Những năm gần đây, những hiện tượng cán bộ,
đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hóa, hư hỏng có chiều hướng tăng lên và ngày
càng nghiêm trọng. Qua những vụ kỷ luật công bố gần đây trên báo chí cũng thấy
rõ điều đó. Không ít đảng viên vào Đảng không phải để phấn đấu hy sinh cho lý
tưởng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân, mà là để mưu cầu danh lợi. Một số
người chẳng những không gương mẫu trước quần chúng, mà còn nêu gương xấu trước
quần chúng. Một số người vô tổ chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp
trên, chèn ép quần chúng và cấp dưới, cơ hội chủ nghĩa, thực dụng chủ nghĩa,
gây mất đoàn kết nội bộ. Nhiều người có quan hệ trực tiếp với vật tư, hàng,
tiền, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện công tác để tham ô, buôn lậu, ăn cắp
của công, ăn hôi lộ, thông đồng với bọn gian thương, tư sản để làm giàu. Điều
nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp,
đảng viên lâu năm bị những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài,
địa vị, sống ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa. Có những phần tử đã hoàn toàn
biến chất, sống xa hoa, trụy lạc như những tên tư sản mới, cường hào mới, không
còn một chút gì là tư cách đảng viên. Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng
chân chính hết sức bất bình trước những hiện tượng đó và lo ngại về sự xói mòn
bản chất giai cấp công nhân và truyền thống tốt đẹp của Đảng.
Như vậy, suy thoái về đạo đức cách mạng của
một bộ phận cán bộ, đảng viên là nguồn gốc dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, muốn xây dựng đạo đức cách mạng
thì phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ
nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh
rất nguy hiểm”(10). Thấm nhuần quan điểm trên, từ Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tách đạo đức ra thành một mặt
độc lập trong công tác xây dựng Đảng bên cạnh xây dựng Đảng về chính trị, tư
tưởng và tổ chức. Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng và thực hiện những chuẩn
mực giá trị đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên, làm cho Đảng trong sạch,
vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng thành
công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Khi
tiến hành đấu tranh phòng, chống tham nhũng “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân,
cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm
làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí
căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý
nghiêm các sai phạm”(11).
Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực
là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố
một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo
dục, phòng ngừa là chính, nên cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không
để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải tăng cường giáo dục kỷ luật,
siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc
để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn.
Nhận diện và làm rõ nguồn gốc
của tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên chính là hướng đến mục
tiêu như phát biểu kết
luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác
đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, ngày
30/6/2022: “Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần
xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu
của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân
dân. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Nhận thức phải chín; tư tưởng
phải thông; quyết tâm phải lớn, và phương pháp phải đúng; góp phần từng bước
làm chuyển biến tình hình, thực sự có kết quả rõ ràng, cụ thể”./.
V3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét