hội đó sẽ có “hình hài cụ thể” như thế nào, nhưng với cách nhìn biện chứng, ông đã phác họa xã hội tương lai với những tất yếu của sự phát triển lịch sử xã hội. Đó sẽ là một xã hội mà “… trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[2].
Vậy, C.Mác có là người hạnh phúc không? Câu trả lời chắc chắn là có. Điều này xuất phát từ mấy lý do sau đây:
Thứ nhất, chủ nghĩa Mác đã được hiện thực hóa ở nước Nga - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, và từ đây, những cơn “bão táp cách mạng” đã và đang lan tràn trên toàn khắp các châu lục. Đến nửa đầu thế kỷ XX, đã có hơn 10 nước xã hội chủ nghĩa, chiếm gần 1/4 diện tích thế giới, với 1/3 dân số thế giới. Ở các nước tư bản phát triển, lực lượng Đảng cộng sản rất hùng mạnh, ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh của nhân dân...
Thứ hai, cho dù sau 74 năm tồn tại, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ, song giờ đây, sau một khoảng thời gian “ngấm” và “thấm” các “giá trị hạnh phúc phương Tây”, khi tiến hành khảo sát xã hội, đa số người dân Nga đều cảm thấy luyến tiếc về một thời kỳ hạnh phúc ấy. Phải chăng, giá trị mà “Hạnh phúc” đích thực đang được quay trở lại?
Thứ ba, ở ngay cả những nước được coi là “Tự do”, “Dân chủ”, và đương nhiên được cho là “Hạnh phúc” nhất, thì rất nhiều phong trào đấu tranh của nhân dân đang đồng loạt nổ ra, ngày càng tăng về quy mô, tiêu biểu như phong trào 99% và 1% ở Mỹ từ năm 2011, sau đó lan ra khắp các nước châu Âu.
Thứ tư, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại như Việt Nam, Trung Quốc, sau một thời kỳ Đổi mới, cải cách, đã thực sự đạt được thành tựu lịch sử, được thế giới và nhân dân trong nước ủng hộ, đa số nhân dân có được sự thay đổi, có điều kiện phát triển, cùng đoàn kết vươn lên, khiến uy tín của Đảng Cộng sản ngày một tăng lên.
Thứ năm, hãy nhìn vào thực tiễn ở chính các “Trung tâm hạnh phúc”: Năm 1999, hãng truyền thông BBC của Anh tiến hành bình chọn nhân vật lịch sử có ảnh hưởng nhất trong 1000 năm qua, kết quả là C.Mác đứng ở vị trí đầu tiên, các nhà khoa học Einstein, Newton và Darwin đứng lần lượt sau đó. Năm 2003, người dân Mỹ đã bình chọn tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là một trong 3 cuốn sách đứng đầu trong “20 cuốn sách làm thay đổi nước Mỹ”. Năm 2004, C.Mác đứng thứ 3 trong “Mười danh nhân vĩ đại trong lịch sử nước Đức” do người dân Đức bầu chọn. Có lẽ đến đây, các học giả tư sản có vắt óc cũng không trả lời được câu hỏi: Tại sao ngay ở những “cứ địa” mà lý luận của C.Mác phê phán nhiều nhất, mà uy tín của ông lại không ngừng tăng cao theo thời gian?
Ở Việt Nam, “Hạnh phúc” chính là thoát khỏi những tháng ngày đen tối trong sự thống trị của thực dân, phong kiến; là vươn lên thành người dân của một nước độc lập từ ngày 2/9/1945, và từng bước vượt qua hoàn cảnh “Ngàn cân treo sợi tóc”; là chiến thắng Điện Biên Phủ trên không “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954, để rồi nhân dân toàn miền Bắc quyết tâm thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời tiếp tục ra sức đấu tranh thống nhất 2 miền; là thống nhất đất nước bằng chiến thắng năm 1975 để cả non sông liền một dải sau 21 năm kháng chiến trường kỳ; là thành quả của công cuộc Đổi mới, để sau hơn 35 năm, đất nước ta từng bước thoát khỏi khủng hoảng, vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định 3 mốc mục tiêu: năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Có lẽ, đây chính là những mốc phấn đấu, mà từ đó “Hạnh phúc” sẽ tới được với đa số nhân dân lao động với một cái đích chung nhất: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Qua việc làm rõ những quan niệm cũng như con đường hướng tới “Hạnh phúc” của C.Mác, chúng ta có thể khẳng định, “Hạnh phúc” không chỉ là đích đến mà còn là con đường mà toàn nhân loại đang hướng tới, đấu tranh không ngừng nghỉ để đạt được. “Hạnh phúc” không chỉ cần có trong mỗi cá nhân, gia đình, mà còn phải có ở mỗi dân tộc và toàn thế giới. Ở Việt Nam, “Hạnh phúc” vừa thể hiện ở quá trình toàn thể nhân dân đoàn kết một lòng nhằm: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, đồng thời vừa thể hiện công cuộc đấu tranh với những lối mòn cũ kỹ, lạc hậu trong tư duy để vươn tới văn minh, tiến bộ; đấu tranh với vấn nạn tham nhũng, tiêu cực để bảo vệ công bằng và lẽ phải; đấu tranh với cái ác để bảo vệ cái thiện; đấu tranh với sự lệch lạc để bảo vệ sự đúng đắn… Lịch sử và tương lai chắc chắn sẽ là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Đinh Công Tuyến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét