Về mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ của quốc phòng, an
ninh
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Bảo vệ vững
chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ
Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc
gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc
gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh
để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(1). Như
vậy, mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh tiếp tục được Đảng
ta khẳng định nhất quán, xuyên suốt, nhưng có sự bổ sung rõ hơn, toàn diện hơn cả về
nội hàm và phạm vi bảo vệ. Điểm nhấn ở đây được văn kiện lần này chỉ rõ:
Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc không đơn thuần là để ứng phó với chiến tranh; mà vấn
đề quan trọng và thiết yếu hơn là, tạo ra sức mạnh để giữ vững ổn định
chính trị và môi trường hòa bình, nhằm xây dựng và phát triển đất nước theo
định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, là sự vận
dụng nhuần nhuyễn lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc: Bảo vệ phải gắn với xây dựng, xây dựng phải đi đôi với bảo vệ. Mục tiêu
của bảo vệ là để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho xây dựng và phát
triển đất nước; và, xây dựng, phát triển đất nước sẽ tác động trở lại tạo cơ
sở, tiền đề bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Mục tiêu là, giải quyết mối quan hệ biện chứng
sâu sắc giữa việc bảo vệ Tổ quốc về mặt tự nhiên - lịch sử với việc bảo vệ Tổ
quốc về mặt chính trị - xã hội trong tính chỉnh thể thống nhất; chỉ rõ hướng
đích phát triển đất nước là theo định hướng xã hội chủ nghĩa; vì
vậy, phải gắn chặt việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh
thổ với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; phải
gắn chặt việc giữ vững ổn định chính trị, xã hội với bảo vệ môi trường hòa
bình, ổn định để phát triển đất nước. Mục tiêu đó cũng khẳng định rõ lập trường
và ý chí của toàn dân tộc quyết tâm, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc
lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đây là quan điểm
biện chứng khách quan, cụ thể, lịch sử và phát triển, đáp ứng sự phát triển của
tình hình thế giới, khu vực, của đất nước và yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an
ninh trong tình hình mới.
Điểm mới được bổ sung trong văn kiện lần này là việc xác định rõ:
Bảo đảm an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn,
lành mạnh để phát triển đất nước. Đây là vấn đề mới, quan trọng trong
mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, phản ánh đúng xu thế và đặc điểm
tình hình đất nước. Bởi lẽ, con người là vấn đề có tính chiến lược, là trung
tâm của mọi hoạt động, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước và bản chất
chế độ xã hội chủ nghĩa mà nước ta đang xây dựng cũng hướng đến bảo vệ cuộc
sống bình yên, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, trong
bối cảnh mới hiện nay, bảo đảm an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ
cương, an toàn, lành mạnh để mang lại hạnh phúc cho nhân dân là vấn đề đặc biệt
quan trọng, cần được tập trung thực hiện. Một điểm mới trong văn kiện lần này
là các nội dung, vấn đề trong mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của quốc phòng, an
ninh được đặt trong một tổng thể chung, có quan hệ chặt chẽ với nhau, không
tách rời. Đây là những định hướng quan trọng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét