Cuộc chiến chống tham nhũng là một cuộc chiến lâu dài, cam go, quyết liệt. Chính vì sự quyết tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã củng cố niềm tin trong Nhân dân và đó cũng chính là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Nhằm mục tiêu làm suy giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch xuyên tạc rằng: “Tham nhũng, tha hóa, biến chất là cái “phổ biến” và “tất yếu” của chế độ độc tài”.
Những đối tượng thù địch, cơ hội cho rằng: Chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tạo ra những xáo trộn, gây bất ổn trong hệ thông chính trị và tạo dư luận râm ran trong quần chúng nhân dân; làm mất tính ổn định, liên tục của hệ thống chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tốn công sức, thời gian, tiền bạc. Và đặc biệt, chống tham nhũng thì cả bên chống và những cán bộ trót đã “nhúng chàm” nhưng chưa bị phát hiện, chưa bị phanh phui đưa ra ngoài ánh sáng sẽ không toàn tâm, toàn ý cho công việc, sẽ sao nhãng việc kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, do đó làm chậm sự phát triển của đất nước. Hay, chống tham nhũng càng hiệu quả thì cán bộ xử lý càng nhiều sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn cán bộ, làm nhụt ý chí làm việc của cán bộ vì tâm lý e sợ, dè chừng, sợ sai phạm, không dám sáng tạo, thu mình, cầu toàn, do đó mà mất động lực phát triển. Thậm chí có kẻ cho rằng, chống tham nhũng thực chất là thanh trừng, đấu đá nội bộ, triệt hạ nhau để dọn đường cho phe cánh mình tiến thân trong nhiệm kỳ tới.
Chúng ta chống tham nhũng càng quyết liệt và thu được những kết quả làm nức lòng người dân thì cũng là lúc các thế lực thù địch, phản động, các con buôn chính trị, những kẻ cơ hội khoác áo dân chủ nhân quyền càng điên cuồng chống phá, xuyên tạc, bịa đặt, bẻ lái vấn đề. Gần đây trên mạng xã hội có bài viết: “Công cuộc chống tham nhũng bộc lộ mặt trái của cơ chế” của một kẻ có tên nguyenvubinh. Kẻ này cho rằng: “Công cuộc chống tham nhũng đang được đảng cộng sản phát động và tiến hành đã cho thấy sự tha hóa của toàn bộ các tầng lớp lãnh đạo, quan chức, cán bộ và sự tha hóa của toàn hệ thống… Khi chưa có công cuộc đốt lò, các quy định đó chỉ ở trên giấy tờ, mọi hoạt động của người dân và doanh nghiệp phụ thuộc vào tiền hối lộ, bôi trơn, tiền phế cho các cấp quản lý. Khi công cuộc đốt lò rực cháy…thì không cá nhân nào, không đơn vị, doanh nghiệp nào có thể tồn tại và phát triển. Sự tắc nghẽn, đình trệ ở một số ngành nghề, lĩnh vực nêu trên mới chỉ là bắt đầu”. Thật là quá lố bịch, trơ trẽn khi nguyenvubinh rêu rao láo xược quá. Thấy cần có đôi lời về những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo vấn đề của kẻ này.
Thứ nhất, tình trạng tham nhũng, tha hóa, biến chất về nhân cách là “quốc tế nạn” chứ không phải chỉ xảy ra ở một vài quốc gia hay ở chế độ một đảng cầm quyền. Chúng ta biết, quy luật của tự nhiên và xã hội luôn có sự phát triển không đồng đều. Trong một khu rừng, cùng một loại cây hoặc muông thú đều có cá thể mạnh, yếu và khuyết tật; trong một cây rất tươi tốt cũng có cành mục, cành khô; trong đời sống xã hội bao giờ cũng có người tốt và kẻ xấu và tham nhũng, suy thoái, tha hóa nhân cách cũng vậy, ở chế độ nào cũng có, nhưng không thể là cái “phổ biến”, mà chỉ là hiện tượng mang tính xã hội, tồn tại ở tất cả các quốc gia khi quyền lực nhà nước bị thao túng, lợi dụng để trục lợi và được coi là “tệ nạn” ở mọi thể chế chính trị, là căn bệnh nan y đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người. Như vậy, rõ ràng chế độ một đảng cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng, suy thoái, tha hóa, biến chất. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là tệ nạn rất nhức nhối, xuất hiện ở nhiều quốc gia, trong đó nhiều nhất lại là ở các quốc gia có chế độ đa đảng do giai cấp tư sản lãnh đạo. Nhiều quốc gia không phải đảng cộng sản cầm quyền, như: Hàn Quốc, Malaysia, Colombia, Brazil, Ukraine, ngay cả Trung Quốc… tham nhũng xảy ra rất nghiêm trọng. Kể cả Nghị viện châu Âu (EP) cũng vừa vướng vào bê bối tham nhũng, cụ thể: giới chức Bỉ ngày 11/12/2022 đã bắt 04 cá nhân với cáo buộc nhận tiền và quà từ một quốc gia vùng Vịnh. Trong số 04 người này có nghị sĩ Hy Lạp Evakaili là một trong 14 phó chủ tịch EP và Francisco Giogi, cố vấn của EP. Vừa qua, cựu nghị sĩ Ukraine Kostiantyn Zhevago bị bắt ở Pháp vì bị cáo buộc tham ô gần 200 triệu USD ở quê nhà; tháng 7/2022, Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải từ chức vì bê bối về nhân cách, v.v.
Những luận cứ, luận chứng trên đã khẳng định, bất cứ chế độ chính trị nào nếu kiên quyết thì cũng đều chỉ ra được những kẻ tham nhũng, tha hóa, biến chất. Bởi đây là một hiện tượng mang tính xã hội, ở chế độ xã hội nào cũng có, không thể quy thành bản chất của chế độ độc đảng. Càng không thể quy kết cho Đảng Cộng sản Việt Nam với luận điều của nguyenvubinh khi chụp mũ rằng “càng chống tham nhũng, càng cho thấy sự tha hóa của toàn bộ các tầng lớp lãnh đạo, quan chức, cán bộ và sự tha hóa của toàn hệ thống”
Thứ hai, không thể cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đang làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế và “Sự tắc nghẽn, đình trệ ở một số ngành nghề, lĩnh vực mới chỉ là bắt đầu.” như nguyenvubinh rêu rao.
Cần phải nhận thức rằng, chính tình trạng tham nhũng làm suy giảm các lực lượng cạnh tranh vốn có của thị trường, gây ra sự cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Tham nhũng làm cạn nguồn đầu tư thuộc địa, làm giảm đáng kể các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tham nhũng không chỉ gây trở ngại cho hoạt động kinh tế vĩ mô mà còn kìm hãm hoạt động của các hãng riêng lẻ. Cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam tạo động lực không ngừng cho đầu tư, phát triển kinh tế, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Chống tham nhũng hiệu quả sẽ tạo nên sự minh bạch trong các chính sách kinh tế, tài chính của Đảng, Nhà nước, điều này là vô cùng quan trọng đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài. Chống tham nhũng hiệu quả sẽ làm trong sạch hệ thống chính trị, loại bỏ cán bộ thoái hóa, biến chất, không tận tâm, tận lực với công việc mà chỉ chăm chăm lo thu vén cá nhân; sẽ tạo ra lớp cán bộ mới dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, là cầu nối để các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Nhà nước sớm được triển khai trong thực tế đời sống, sớm đến được với quần chúng nhân dân. Chống tham nhũng hiệu quả đồng thời sẽ thu hồi được nguồn vốn, tài nguyên lớn cho quốc gia, phục vụ nhiệm vụ xây dựng đất nước. Với tốc độ tăng trưởng 8,02%, chúng ta đã vượt qua Philippines để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á, lọt top 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Vậy thì, nói chống tham nhũng kìm hãm, làm chậm sự phát triển kinh tế đất nước là đúng hay sai? Đương nhiên đó là cách nói hàm hồ, xuyên tạc, bịa đặt, thiếu suy nghĩ của các thế lực thù địch, phản động và những con buôn chính trị, cơ hội chính trị khoác áo dân chủ nhân quyền.
Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quyết liệt trong điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng lòng của Nhân dân cả nước, chúng ta hoàn toàn tin tưởng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tha hóa, biến chất nhất định sẽ đạt nhiều thắng lợi. “Cây ngay không sợ chết đứng” chính là cơ sở vững vàng để chúng ta xua tan những luận điệu chống phá công tác phòng chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị của chúng ta đã và đang kiên quyết tiến hành. Hãy dừng lại những chiêu trò công kích lố bịch này đi nguyenvubinh!
ST (Tuấn Minh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét