Tại các buổi quán triệt tập trung, vài cá nhân hồn nhiên “đi ra, đi vào”, “nghịch” điện thoại, ngủ gật; lại có cán bộ dự một lúc, rồi viện lý do “chính đáng” để về trước… Đặc biệt, khi tiến hành kiểm tra kết quả học tập nghị quyết, vẫn có cán bộ, đảng viên chủ ý cậy nhờ đồng chí, đồng nghiệp chép hộ thu hoạch…
Những câu chuyện trên cho thấy, hiện nay, nhiều cán bộ, đảng viên chưa xác định rõ trách nhiệm học tập nghị quyết. Ở nhiều nơi, cán bộ quen cách nghĩ “học xong là xong”… mà chẳng buồn bàn thảo, tư duy về giá trị, tinh thần hay nội dung nghị quyết cần vận dụng vào tổ chức mình, bản thân mình trong thời gian tiếp theo. Đây thực sự là một thực tế đáng báo động!
Sự nguy hại nằm ở chỗ, Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và toàn xã hội bằng nghị quyết. Ấy vậy mà việc học nghị quyết lại bị xem nhẹ, hời hợt, hình thức… thì tinh thần, nội dung nghị quyết liệu có thấm, ngấm vào cán bộ, có đi vào thực tiễn? Hay nghị quyết một đằng triển khai một nẻo? Nghị quyết đúng, triển khai sai?
Nguyên nhân của thực trạng trên được ngụy biện rằng, học nghị quyết vốn là nội dung “khô, khó, khổ”; trong khi có quá nhiều nghị quyết phải học tập và việc cân đối thời gian giữa họp hành, công tác với học nghị quyết thường chồng lấn, gây khó cho cán bộ, đảng viên.
Thực chất, đó là những lời chống chế. Học tập nghị quyết là một chế độ bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên. Điều đáng bàn là cách thức tổ chức vẫn chưa được đổi mới căn bản mà chỉ theo lối cũ; các chế tài, quy định trong tổ chức học tập nghị quyết thiếu toàn diện, chưa tròn khâu. Gần như ở nhiều nơi, sau học tập thì đương nhiên kết quả là 100% khá, giỏi mà “bỏ quên” cả tính thực chất, khách quan trong đánh giá, kiểm tra. Hơn thế, cũng ít thấy tổ chức đảng mạnh tay xử lý cán bộ, đảng viên vì rơi vào các biểu hiện xem nhẹ, lười học, vi phạm quy chế hoặc kết quả học tập thấp kém. Mặt khác, kết quả học tập nghị quyết cũng chưa “hiện thực hóa” như một tiêu chí, căn cứ xem xét, đánh giá cán bộ, đảng viên theo quy định của cơ quan chức năng.
“Lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng…” chính là một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng xác định. Theo đó, một khi cán bộ, đảng viên rơi vào biểu hiện suy thoái này thì phải có cơ chế, chế tài xử lý nghiêm túc, triệt để, không có vùng cấm theo kỷ luật Đảng. Phải xem biểu hiện suy thoái này là mối nguy hại đặc biệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo của Đảng.
Nhiều ý kiến cho rằng, đã là học tập nghị quyết thì cần phải bảo đảm các khâu, các bước, các nhân tố của quá trình “dạy” và “học”. Theo đó, người quán triệt, báo cáo chuyên đề nghị quyết cần được lựa chọn kỹ lưỡng-phải là cán bộ thực sự có trình độ, năng lực, uy tín và hiểu sâu sắc về nghị quyết. Nội dung học tập cũng được lựa chọn, khu biệt hoặc lược hóa những vấn đề cần thiết, sát với nhiệm vụ từng cơ quan, địa phương, đối tượng. Phương pháp, hình thức cần được đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực của đối tượng; chủ yếu trang bị các vấn đề cơ bản và định hướng nghiên cứu tiếp theo…
Đặc biệt, công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng tổ chức học tập nghị quyết phải được xem là khâu quan trọng. Không nên đơn thuần phân cấp tổ chức học tập mà cần có sự đan chéo kiểm tra theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang; kết hợp với việc tổng kết, đúc rút mô hình tổ chức học tập nghị quyết hiệu quả để nhân rộng, phổ biến kinh nghiệm. Kết quả học tập nghị quyết không nên gò ép, giao khoán chỉ tiêu một cách xơ cứng mà cần bám sát thực tế, đánh giá nghiêm túc, thực chất thì mới nêu cao tinh thần, trách nhiệm của đối tượng.
Để giải quyết thấu đáo những phần việc nêu trên, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cơ quan chức năng Trung ương và hệ thống tổ chức đảng các cấp. Có như vậy thì nghị quyết mới sớm đi vào cuộc sống, mà trước hết là đi vào khối óc, tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên - những người gánh sứ mệnh lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét