Đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh
do nhiều nguyên nhân, từ những ảnh hưởng của nếp nghĩ cũ, sợ rằng “sự thật mất
lòng” nên không dám nói điều phải trái; từ trình độ, nhận thức không đồng đều
trong một tập thể; từ môi trường công tác, làm việc. Có những nơi vì thủ trưởng
gia trưởng, không muốn nghe những điều trái tai dẫn đến tình trạng dù có nhiều
ý kiến nhưng vẫn là chủ kiến của cấp trên. Có thủ trưởng tỏ ra dân chủ, trong
cuộc họp, ông nêu vấn đề và bảo: “Các đồng chí cứ tranh luận thoải mái”, nhưng
người dự họp thừa biết tính ông, nếu tranh cãi thì trước sau cũng sẽ bị định
kiến, trù dập. Khi có đại biểu cấp trên dự các buổi sinh hoạt phê bình, kiểm
điểm, thì chuyện nội bộ luôn được giữ kín, “đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Xem ra
hai chữ “xuôi chiều” luôn có cái lý của nó, cái lý của phép thần thông biến
tảng đá thành hột bấc. Lâu dần các sinh hoạt tập thể đều như một cái khuôn,
toàn là ý kiến minh họa chủ tọa, theo kiểu “Mỗi ngày một cuộc giao ban/ Lại bàn
những chuyện đã bàn hôm qua”(!).
Không phải đến bây giờ chúng ta mới đề
cập tới những hệ lụy, những tác hại không nhỏ của đoàn kết xuôi chiều. Cách đây
hơn 80 năm, trong tác phẩm “Tự chỉ trích” viết năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn
Cừ nêu rõ: “Nếu “đóng kín cửa bảo nhau, giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì
hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa;
hơn nữa, đó tỏ ra không phải một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt
đầu cải lương”(*).
Gần đây, phát biểu tại Hội nghị cán bộ
toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp
hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng tổ chức tại Hà Nội ngày
9-12-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Mọi thái độ nể nang, né tránh,
hữu khuynh, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả
kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng”.
Đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức là căn bệnh mãn tính, gây hại không kém gì so với mất đoàn kết nội bộ. Không ngại nói quá khi coi những người luôn nói theo hoặc giữ thái độ im lặng là đã suy thoái trong nhận thức và hành động. Tuy không gây nguy hiểm ngay, nhưng nó phá hoại sức mạnh của Đảng, sức mạnh của các tổ chức, cơ quan, đơn vị một cách thầm lặng. Nó là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cơ hội tiếp tục phát triển. Nó khiến cho đúng-sai, phải-trái nhập nhòa. Nó khiến cho quy trình công tác cán bộ nhiều khi làm đúng nhưng kết quả cuối cùng là người được bổ nhiệm thì sai, làm nản lòng những người chân chính./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét