Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Nhận diện một số thủ đoạn xuyên tạc hình ảnh, tiểu sử, sự nghiệp của Hồ Chí Minh, các cá nhân, tổ chức thù địch

 

Một là, các thế lực chống phá cho rằng, Hồ Chí Minh không phải là nhà tư tưởng.

Họ cho rằng, chính Hồ Chí Minh không nhận mình là một nhà tư tưởng, mà chỉ thừa nhận là nhà tổ chức, hoạt động thực tiễn; hay Đảng Cộng sản Việt Nam trong ba bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 đều không có “năm chữ tư tưởng Hồ Chí Minh”, nó chỉ “đột nhiên” xuất hiện ở Đại hội VII (1991) của Đảng và Hiến pháp 1992 khi “chủ nghĩa Mác-Lênin không còn ăn khách” và Đảng “lúng túng, không biết làm sao tiếp tục tuyên truyền với đảng viên và dân chúng, liền vội quay qua cầu cứu Hồ Chí Minh lần nữa, đưa thêm “tư tưởng Hồ Chí Minh” tiếp theo sau chủ nghĩa Mác-Lênin”.

Hai là, họ cho rằng tư tưởng thực sự của Hồ Chí Minh là dân tộc chủ nghĩa hoặc theo chủ nghĩa cộng hòa, không phải mang bản chất, thậm chí đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin. Có người dựa vào những luận điểm có tính bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin hay sự kế thừa những giá trị tư tưởng của nền cộng hòa Pháp và Mỹ để kết luận: Hồ Chí Minh “là một người theo chủ nghĩa cộng hòa và chủ nghĩa hòa bình hơn là một người theo chủ nghĩa cộng sản”.

Ba là, họ cho rằng Hồ Chí Minh chỉ có tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc, không có tư tưởng về cách mạng xã hội chủ nghĩa hoặc nếu có thì cũng chỉ là lý thuyết, giáo điều. Họ gán cho Hồ Chí Minh là “người bị buộc phải gánh vác tư tưởng”. Theo họ, Việt Nam đang “loay hoay không biết chỗ nào trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói rằng Việt Nam nên đi theo nền kinh tế thị trường và hội nhập với quốc tế”, và cứ mỗi ngành cụ thể người ta lại cố gán ghép một câu nói hay việc làm nào đó có liên quan của Hồ Chí Minh.

Đối với xuyên tạc hình ảnh, tiểu sử, sự nghiệp của Hồ Chí Minh, các cá nhân, tổ chức thù địch thường dùng các luận điệu như:

Một là, xuyên tạc về động cơ sang phương Tây của Hồ Chí Minh năm 1911.

Cứ liệu mấu chốt mà họ sử dụng cho luận điệu này là Đơn xin vào Trường Thuộc địa mà Hồ Chí Minh đã gửi cho Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp ngày 15/9/1911. Nhiều người chỉ vin vào những nội dung trong lá đơn này rồi lập luận khiên cưỡng rằng, động cơ Hồ Chí Minh sang Pháp là tìm đường làm quan, “mộng làm quan” cho thực dân, là do “kinh tế gia đình, ra đi để tìm đường cứu nhà” hoặc để “cãi tội”, “xin tội cho cha”, v.v.. Mục đích của họ là phủ nhận tư tưởng và động cơ tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh.

Hai là, xuyên tạc quan hệ cá nhân của Hồ Chí Minh.

Họ xuyên tạc Hồ Chí Minh đã bán cụ Phan Bội Châu cho Pháp năm 1925. Luận điệu của họ là do Phan Bội Châu là người “quốc gia”, có nhiều uy tín sẽ là trở ngại lớn trong việc gây thanh thế, bành trướng cộng sản ở trong nước của Hồ Chí Minh. Bán Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh vừa có tiền thưởng nhận được của Pháp để hoạt động, vừa gây ra không khí phẫn nộ trong quần chúng đang cần có, v.v.. Về đời tư Hồ Chí Minh, dựa vào một số tư liệu chưa được kiểm chứng và chủ yếu là nghe lại, hùa theo, họ quy kết về những người được họ gọi là “vợ” của Hồ Chí Minh như Tăng Tuyết Minh, Nguyễn Thị Minh, Đỗ Thị Lạc, Nông Thị Xuân, Nông Thị Trưng…

Ba là, chúng quy kết “tội” của Hồ Chí Minh với dân tộc và nhân dân.

Nhiều người đưa ra tuyên bố: “Mười đại tội ác của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Tên phản quốc số một của thời đại” v.v.. Ở đó, họ bịa ra sự kiện, con số, thời gian với những tình tiết “ghê sợ”, “rùng rợn” và trắng trợn quy kết cho đó là những việc làm của Hồ Chí Minh. Họ “chụp mũ” Hồ Chí Minh với đủ thứ xấu xa như chủ mưu chỉ đạo các thuộc hạ bắt bớ giam cầm, tra tấn, đánh đập các đảng phái không cộng sản, những người nông dân, trí thức và đẩy nhân dân Việt Nam vào cảnh cơ cực, đói khổ, nghèo nàn, cùng quẫn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét