Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

LÃNG PHÍ LÀ TỘI ÁC

 


Lâu nay, khẩu hiệu “tiết kiệm là quốc sách” để xây dựng đất nước hình như đã bị lãng quên, hoặc có nhớ thì cũng không được thực hiện. Để thực hành tiết kiệm không phải là một khẩu hiệu suông, đã có rất nhiều chủ trương, chính sách, rất nhiều hội nghị, hội thảo bàn luận về chống lãng phí, đẩy mạnh tiết kiệm, thế nhưng lãng phí vẫn đang là căn bệnh kinh niên. 

Nó được thể hiện ngay ở việc chi tại các hội nghị thường vượt so với dự toán định mức, vượt tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng trong một năm trên cả nước. Tất nhiên việc chi hội nghị chỉ là một nét nhỏ trong toàn bộ bức tranh lãng phí.

Sau mấy ngày nghỉ lễ, chú thấy điều gì đáng nói nhất? Thì đường thông, hè thoáng, dạo phố cứ gọi là như cách nay mấy chục năm vậy.

lang phi cung la toi ac
Công ty gang thép Thái Nguyên đang ngập trong nợ nần vì dự án mở rộng giai đoạn 2. Ảnh: Chí Hiếu

Báo cáo hằng năm của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng nêu rõ trong quản lý kinh tế, hạn chế thiếu sót lớn nhất vẫn là sự thất thoát, lãng phí. Nhất là về đầu tư xây dựng cơ bản, do thiếu đồng bộ, dàn trải nên đã gây thất thoát lãng phí lớn.

Ví như: Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, đầu tư hơn 8000 tỷ đồng, nay thành đống sắt vụn; Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, đầu tư trên 12.000 tỷ, hoạt động không hiệu quả, càng sản xuất càng lỗ, đến nay đã lỗ hàng ngàn tỷ; Dự án Nhạc nước tại lòng hồ Tam Bạc, Hải Phòng, đầu tư 200 tỷ, song do đặt tại vị trí không phù hợp, lại ảnh hưởng đến giao thông và mỹ quan thành phố nên cũng không hiệu quả, biến thành đống sắt vụn phải dỡ bỏ...

Có những nơi đầu tư 3-4 tỷ xây chợ nhưng chợ không có người; đầu tư vài tỷ xây trường nhưng trường không có cả giáo viên lẫn học sinh; đầu tư vào trạm xá nhưng không có cả bác sĩ lẫn bệnh nhân, rất lãng phí… Có thể kể ra rất nhiều những con số đau xót như thế này đã cho thấy tình trạng thất thoát, lãng phí ngân sách là rất nghiêm trọng.

Nếu tiết kiệm những lãng phí ở riêng lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản thì Nhà nước đã không thiếu tiền cho đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Có một loại lãng phí nữa mà nêu ra chắc hẳn ai cũng phải chua xót. Đó là lãng phí do thủ tục hành chính, rườm rà, mang nặng cơ chế xin – cho. Loại lãng phí này không những tước mất bao tiền của mà còn mất đi bao thời gian, thứ mà chúng ta thường gọi là vàng ngọc.

Điển hình gần đây nhất là câu chuyện 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư trị giá 14 tỷ đồng bị tiêu hủy do hết hạn sử dụng. Vì đâu lại hết hạn sử dụng? Vì thủ tục để viên thuốc này “đủ tư cách” đến được với người bệnh mất gần một năm trời, qua bao nhiêu “cửa ải”. Và khi nó “đủ tư cách” thì cũng là lúc nó không còn hạn sử dụng nữa. Một sự lãng phí trong sự tiếc nuối, đau xót của bao nhiêu người bệnh ung thư, khao khát được chữa bệnh.

Nếu cần kiệm đi đôi với liêm chính, thì lãng phí song hành cùng tham ô, tham nhũng. Song chính vì lãng phí chỉ bị lên án trong phạm vi chuẩn mực đạo đức và nhân cách, chứ không phải truy cứu trách nhiệm hình sự như tham ô, tham nhũng, nên lãng phí của ta đã phát triển đến mức độ phổ biến, ở lĩnh vực nào, nơi nào cũng có lãng phí.

Đã nhiều năm nay, người dân ở các đô thị không khỏi xót tiền của nhân dân đã bị vứt đi một cách phung phí trong việc đào đường. Nhiều con đường phẳng phiu, đẹp đẽ bị xẻ, bị đào, rồi lấp lại nham nhở. Nó được đào lên nhiều lần và tất yếu nó bị xuống cấp và lại phải đầu tư làm lại. Nguyên nhân là do không có sự thống nhất, đồng bộ giữa các “ông” quy hoạch, thiết kế, thi công giữa các “ông” xây dựng, giao thông, điện, thoát, cấp nước, bưu điện… vì quyền lợi của từng “ông” dưới danh nghĩa nâng cấp, hiện đại hóa, chỉnh trang… nhưng cái chính là để tiêu tiền Nhà nước.

Sự lãng phí có thể nhìn tận mắt như các công trình giao thông đô thị, cứ làm xong lại đập bỏ, từ viên gạch lát hè đến hệ thống phân luồng tiêu tốn toàn tiền tỷ cả.

Lại nữa, chẳng khó khăn gì, người ta cũng có thể thấy được từ xã đến tỉnh; từ cơ quan nhỏ đến cơ quan to, đều đua nhau xây trụ sở; đập chỗ này, xây chỗ kia, gọi là cải tạo nhưng mục đích chính là phục vụ “gu” của mỗi lãnh đạo, và nó cũng là cái cớ để tiêu tiền Nhà nước hợp pháp.

Cái trụ sở to đùng ấy có thật cần thiết không? Tiền ở đâu ra để xây dựng? Dĩ nhiên chẳng ai lại lấy túi tiền của mình. Tất cả lại dồn lên ngân sách, mà tiền ngân sách chính là tiền của nhân dân. Rồi chuyện mua sắm xe hơi tràn lan, vượt quá tiêu chuẩn. .. Lãng phí cũng là một tội ác, lãng phí cũng không khác gì tham nhũng, bởi tiền bạc bị lãng phí là mồ hôi, nước mắt của nhân dân.

Để chống lãng phí phải xây dựng cơ chế thật chặt chẽ và phải xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân vi phạm. Một biện pháp có thể thực hiện được là nên quy tất cả các tiêu chuẩn của cán bộ, như tiêu chuẩn đi xe ôtô, sử dụng điện thoại… vào lương; nếu lãnh đạo không sử dụng các tiêu chuẩn của cơ quan thì có thể nhận tiền lương tương đương với các khoản được nhận đó.

Có nên thực hiện như vậy không? Rất nên – song mặc dù ý kiến này đã được nhiều người nhắc tới từ lâu, nhưng vẫn không thể thực hiện được, bởi nó đã thành một cái nếp ăn sâu trong sự đặc quyền, đặc lợi khó mà dứt bỏ được.

Vì thế, mỗi khi có dịp bắt gặp một hội nghị nào, của một cơ quan nào, người dân lại se lòng khi phải nhìn thấy cả bãi xe “xịn” của các sếp nối đuôi nhau xếp hàng chiếm cả lòng đường; trong đó có nhiều sếp đi xe chỉ hơn 1km từ cơ quan đến chỗ họp?! Đến thời điểm này, sau rất nhiều bàn thảo, nhiều ý kiến trái chiều,chúng ta đã bắt đầu thực hiện thí điểm. Đây là một tín hiệu đáng mừng và hy vọng nó sẽ được thực hiện một cách triệt để trong phạm vi cả nước.

Một khía cạnh khác của sự lãng phí, đó là việc tổ chức các chuyến công du nước ngoài, với lý do là học tập, là tham khảo cách làm ăn của bạn, nhưng chủ yếu là chơi và du lịch; lấy “8 giờ vàng ngọc” của cơ quan để chơi game trên vi tính, tán gẫu qua điện thoại, ngủ trong không khí mát lạnh của điều hòa… vừa tiêu tốn thời gian, vừa làm tăng chi phí hành chính.

Hay lãng phí từ sự phô trương không cần thiết như tại buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy của một phường, người ta sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để thuê một MC của VTV đến đọc danh sách các đại biểu đến dự, trong khi các cháu học sinh diễn tập cả ngày chỉ được bồi dưỡng 10 ngàn đồng!

Hội nghị, hội thảo, xây trụ sở, mua sắm trang thiết bị, tiếp khách, quan hệ… là những lĩnh vực thường nảy sinh lãng phí! Điều này ai cũng biết, và cũng đã không ít lần được cảnh báo qua công luận, nhưng lãng phí vẫn cứ tồn tại. Vì sao? Đơn giản vì những người ký duyệt gây ra lãng phí rất ít bị xử lý.

Chỉ khi nào gắn trách nhiệm cá nhân vào mỗi chữ ký mới mong giảm được tình trạng này. Trong khi ấy có thể dễ dàng nhận ra việc các địa phương chủ yếu dùng ngân sách để chỉnh trang đô thị mà chưa quan tâm đến giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân nhân, như nước sạch, nhà ở, giao thông…

Để giảm được sự lãng phí, đối với các đơn vị vi phạm, ngoài việc xử lý nghiêm những người chịu trách nhiệm trực tiếp, cũng buộc đơn vị đó phải xuất toán. Bên cạnh đó danh sách các cá nhân đơn vị gây lãng phí ngân sách Nhà nước cần phải công khai cho nhân dân được biết để kiểm tra, giám sát. Có như vậy mới hy vọng giảm được tội ác từ lãng phí.

NQR

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét