Lợi dụng việc toàn dân đang đóng góp ý kiến cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các thế lực xấu từ bên ngoài đã tăng cường chống phá.
Họ đưa ra các quan điểm phủ nhận sạch trơn giá trị của
việc đất đai thuộc sở hữu toàn dân và xuyên tạc rằng quy định như vậy để tạo
điều kiện cho "chính quyền cướp đất của dân", là trở lực cho phát
triển kinh tế. Họ cho rằng để chống tham nhũng, tiêu cực, để thúc đẩy phát
triển kinh tế Việt Nam phải thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa
nhận chế độ đa sở hữu đất đai. Có thể thấy, việc đồng nhất vấn đề sở hữu
toàn dân về đất đai với thực trạng tham nhũng, tiêu cực có liên quan tới đất
đai là sự đánh tráo giá trị, không đúng bản chất của vấn đề, chỉ lừa phỉnh được
những người thiếu hiểu biết về vấn đề này.
Tại sao phải thực hiện sở hữu
toàn dân về đất đai?
Trước hết cần khẳng định rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân
không phải là một thuật ngữ lý thuyết, trừu tượng, không có giá trị thực thi,
không phải là sự giáo điều được du nhập từ Liên Xô vào Việt Nam như một số ý
kiến trên các trang mạng, các diễn đàn đã cố ý bóp méo, gây hiểu lầm. Quan điểm
đất đai thuộc sở hữu toàn dân thể hiện đúng bản chất của Nhà nước ta là
Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chế độ sở hữu toàn dân về đất
đai lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 dựa trên cơ sở lý luận
về tính tất yếu khách quan của việc xã hội hóa đất đai. Từ đó tới nay, qua một
số lần sửa đổi Hiến pháp và sửa đổi Luật Đất đai, Đảng ta luôn kiên định quan
điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, giao cho Nhà nước là đại diện chủ sở hữu,
thống nhất quản lý và sử dụng hiệu quả. Quan điểm này được Nhà nước thể chế hóa
trong Hiến pháp và pháp luật qua nhiều thời kỳ. Hiến pháp 2013 và Luật Đất đai
2013 đều quy định rõ vấn đề này. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về quản lý sử dụng đất và dự thảo Luật Đất
đai (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến toàn dân cũng một lần nữa khẳng định:
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đã góp
phần quan trọng duy trì ổn định chính trị-xã hội (CT-XH), bảo đảm quốc phòng,
an ninh của đất nước, bảo đảm sinh kế cho người nông dân. Thực tế đã cho thấy,
quan điểm trên là đúng đắn, phù hợp với chế độ CT-XH, đặc điểm văn hóa, lịch sử
và điều kiện tự nhiên của nước ta. Đó là vì:
Thứ nhất, xuất phát từ đặc điểm của Nhà nước ta là "tất cả
quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân", thì nhân dân phải là chủ sở hữu đối
với tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá của quốc gia là đất đai. Ðất đai là thành
quả của sự nghiệp dựng nước và giữ nước lâu dài của cả dân tộc, là thành quả từ
công sức, xương máu của bao thế hệ, không thể để cho một số người nào đó có
quyền độc chiếm sở hữu. Ðất đai của quốc gia dân tộc phải thuộc sở hữu chung
của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của toàn dân tộc, của
nhân dân.
Thứ hai, sở hữu toàn dân về đất đai tạo điều kiện để những người
lao động tiếp cận đất đai tự do. Phải tạo cơ chế công bằng ngay từ gốc, tức là
người lao động phải có tư liệu sản xuất, trong đó có đất đai, để lao động mưu
sinh.
Thứ ba, trong điều kiện nước ta, việc thiết lập chế độ sở hữu tư
nhân về đất đai là một yếu tố cản trở đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH).
Bởi vì, trong chế độ sở hữu tư nhân đất đai, không ai có quyền ngăn cản người
chủ đất sử dụng đất theo ý họ, vì đất là tài sản riêng của họ. Lý do này còn
khiến đất đai có xu hướng được sử dụng không hiệu quả, chỉ bảo vệ lợi ích của
chủ đất mà không quan tâm tới lợi ích sinh tồn của phần lớn dân cư, khi cần xây
dựng những công trình công cộng thì sở hữu tư nhân về đất đai sẽ gây ra những
trở lực lớn. Sở hữu tư nhân đất đai còn dẫn đến kết quả không mong muốn là tập
trung đất đai trong tay một số người có nhiều tiền, hệ quả là có người sở hữu
quá nhiều đất, người lại không có tấc đất cắm dùi. Điều này sẽ gây bất ổn xã
hội. Với việc quy định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong Hiến pháp, khi
phần lớn công dân bị bất lợi trong phân chia lợi ích từ đất đai, thì Nhà nước
có thể sửa Luật Ðất đai phục vụ mục đích chung của công dân, sửa chữa những mất
công bằng trong phân phối lợi ích từ đất đai do cơ chế thị trường đem lại. Nếu
Hiến pháp tuyên bố sở hữu tư nhân về đất đai thì nhân danh quyền chủ sở hữu, bộ
phận nhỏ dân cư sở hữu nhiều đất đai sẽ không cho phép phần lớn còn lại thay
đổi chế độ phân phối lợi ích từ đất đai.
Thứ tư, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tránh cho xã hội Việt
Nam rơi vào tình trạng bất ổn do một số người có thể đòi hỏi xem xét lại các
quyết định lịch sử về đất đai. Nếu thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai hoặc đa sở
hữu về đất đai, sẽ diễn ra các cuộc tranh chấp đòi lại quyền sở hữu nhà, đất
trong quá khứ mà không cần tính đến các yếu tố lịch sử và hiện trạng, như vậy
xã hội dễ lâm vào tình trạng bất ổn.
Thứ năm, nếu thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai và cho phép người
nước ngoài thỏa thuận mua bán đất với tư nhân thì nguy cơ mất chủ quyền lãnh
thổ từ hệ lụy của nền kinh tế thị trường sẽ thành hiện thực. Đã có nhiều bài
học nhãn tiền của một số nước trên thế giới về vấn đề này...
Quyền của người dân đối với đất
đai được tôn trọng
Cũng có những ý kiến sai trái cho rằng sở hữu toàn dân về đất
đai khiến đất đai trở thành vô chủ, không được sử dụng hiệu quả và không thể
trở thành vốn. Thực tế thì Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật liên
quan đã trao cho người sử dụng đất khá nhiều quyền: Sử dụng (theo quy
hoạch của Nhà nước), chuyển nhượng, thế chấp vay vốn, thừa kế, góp vốn... Về cơ
bản, người sử dụng đất ở Việt Nam đã có gần hết quyền của chủ sở hữu cho
phép họ đầu tư, sử dụng đất hiệu quả theo năng lực của họ. Một số hạn chế của
quyền chủ sở hữu mà người sử dụng đất không có là: Không được tùy ý chuyển mục
đích sử dụng đất; hạn điền; thời gian giao đất hữu hạn; phải giao lại đất cho
Nhà nước để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, mục đích công cộng. Tương
ứng với mở rộng quyền cho người sử dụng đất, quyền của cơ quan nhà nước với tư
cách đại diện cho toàn dân thống nhất quản lý đất đai trong cả nước được quy
định trên các mặt sau: Quy định mục đích sử dụng cho từng thửa đất (bằng quy
hoạch, kế hoạch sử dụng đất); thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận
quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử
dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng
thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra.
Người sử dụng đất giữ lại cho mình hầu hết quyền của người sở
hữu như chiếm giữ, sử dụng, giao dịch trên thị trường đất đai, thế chấp và thừa
kế. Người dân chỉ giao lại cho Nhà nước một số quyền như: Quyền xây dựng
quy hoạch, kế hoạch tổng thể sử dụng đất đai để cho hoạt động sử dụng đất đai
của từng cá nhân và tổ chức không làm giảm hiệu quả sử dụng đất đai chung của
quốc gia. Nhà nước phải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch và
giám sát tuân thủ quy hoạch, kế hoạch cho tốt. Quyền bảo vệ đất đai và môi
trường để ngăn cản những hành vi vụ lợi cá nhân của người dân làm tổn hại lợi
ích chung. Quyền bảo hộ quyền chính đáng của dân cư đối với đất đai đã được quy
định theo luật. Quyền bảo toàn lãnh thổ quốc gia trước các hành vi xâm phạm của
nước ngoài. Người dân phải cung cấp tài chính qua thuế sử dụng đất cho Nhà nước
để duy trì các hoạt động của mình.
So sánh với luật đất đai của một số nước duy trì tư hữu về đất
đai, quyền của người sử dụng đất của Việt Nam cũng không có
chênh lệch đáng kể. Như vậy, không có sự khác biệt lớn về phương diện tạo
quyền tự chủ cho người sản xuất, kinh doanh sử dụng đất hiệu quả giữa chế độ sở
hữu toàn dân về đất đai của nước ta và chế độ tư hữu đất đai ở một
số nước.
Sở hữu toàn dân về đất đai
không phải là nguyên nhân của tham nhũng, tiêu cực
Về bản chất, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là nguồn gốc
của nạn tham nhũng, tiêu cực và thực tế phức tạp hiện nay về đất đai. Thực
trạng quản lý, sử dụng đất đai đang đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết bắt
nguồn không phải từ bản chất vốn có của sở hữu toàn dân về đất đai, mà bắt
nguồn từ sự yếu kém kéo dài trong việc không hiện thực hóa thiết chế thực hiện
chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; bắt nguồn từ hệ lụy yếu kém trong quản lý
đất đai.
Luật Đất đai năm 2013 và phương thức Nhà nước thực hiện luật nói
trên có nhiều điểm chưa hợp lý cần phải khắc phục. Vấn đề gây bức xúc nhất hiện
nay ở nước ta là ở chất lượng, thái độ thực thi Luật Đất đai của cơ quan và
công chức nhà nước chưa tốt, tồn tại quá nhiều trường hợp lạm dụng quyền lực
công phục vụ cho mục tiêu riêng của cá nhân, của gia đình, của nhóm lợi ích.
Một số trường hợp cơ quan nhà nước thu hồi đất của dân không đúng quy định của
pháp luật. Sự giàu có bất thường của không ít đại gia kinh doanh bất động sản ở
nước ta thời gian qua có tác động từ mức chênh lệch giá quá lớn trong các dự án
chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị và giá đất đền bù cho người có
quyền sử dụng đất hợp pháp. Tình trạng quy hoạch bị điều chỉnh tùy tiện, quy
hoạch treo, tình trạng đất thu hồi bị bỏ hoang còn người mất đất lâm vào tình
trạng thất nghiệp, khó khăn... cho thấy quản lý của Nhà nước chưa tương xứng
với yêu cầu cần phải có trong chế độ sở hữu toàn dân.
Những vấn đề này không thể giải quyết bằng cách chuyển toàn bộ
quyền quản lý đó cho khu vực tư nhân thông qua tư hữu hóa hoặc đa dạng hóa sở
hữu đất đai. Vì làm như vậy thì chỉ khiến tình hình thêm phức tạp, những rủi ro
khó lường hết hậu quả. Ngược lại, chỉ có thể giải quyết tốt các vấn đề này bằng
việc đẩy mạnh cải cách trong các cơ quan nhà nước, minh bạch hóa, công khai hóa
cơ chế quản lý, sử dụng đất đai; siết chặt kỷ luật và trách nhiệm giải trình
của công chức và chuyển giao cho người dân những quyền mà người sử dụng đất
thực thi có lợi hơn cơ quan nhà nước.
Để hạn chế tình trạng thu hồi đất một cách tùy tiện ảnh hưởng
tới lợi ích của người sử dụng đất, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã định hướng quy định cụ thể hơn về
thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà
nước thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tiếp tục
thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển
nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Đồng thời, có lẽ cần nghiên cứu phân chia địa tô chênh lệch giữa
xã hội (mà Nhà nước là đại diện), người có đất bị thu hồi và người nhận đất sử
dụng cho mục đích mới trong giá đất thu hồi. Nhà nước cũng phải nâng cao năng
lực sử dụng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tư cách công cụ quản lý vì lợi
ích quốc gia. Thực hiện được tốt những định hướng trên sẽ hạn chế được tác động
tiêu cực của các nhóm lợi ích vào lĩnh vực đất đai.
Sở hữu toàn dân về đất đai tạo điều kiện để Nhà nước XHCN bảo vệ
lợi ích của người dân tốt nhất. Những sai lầm và thiếu sót của cơ quan nhà nước
thời gian qua trong lĩnh vực đất đai không phải là bản chất của Nhà nước XHCN
và có thể sửa chữa được. Vì thế, cần tỉnh táo nhận thức rõ mưu đồ của kẻ xấu
xuyên tạc chính sách đất đai của Đảng, Nhà nước ta hòng kích động, gây bất ổn
môi trường CT-XH của nước ta. Từ đó, các cơ quan, bộ, ngành, đơn vị, địa phương
cần vận động nhân dân tích cực đóng góp ý kiến chất lượng, hiệu quả cho dự thảo
Luật Đất đai (sửa đổi), kịp thời nhận diện, đấu tranh với các luồng ý kiến sai
trái./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét