Hơn 28 năm công tác, Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Liên Hiệp, Chủ nhiệm khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện Quân y 121 (Cục Hậu cần Quân khu 9) trải qua nhiều cương vị, từ nhân viên đến lãnh đạo khoa, quản lý, giáo dục-đào tạo.
Ở cương vị nào, chị Hiệp cũng đều hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Chị Hiệp tâm sự: “Là bác sĩ, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh nên chúng tôi luôn phải tập trung cao độ trong mọi công việc, nhất là phẫu thuật. Có thời điểm cả ngày chúng tôi trong phòng mổ, những lúc như vậy cần phải nêu cao quyết tâm, rèn tính kỷ luật, kiên trì và không tự mãn”.
Là lãnh đạo khoa, chị Hiệp luôn chú trọng đào tạo thế hệ kế cận và truyền thụ kinh nghiệm, niềm đam mê nghiên cứu y khoa. Điều ấy thôi thúc chị tập trung trí tuệ hoàn thành công trình “Đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi mũi xoang tại Bệnh viện Quân y 121”. Chị Hiệp chia sẻ: “Chúng tôi nghiên cứu, đánh giá từng phần, trong đó chỉ rõ những yếu tố tích cực khi phẫu thuật bằng phương pháp mới, phù hợp nhân lực, đặc điểm, thiết bị của Bệnh viện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý người bệnh”.
Cũng với quyết tâm, nhiệt huyết cống hiến hết mình vì nhiệm vụ, Trung tá, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Tuyết Vân, Chủ nhiệm khoa Khám bệnh đã có hơn 23 năm công tác, đóng góp công sức xây dựng Bệnh viện Quân y 121 và cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhân. Chị Vân cho biết: “Lấy y đức và sự hài lòng của người bệnh làm tiêu chí phấn đấu, chúng tôi xác định rõ tầm quan trọng của việc khám, chẩn đoán ban đầu và tâm lý tiếp xúc bệnh nhân. Bởi nếu phân loại, xử lý tuyến đầu trục trặc sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị về sau”.
Bác sĩ Trần Thị Liên Hiệp khám cho bệnh nhân. |
Bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, chị Vân còn là chủ nhiệm 5 đề tài được Hội đồng Khoa học Bệnh viện nghiệm thu, tiêu biểu là đề tài: “Nghiên cứu mối liên quan giữa nồng độ acid uric huyết thanh với một số nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân cao tuổi tại Bệnh viện Quân y 121” giúp đánh giá sát thực tế, cải thiện phương pháp điều trị dự phòng, ngăn ngừa biến chứng liên quan đến các bệnh về tim mạch; đồng thời mở ra nhiều hướng điều trị mới với bệnh nhân trên 60 tuổi.
Chị Vân kể: “Để hoàn thành đề tài, tôi nghiên cứu tài liệu chuyên khoa, vận dụng kinh nghiệm và mất hơn một năm khảo sát ở Khoa Cán bộ nhằm giúp cán bộ hưu trí theo dõi, phòng bệnh tim mạch, hạn chế nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, tôi là hội viên Hội Tim mạch học Việt Nam, thông qua các buổi giao ban, tôi cập nhật kiến thức mới, hướng dẫn thực hành, nâng cao trình độ chuyên môn cho các y sĩ, bác sĩ trẻ”.
Đại tá, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tấn Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 121, cho biết: “Đội ngũ nữ y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện luôn tích cực nghiên cứu khoa học, nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào, góp phần xây dựng niềm tin với bệnh nhân. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, đã có 13 đề tài do các nữ y sĩ, bác sĩ làm chủ nhiệm. Các chị không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn chăm lo gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan, học giỏi”.
Bài và ảnh: PHÚ KHANH
nguồn báo QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét