Thời gian gần đây, một trong những thủ đoạn, chiêu trò mà chúng thực hiện chính là lợi dụng “khoảng trống”, “độ trễ”, “vùng trắng” thông tin để tung thông tin giả, thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng nhằm định hướng tiêu cực dư luận xã hội, gây hoang mang trong Nhân dân.
Đây là thủ đoạn mà các đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng khi một sự việc được xã hội quan tâm xảy ra, trong khi báo chí chính thống trong nước đang tiến hành thu thập, kiểm định nguồn tin, biên tập nội dung, sau đó mới công bố lên các phương tiện thông tin truyền thông. Lợi dụng khoảng thời gian này, chúng lập tức tán phát ồ ạt, trực tiếp những tin, bài xuyên tạc, “bóp méo” sự thật thông qua những bài viết có tiêu đề “giật tít”, “câu view”. Đặc biệt là những sự việc có tính thời sự, liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, những vấn đề liên quan đến công tác chống tham nhũng, tiêu cực và công tác cán bộ. Từ đó, kích thích tính hiếu kỳ, tò mò của người dân muốn tìm hiểu, trong khi chưa có báo chí chính thống đăng tin thì người dân đã dễ dàng tiếp cận các nguồn tin “xấu”, “độc”.
Trong thời gian qua, việc lợi dụng tình hình dư luận xã hội về các đại án tham nhũng, việc vi phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ngày càng công khai và liều lĩnh. Chúng thường xuyên “dựng chuyện”, “thổi phồng” những sai lầm, thiếu sót của một bộ phận cán bộ, đảng viên, qua đó gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự... nhằm mục đích phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng với nhân dân. Hình thức tấn công tư tưởng trên không gian mạng của các thế lực thù địch chủ yếu diễn ra dưới dạng các bài viết, blog, hình ảnh, clip… trên các kênh Youtube, mạng xã hội.
Để không bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng “khoảng trống thông tin”, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, các cơ quan, đơn vị phải chủ động thông tin nhanh chóng và chính xác. Đặc biệt, phải kịp thời định hướng cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân về các sự kiện, hiện tượng, những vấn đề nảy sinh trong nước cũng như trên thế giới; những vấn đề nhạy cảm, mới nảy sinh..., đáp ứng nhu cầu nhận thức, thị hiếu chính đáng của nhân dân. Việc kịp thời thông tin và định hướng tiếp nhận thông tin nhằm mục đích phủ xanh “khoảng trống thông tin”, không để các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị có môi trường để hoạt động. Cần tập trung tuyên truyền, định hướng việc tiếp cận thông tin có chọn lọc; thực hiện tốt “5 không” (không nghe, không xem, không đọc, không tin, không tuyên truyền) đối với những thông tin “xấu”, “độc”, mang nội dung tiêu cực. Cần phát huy tối đa vai trò của báo chí và xuất bản. Bởi đây chính là bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa, là vũ khí tư tưởng sắc bén để chống lại các thông tin “xấu”, “độc” và tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hai là, nhận diện tin giả, tin sai sự thật, giả mạo các cơ quan Nhà nước. Việc nhận diện tin giả, xác định nguyên nhân xuất hiện và tác hại của nó là cơ sở để nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống tin giả góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để nhận diện tin giả, tin sai sự thật có thể dựa vào các kênh thông tin chính thống, trong đó có Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử có nhiệm vụ tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả; công bố thông tin xác nhận tin giả, tin sai sự thật trên trang http://tingia.gov.vn.
Ba là, khi có sự việc xảy ra, cần chọn lọc, tiếp nhận những thông tin có nguồn gốc từ các trang thông tin chính thống. Không truy cập hay tiếp nhận những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng. Chỉ thực hiện việc tuyên truyền, chia sẻ các nội dung thông tin chính xác, có nguồn gốc rõ ràng. Kịp thời tố giác đến các cơ quan chức năng những nguồn tán phát thông tin sai sự thật.
Bốn là, nâng cao “sức miễn dịch”, “khả năng đề kháng” của mỗi cán bộ, công chức và người dân trước những thông tin “xấu”, “độc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét