Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Lời cảnh báo với những kẻ muốn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam

Từ hàng ngàn năm trước, cha ông ta đã xác định phải huy động sức mạnh toàn dân tộc, của mọi người dân để chống giặc ngoại xâm, để xây dựng đất nước.

Anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh đã khái quát: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa tới nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta”. Tinh thần yêu nước của Nhân dân ta sẵn sàng nhấn chìm tất cả những kẻ thù có dã tâm xâm chiếm, gây hại đến chủ quyền đất liền, vùng trời hay biển, đảo của Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia đất không rộng, người không đông, lại nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, là đầu mối thông thương của khu vực, châu lục và thế giới, giàu có về tài nguyên thiên nhiên, nên luôn là đối tượng bị các nước lớn nhóm ngó, xâm lược. Từ hàng ngàn năm trước, cha ông ta đã xác định phải huy động sức mạnh toàn dân tộc, của mọi người dân để xây dựng đất nước, để chống giặc ngoại xâm. Tiêu biểu như chủ trương cả nước đánh giặc “cử quốc nghênh địch”, “trăm họ là lính”, “động vi binh, tĩnh vi dân”… Từ đó, hình thành nên nét văn hóa giữ nước trong từng người dân Việt, với suy nghĩ “nước mất thì nhà tan” và hình thành quyết tâm đánh giặc giữ nước của mọi tầng lớp Nhân dân, bất kể già, trẻ, gái, trai…

Trên thế giới này có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, trong mấy ngàn năm lịch sử, đã có hơn 1000 năm phải trực tiếp cầm vũ khí chống ngoại xâm? Trong thời Cổ đại và Trung đại, tất cả các triều đại phong kiến thống trị ở phương Bắc: Tần, Hán, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, mỗi triều đại có ít nhất là một lần mang quân sang xâm lược, thống trị nước ta, nhưng cuối cùng đều thất bại. Lịch sử thế giới đã phải ghi nhận: Khi các quốc gia - dân tộc khắp châu Á, châu Âu, từ các quốc gia nhỏ bé, đến các quốc gia đất rộng, người đông, luôn tự xưng là trung tâm thiên hạ, coi các nước xung quanh là man di, mọi rợ… đều phải quỳ gối thuần phục quân Nguyên Mông, thì chính dân tộc Việt Nam - một nước nhỏ, dân ít đã dũng cảm đứng lên ba lần đánh bại quân Nguyên Mông. Đến thời cận hiện đại, dân tộc ta lại đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Lạ thay, cứ mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, nước Nam chúng ta lại xuất hiện những vị anh hùng dân tộc hội tụ đầy đủ sức mạnh, trí tuệ,  tài thao lược, cùng năng lực hiệu triệu Nhân dân tham gia chống giặc, đã lưu danh sử sách như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Lê Hoàn, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh… Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ của dân tộc ta, đã chứng minh cho những kẻ thù hùng mạnh, bạo tàn, tham lam, gian manh và thâm độc nhất thế giới thấy, chúng sẽ thất bại nhục nhã nếu chúng manh tâm xâm lược đất nước ta.

Lịch sử đã khép lại, xu thế hòa bình, hội nhập đã và đang đưa đất nước chúng ta dần khẳng định vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, Việt Nam vẫn đang đứng trước thử thách lịch sử phải bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Người láng giềng phương Bắc vẫn chưa bao giờ từ bỏ dã tâm xâm lược, lấn chiếm đất nước ta. Đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc đã vươn lên là cường quốc số hai thế giới. Bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền biển, đảo cũng nằm trong công cuộc giữ nước ngàn đời của dân tộc ta. Đó là hành động bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân tộc Việt Nam, giữ gìn lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà ông cha ta đã có công khai phá từ thời thuở còn vô chủ.

Trong lịch sử, Trung Quốc đã từng dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ năm 1956, năm 1974. Lúc này, đất nước Việt Nam đang bị chia cắt hai miền, đặt dưới hai chế độ. Năm 1988, 64 chiến sỹ, mặc dù đa số là bộ đội công binh của ta không mang theo vũ khí, đang xây dựng công trình ở đảo Gạc Ma, song đã anh dũng chống lại cái ác, cái dã man, cái tham lam bất chính, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc và hy sinh dưới họng súng tàn bạo của họ. Sự kiện đầu tháng 5 năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Trước tình hình đó, toàn thể Nhân dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước cũng như ở nước ngoài đã thể hiện một làn sóng yêu nước mạnh mẽ; họ đã phản đối quyết liệt hành động ngang ngược của Trung Quốc bằng nhiều hình thức và hành động; nhiều thông điệp yêu nước của Nhân dân đã được gửi tới Đảng, Nhà nước ta. Chúng ta có thể cảm nhận được thời khắc lịch sử lúc bấy giờ, nếu Đảng, Nhà nước ta không thành công với những đối sách ngoại giao, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục lấn tới và nếu Tổ quốc gọi… hàng triệu con người Việt Nam yêu nước sẽ sẵn sàng…

Đất nước Việt Nam luôn luôn muốn hòa bình, đó là nét văn hóa cố hữu của người Việt; mặt khác, vì Nhân dân Việt Nam đã phải trải qua quá nhiều đau khổ, mất mát bởi hậu quả của những cuộc chiến tranh chống lại kẻ thù xâm lược, nên chúng ta mong muốn có sự hòa bình. Tuy nhiên, lập trường của chúng ta trước sau như một: Hòa bình trên cơ sở độc lập, chủ quyền và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Bởi vì, đó là thành quả của các thế hệ cha ông đã dày công tạo dựng và đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Còn nếu đưa độc lập, chủ quyền của dân tộc ra để đổi lấy hai chữ “hòa bình” viễn vông thì tuyệt đối không.

Gần đây, việc Trung Quốc liên tục có những động thái với ý đồ bành trướng Biển Đông, xâm lấn biển, đảo Việt Nam và các nước khu vực, nhưng chúng ta vẫn giữ sự bình tĩnh, bởi vì chúng ta muốn giữ sự hòa hiếu giữa hai quốc gia, hai dân tộc; đồng thời, thực hiện nghiêm túc Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982. Đó là phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong ngoại giao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã răn dạy. Mỗi khi thiện chí hòa hảo của chúng ta không còn được tôn trọng, chủ quyền của chúng ta bị xâm phạm, thì đối phương hãy ghi nhớ rằng ở đất nước Việt Nam “Tuy thời thế mỗi lúc khác nhau, nhưng hào kiệt đời nào cũng có”; lòng yêu nước nồng nàn “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước” sẽ nhấn chìm mọi âm mưu xâm chiếm của kẻ thù.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét