Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

KHÔNG ĐỂ KẺ ĐỊCH LỢI DỤNG CÁC HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO ĐỂ CHỐNG PHÁ CHÍNH QUYỀN


Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Hiện nay Việt Nam có hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm khoảng 27% dân số cả nước; có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Cùng với các tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, những năm qua một số tổ chức tôn giáo lạ, tà đạo cũng xuất hiện và nén nút hoạt động đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị và an ninh trật tự ở một số địa phương. Phần lớn các tà đạo ở nước ta có những cách hành đạo trái với văn hóa truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, tuyên truyền mê tín dị đoan, thực hành lối sống phi pháp, khống chế, lừa gạt người dân để trục lợi, gây mất đoàn kết trong cộng đồng dân tộc và giữa các tôn giáo. Các tà đạo đã thu hút được một số lượng người tin theo, tham gia sinh hoạt tại nhiều địa phương như: tà đạo “Thanh Hải Vô thượng sư”, “Pháp môn diệu âm”, “Dương Văn Mình”, “Tin lành Đề Ga”, “Hà Mòn”, “Pháp Luân Công”. Và đặc biệt là “Hội Thánh đức Chúa Trời” dù xuất hiện sau song đã phát triển mạnh và hoạt động bất hợp pháp ở nhiều tỉnh thành với hàng nghìn người tham gia, nhất là ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa… Một số tà đạo bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động hoạt động chống lại chính quyền.
Phần lớn người tin theo các tà đạo là những người gặp rủi ro bế tắc trong cuộc sống, những người có trình độ văn hóa thấp. Tuy nhiên, cũng có những tà đạo biết khai thác lợi dụng người có trình độ nhận thức, những người trẻ tuổi hiếu kỳ với những “cái mới lạ”. Số đối tượng cầm đầu đạo lạ thường triệt để lợi dụng những người có khó khăn, bức xúc mà mình không tự giải quyết và vượt lên được để tác động lôi kéo họ dựa vào niềm tin tâm linh nhằm giải thoát những vướng mắc về tâm lý và tư tưởng đang nảy sinh. Đặc điểm chung của các đạo lạ này luôn tự coi mình là một tổ chức tôn giáo. Giáo lý của họ chỉ là sự vay mượn hay chính xác hơn là một sự xuyên tạc, bóp méo giáo lý của các tôn giáo khác theo hướng mê tín dị đoan để phục vụ cho ý đồ của những kẻ cầm đầu. Các đạo lạ thường lén lút hoạt động và luôn thay đổi địa điểm để tuyên truyền, phát triển “đạo” nhằm tránh sự quản lý của các cấp chính quyền. Những người cốt cán cầm đầu các đạo lạ thường yêu cầu và buộc số người tin theo không được tiếp xúc và quan hệ với người khác niềm tin; không tham gia các sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng; không thực hiện phong tục tập quán và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Đồng thời phủ nhận các tôn giáo chính thống để tin và trung thành với tổ chức tà đạo; không chấp hành pháp luật và tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Có thể khẳng định, các tà đạo đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, tuyên truyền mê tín dị đoan, kích động tâm lý hoang mang, dao động trong quần chúng nhân dân, làm phức tạp tình hình an ninh chính trị tại địa phương, truyền bá những đức tin phản khoa học, phản văn hóa hay những chuẩn mực chung về đạo đức lối sống…
Có thể khẳng định: bất cứ một tổ chức tôn giáo nào muốn tồn tại, phát triển ở mỗi một quốc gia thì phải được nhà nước đó thừa nhận dựa trên những tiêu chí phù hợp với lịch sử, văn hóa, đạo đức, truyền thống và điều kiện kinh tế - xã hội và chính trị của quốc gia đó. Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta là các tôn giáo, tín ngưỡng hợp pháp được Nhà nước tôn trọng, bảo hộ bằng pháp luật. Tuy nhiên âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phản động luôn lợi dụng hoạt động của tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Tín ngưỡng, tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm, nhận thức của một bộ phận người dân đối với tôn giáo, tự do tín ngưỡng còn hạn chế.
Trong điều kiện toàn cầu hóa, mở cửa hội nhập, sự xuất hiện của một số tổ chức “tôn giáo lạ” trong những thập niên gần đây là một xu hướng không tránh khỏi. Đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng nước ta là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân Quán triệt chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong thời gian qua các cơ quan chức năng ở địa phương tiến hành những biện pháp kết hợp giữa quản lý hành chính gắn với tuyên truyền, thuyết phục vận động nhân dân thực hiện tín ngưỡng đúng quy định pháp luật. Điều này sẽ giúp chúng ta chủ động và kịp thời ứng phó với những hoạt động diễn biến phức tạp của các tổ chức tôn giáo lạ.
Để công tác quản lý nhà nước về các hoạt động tôn giáo lạ, tà đạo đạt hiệu quả hơn nữa, các cấp chính quyền cần quan tâm thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. xây dựng nếp sống văn hóa và môi trường sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng lành mạnh. Đặc biệt các tổ chức chính trị xã hội mà trước hết là Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên ở các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hội viên làm cho mọi người hiểu rõ đâu là chính đạo, đâu là tà đạo, tác hại của các tà đạo đối với đời sống vật chất, tinh thần của người dân và toàn xã hội. Từ đó vận động nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hoạt động tiêu cực của tà đạo. Chủ động triển khai nắm tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, hoạt động lôi kéo, thu hút người tham gia các hội nhóm tà đạo để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Ở nhiều nơi sự phát triển các tà đạo đã làm phức tạp tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, gây nên tâm lý hoang mang, lo sợ trong cộng đồng, xáo trộn đời sống nhân dân, tiềm ẩn nhân tố gây bất ổn xã hội. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết hiệu quả vấn đề trên, một mặt đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, đồng thời đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại các âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước để chống phá Nhà nước ta.
Cùng với sự nhận diện rõ âm mưu của các thế lực phản động thù địch, mỗi người chúng ta cần đề cao cảnh giác, thực hiện lối sống lành mạnh, tuân thủ pháp luật, tỉnh táo trước những thủ đoạn lôi kéo của các tà đạo để không gửi gắm niềm tin vào chốn hư vô… rồi tự đẩy mình tới các hành vi tiêu cực, đi ngược lại lợi ích chính đáng của bản thân và lợi ích của cả cộng đồng. Chỉ có như vậy, các loại tà đạo mới không có chỗ để tồn tại trong cuộc sống. Để bảo vệ cuộc sống bình yên của chính mình và những người xung quanh, mỗi người dân nên cảnh giác, chủ động đấu tranh và vạch trần những mưu đồ đen tối đội lốt tôn giáo của các thế lực thù địch phản động. Đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại các âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước để chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam là trách nhiệm của mỗi người dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét