“Triệu phú” người La Hủ

Khi cán bộ Đồn Biên phòng Pa Ủ đưa chúng tôi tới nhà Trưởng bản Pha Bu (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè) là anh Pờ Lò Hừ thì anh Hừ vẫn đang làm việc ở khu vườn phía sau nhà. Trong lúc chờ Trưởng bản, chúng tôi quan sát xung quanh. Căn nhà sàn bằng gỗ kiên cố, tầng dưới chất đầy những bao thóc; nhiều tấm bằng khen, giấy khen của các cấp treo trang trọng trên tường.

Trung úy QNCN Phạm Minh Lượng, nhân viên Đội Trinh sát của Đồn giới thiệu với tôi: "Ở tầng trệt này, thường bà con La Hủ bỏ trống, mọi sinh hoạt ở tầng trên. Nhưng nhà Trưởng bản Pờ Lò Hừ thì khác, vì anh là triệu phú ở đây". Chỉ tay ra khoảng trống trên sân nhà, nơi có chiếc xe tải mới đang đậu, Trung úy QNCN Phạm Minh Lượng cho biết, đây là chiếc xe Trưởng bản vừa mua để phục vụ thu hoạch nông sản của gia đình và giúp đỡ bà con. 

 Anh Pờ Lò Hừ, Trưởng bản Pha Bu (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè) giới thiệu chiếc xe ô tô mới mua với cán bộ Đồn Biên phòng Pa Ủ.

Chúng tôi đang vui chuyện thì Trưởng bản Pờ Lò Hừ về. Hồ hởi chào chúng tôi và bắt tay Trung úy QNCN Phạm Minh Lượng, anh nói vui: “Hừ bận lắm. Chân tay muốn nghỉ mà đầu nó không cho. Nghỉ bây giờ thì ai giúp bà con đây!”.

Hỏi chuyện mới biết, ngoài hơn 120 con trâu, bò, gia đình anh Hừ còn có hơn 50ha đất trồng tam thất, nhân sâm, thảo quả... cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Với bà con trong vùng thì như thế là người giàu, là "triệu phú" rồi! Nhưng Trưởng bản Pờ Lò Hừ không chỉ nghĩ làm giàu cho bản thân mà rất muốn cả bản cũng giàu lên như mình. Anh phát triển đàn trâu, bò rồi bán cho bà con với giá rẻ để giúp bà con có sinh kế. Anh nhiệt tình chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng và cung cấp cây, con giống. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình Trưởng bản Pờ Lò Hừ đã tạo việc làm cho hàng chục người dân trong bản.

Sau một lúc trò chuyện sôi nổi, Pờ Lò Hừ trầm tư kể: "Cách đây gần 20 năm, đồng bào La Hủ chúng tôi sống trong tăm tối, mọi sinh hoạt đều ở trên núi cao, trong rừng sâu, tài sản mỗi nhà chỉ là cái xẻng, cái cuốc đào củ, cái bẫy để bắt thú rừng...

Cuộc sống nay đây mai đó, đói no phụ thuộc vào tự nhiên, chưa hề biết đến các phương thức nuôi trồng để phát triển kinh tế. Khi tôi 14 tuổi, bố mẹ nghe theo lời khuyên của Bộ đội Biên phòng, không du canh, du cư mà về định cư ở đây. 19 tuổi, tôi mới được học chữ do các anh BĐBP dạy. Có cái chữ rồi, tôi mới nghĩ, không thể cứ nghèo đói cả đời được. Tôi quyết định nuôi bò, nuôi dê, được BĐBP đến tận nhà hướng dẫn làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, tránh rét, giữ vệ sinh phòng bệnh cho đàn gia súc. Có được cơ ngơi khang trang này, gia đình tôi nhớ ơn BĐBP"...

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, ở bản Pha Bu, không chỉ có Trưởng bản Pờ Lò Hừ mà còn có Pờ Gạ Đư, Pờ Đô Hừ, những thanh niên "9X" cũng đang phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi và trồng sâm, quế... cho hiệu quả cao.

Thì ra, để giúp đồng bào La Hủ dần thay đổi nhận thức, BĐBP không chỉ tuyên truyền, vận động suông mà phải tiến hành làm mẫu, làm trước, từ nuôi gia súc, gia cầm đến trồng cấy, rồi tận tình "cầm tay chỉ việc" cho nhân dân. Tại đồn và các trạm, chốt biên phòng đều có những khu vườn tăng gia xanh tốt và chuồng nuôi lợn, gà, bò, dê... để vừa cải thiện đời sống bộ đội, vừa làm mẫu cho dân tin, hướng dẫn đồng bào làm theo, cung cấp cả cây giống, con giống cho dân bản.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải tại trại nuôi cá hồi, cá tầm Bắc Âu. Ảnh: KHÁNH AN

BĐBP còn giúp bản tìm nguồn nước, khơi thông luồng lạch đưa nước về tận ruộng... Từ tăng gia, sản xuất nhỏ để ổn định cuộc sống gia đình, BĐBP định hướng, khuyến khích và tích cực giúp đỡ bà con phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn. 

Theo đồng chí Đao Văn Thức, Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ, những năm qua, BĐBP không chỉ giúp người La Hủ ổn định cuộc sống mà quan trọng hơn là đã tạo bước ngoặt về nhận thức của đồng bào. Từ một dân tộc đứng trước nguy cơ phải cứu trợ, bảo tồn khẩn cấp vì bà con sống du canh, du cư, hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, đến nay, người dân đã biết làm theo các mô hình phát triển kinh tế, nhiều hộ đã có "của ăn của để" và vươn lên làm giàu.

Thiết thực "vực" lòng dân

Ba năm trước, được Đồn Biên phòng Dào San vận động và hướng dẫn, giúp đỡ, anh Ma A Nủ (quyền Chủ tịch UBND xã Dào San, huyện Phong Thổ) là một trong những hộ đầu tiên ở xã Dào San phát triển mô hình trồng cây lê trên 3ha đất của gia đình, bởi cán bộ, đảng viên phải tiên phong làm mẫu thì bà con mới tin tưởng, làm theo. Đến nay, vườn lê của anh Nủ đã cho thu hoạch 50 triệu đồng/năm.

Anh cho biết: "Cây lê trồng ở vùng này cho quả to, ngọt đậm, bán rất có giá. Nhận thấy hiệu quả đã rõ, chúng tôi đang cho nhân rộng mô hình trồng lê với diện tích 31ha, theo hình thức hợp tác xã. Nhiều hộ gia đình đã đăng ký tham gia vì đã được tận mắt chứng kiến và nhờ sự vận động, thuyết phục, hướng dẫn của BĐBP".

Cán bộ Đồn Biên phòng Hua Bum (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) hướng dẫn bà con người Mảng ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn cách nhận biết sâu bệnh hại lúa. Ảnh: ĐỨC DUẨN

Ở xã Dào San có bà con thuộc 3 dân tộc: Dao, Mông, Hà Nhì cùng sinh sống, trong đó 65% dân số là người Mông. Trước đây, tập quán của người Mông là trồng lúa nương một vụ, thời gian rảnh rỗi thì vào rừng kiếm củi, đào sắn, củ mài... về sống qua ngày. Nhưng bây giờ, với các mô hình chăn nuôi gia súc tập trung, trồng cây ăn quả, rau sạch... do BĐBP khởi dựng và người dân được tận mắt chứng kiến, học tập, bà con đã dần thay đổi cách làm ăn, chăm chỉ lao động để thoát nghèo.

Rời xã Dào San, chúng tôi đến thăm trại nuôi cá hồi, cá tầm Bắc Âu của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải ở xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ. Giữa tiếng nước róc rách chảy liên tục ở 12 bể nuôi cá hòa cùng tiếng suối Thèn Seo Hồ đổ ầm ào bên cạnh, Thiếu tá QNCN Nghiêm Anh Tuấn, nhân viên Đội Vận động quần chúng của Đồn kể: "Cá hồi là giống cá khó tính, nước phải duy trì dưới 19 độ C và bảo đảm sạch sẽ nên cứ hai ngày anh em lại "tắm cá", nghĩa là mặc đồ bảo hộ xuống tổng dọn vệ sinh bể.

Vất vả nhất là vào mùa mưa, nhiều đêm phải thức để trông cá, đề phòng lũ, sạt lở, rồi điều chỉnh lượng nước ra vào bể, tránh để cá mất nước hoặc nước tràn, cá thoát ra ngoài. Mỗi năm, trại nuôi cá thu lãi từ vài trăm triệu đến 2 tỷ đồng, nhưng vui nhất là mô hình này được nhân rộng tới người dân. Đến nay, Đồn đã chuyển giao kỹ thuật, giúp hai hộ trên địa bàn xã và một số bà con ở huyện Tam Đường (Lai Châu) nuôi cá hồi, cá tầm thành công, tạo việc làm cho nhiều người". 

Tới thăm những mô hình phát triển kinh tế ở vùng biên giới tỉnh Lai Châu, hầu như nơi nào chúng tôi cũng thấy dấu ấn của BĐBP, cũng cảm nhận được tình cảm chân thành, thắm thiết giữa bà con các dân tộc với cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng như người trong một nhà. Với tấm lòng và trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ, của người chiến sĩ biên phòng làm nòng cốt trong giữ gìn, bảo vệ biên cương Tổ quốc, lực lượng BĐBP tỉnh Lai Châu đã nỗ lực góp phần xây dựng "thế trận lòng dân", tạo những "cột mốc sống" giữ vững biên cương, trước hết từ việc chăm lo cho cuộc sống của đồng bào biên giới, bởi "có thực mới vực được đạo".

Trao đổi với lãnh đạo, chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu và nhiều cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi rất phục và vui khi các anh cho biết: Mỗi vùng biên giới có điều kiện thổ nhưỡng, địa hình, thời tiết và đặc điểm dân cư khác nhau, muốn giúp bà con định canh, định cư, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội thì phải tìm cách làm, lựa chọn cây, con giống cho phù hợp.

Thế nên, trên địa bàn biên giới tỉnh Lai Châu đã có nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả. Đó là giúp đồng bào La Hủ trồng lúa nước hai vụ tại bản Nậm Nghẹ, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn và bản Hà Xi, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè; nuôi dê sinh sản ở bản Sàng Ma Pho, xã Sin Suối Hồ; nuôi cá hồi tại xã Pa Vây Sử; bảo tồn và phát triển giống chè cổ tại xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ); chăn nuôi bò tập trung tại bản Tân Biên và Mu Chi, xã Pa Ủ; trồng cây tam thất ở bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sử; trồng sả lấy tinh dầu tại xã Thu Lũm (huyện Mường Tè)...

Ngoài những mô hình thiết thực giúp đồng bào vùng biên giới phát triển kinh tế hiệu quả, BĐBP tỉnh Lai Châu còn phân công cán bộ, đảng viên trực tiếp giúp đỡ các hộ dân xóa đói, giảm nghèo; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; đỡ đầu nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo Chương trình "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng"; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới với nhiều việc làm cụ thể... 

Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh Lai Châu còn vận động nhiều nguồn lực xã hội hỗ trợ nhân dân vùng biên. Riêng năm 2022 vừa qua, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ người dân vùng biên giới Lai Châu xây dựng nhà và hỗ trợ mô hình sinh kế, tặng cây giống, vật nuôi, phương tiện sản xuất... với số tiền hàng tỷ đồng.