Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023
Phương hướng, giải pháp đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người
Trên cơ sở kiên định đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, trong đó có lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Đổi mới nội dung, phương pháp đối thoại, đấu tranh. Thực hiện nguyên tắc trong đấu tranh có đối thoại, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh, chủ động, tích cực nhận diện, phê phán, xử lý công khai, minh bạch bằng pháp luật, trước hết đối với những kẻ cầm đầu, đồng thời phù hợp với các quan hệ liên quan trực tiếp đến vấn đề đấu tranh và đối tượng đấu tranh.
Đối thoại, đấu tranh với các tổ chức, cá nhân quốc tế và nước ngoài, cần tiến hành theo cách thức sau:
Đối thoại, đấu tranh theo cơ chế dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc tại Hội đồng Nhân quyền và tại Ủy ban của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) thuộc ECOSOC: Theo cách thức bảo đảm chủ quyền quốc gia và nghĩa vụ là thành viên Liên hợp quốc. Trên cơ sở đó, lựa chọn và tiến hành các phương pháp, biện pháp đối thoại, đấu tranh thích hợp với từng vụ việc cụ thể.
Đối thoại, đấu tranh theo cơ chế dựa trên công ước tại các ủy ban (tiểu ban) về QCN của Liên hợp quốc, phù hợp với quy chế của mỗi ủy ban công ước.
Đối thoại, đấu tranh tại các tổ chức như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...: Theo cách thức bảo đảm chủ quyền quốc gia và hợp tác với thể chế của các tổ chức mà Việt Nam đã tham gia. Việc lựa chọn và tiến hành các phương pháp, biện pháp đối thoại, đấu tranh phải phù hợp với thể chế của mỗi tổ chức quốc tế, hệ thống công pháp quốc tế và với mỗi loại quyền (lao động, nghiệp đoàn, an sinh xã hội, kinh doanh, thương mại, môi trường,...).
Đối thoại, đấu tranh với các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động chống phá chế độ chính trị - xã hội tại Việt Nam: Theo cách thức bảo đảm chủ quyền quốc gia và trên cơ sở các văn kiện hợp tác với các nước, các tổ chức này. Việc xác định phương pháp, biện pháp đối thoại, đấu tranh nên phù hợp với hệ thống công pháp quốc tế và quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với quốc gia đó. Chẳng hạn, đấu tranh với sự không khách quan, xuyên tạc về tình hình tôn giáo, buôn người và nhân quyền ở Việt Nam trong các báo cáo về tự do tôn giáo của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), báo cáo về nạn buôn người và về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ,... chứ không phải đấu tranh với nhân dân Hoa Kỳ hay phương Tây nói chung. Điều này đồng thời chỉ rõ trong phương thức đấu tranh phải coi trọng hợp tác, đối thoại theo nguyên tắc giữ vững chủ quyền quốc gia và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, kể cả một bộ phận chính quyền tại phương Tây.
Đối thoại, đấu tranh với một số tổ chức phi chính phủ quốc tế như Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá quốc tế, Tổ chức Phóng viên không biên giới... về những báo cáo phiến diện, xuyên tạc, không khách quan đối với tình hình nhân quyền tại Việt Nam, theo cách thức bảo đảm chủ quyền quốc gia và trên cơ sở hệ thống công pháp quốc tế. Việc xác định phương pháp, biện pháp đối thoại, đấu tranh phải phù hợp với vị trí, tính chất của mỗi tổ chức và mỗi vụ, việc cụ thể.
Cách thức tiến hành đối thoại, đấu tranh với các tổ chức, cá nhân người Việt thù địch ở trong và ngoài nước: Cách thức chung là tuân thủ hệ thống pháp luật Việt Nam. Đối với các lực lượng chống phá là người Việt sống ở nước ngoài cần phải tính đến mức độ phù hợp với hệ thống công pháp quốc tế và pháp luật của nước sở tại. Việc xác định phương pháp, biện pháp đối thoại, đấu tranh về dân chủ, nhân quyền phải thích hợp với tính chất của các phần tử chống đối ở trong nước ở ngoài nước, nhất là phải phù hợp với mức độ, tính chất chống đối của mỗi vụ việc cụ thể.
Trong phương thức đối thoại, đấu tranh cần coi trọng cách thức, phương pháp, biện pháp tư tưởng chính trị như truyền thông, vận động nhằm nâng cao nhận thức, tích cực phòng - chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; coi trọng cách thức kết hợp đối thoại với đấu tranh hay ngược lại.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét