Sự biến thái mới về phương thức, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch hiện nay
Một là, chủ thể của “diễn biến hòa bình” không chỉ là các thế lực thù địch, các nước đế quốc tư bản mà còn có cả các nước theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bành trướng và bá quyền, kể cả các phần tử cơ hội, bất mãn trong nước. Theo đó, động cơ chính trị của “diễn biến hòa bình” đã chuyển từ đấu tranh ý thức hệ trước đây sang đấu tranh vì lợi ích dân tộc cục bộ, trên nhiều phương diện. Dưới sự tác động của các thế lực bằng các chiêu bài khác nhau đã dẫn đến xung đột (nội chiến tương tàn) ngay trong lòng một đất nước, thậm chí lan rộng, ảnh hưởng đến cả một khu vực. Điển hình là cuộc chiến đậm màu ý thức hệ hiện đang diễn ra tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi, v.v.
Hai là, phương thức hoạt động đã chuyển trọng tâm từ bên ngoài tác động vào bên trong các nước sang thúc đẩy các hoạt động chống đối ngay bên trong nội địa, trong nội bộ và tại chỗ là chính. Với chiêu thức thông qua các hoạt động tài trợ (cả công khai và ngấm ngầm), các thế lực thù địch đã nuôi dưỡng và thúc đẩy các “hội, nhóm” ngay trong nội địa hoạt động chống phá, thậm chí tạo cớ để can thiệp. Vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ, Xi-ry, hay lật đổ chế độ của Tổng thống Gaddafi ở Libya là một minh chứng.
Ba là, “diễn biến hòa bình” đã phát triển đến đỉnh cao, coi đó như là một “công nghệ lật đổ”, với kịch bản gồm: hình thành lực lượng đối lập sẵn sàng cho một cuộc bầu cử; đẩy mạnh chiến dịch truyền thông kích động trong các cuộc bầu cử; tẩy chay hoặc không công nhận kết quả bầu cử nếu phe đối lập không chiến thắng; tổ chức cho các đám đông với tên gọi là “người dân” xuống đường đấu tranh, cộng hưởng bởi các phương tiện truyền thông gây ra bạo lực đường phố. Đồng thời, có sự can thiệp từ bên ngoài vào với danh nghĩa ủng hộ “những chiến sĩ đấu tranh vì dân chủ” với cái cớ là “có gian lận trong bầu cử”; sử dụng công cụ thông tin và ngoại giao gây sức ép với chính quyền mới được bầu và ép họ từ chức, giải tán, hoặc bãi bỏ kết quả bầu cử; tuyên bố thắng lợi và công khai ủng hộ công nhận chính phủ mới thân họ. Ở ngay trong lòng châu Âu, “công nghệ lật đổ” được tiến hành tại U-crai-na thành công là một minh chứng sống động điển hình nhất. Hậu quả của nó chính là sự chia tách, ly khai giữa các vùng lãnh thổ và nguy cơ nội chiến có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Bốn là, gây sức ép về kinh tế - tài chính và tấn công mạng thông tin là hai phương thức nổi lên trong hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động và cường quyền đối với các nước nhỏ. Họ công khai ra các điều kiện mặc cả chính trị nếu không thì sẽ gia tăng các hình thức cấm vận, bao vây, cô lập về kinh tế, chính trị.
Năm là, triệt để sử dụng các trang mạng xã hội trên internet và vai trò của các tổ chức phi chính phủ để gieo mầm, thúc đẩy “xã hội dân sự”, kích động sự phản kháng của các phần tử chống đối ở trong nước biểu tình phản đối để lật đổ chế độ do các nhân vật và các đảng tiến bộ lãnh đạo.
Sáu là, làm thay đổi tính chất quốc gia, dân tộc, chế độ chính trị của các nước theo hướng có lợi cho chủ nghĩa đế quốc và cường quyền vì lợi ích địa chính trị - kinh tế thay vì mục tiêu chính trị cực đoan.
Đối với Việt Nam
Mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam là không thay đổi. Nhằm tạo sự chuyển hóa từ bên trong nội bộ Đảng, Nhà nước ta, chúng tập trung chống phá cả về lý luận, quan điểm, đường lối, xóa bỏ nền tảng tư tưởng và đòi tước bỏ cơ sở pháp lý đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; khuyến khích những quan điểm lệch lạc và những khuynh hướng xã hội “dân chủ”. Thực hiện ý đồ trên, chúng dùng các thủ đoạn, như: móc nối kích động để nhiều người, nhiều đối tượng cùng tham gia viết bài, tuyên truyền đi trái với đường lối, quan điểm của Đảng theo phương châm “mỗi người chỉ là một giọt nước” nhưng nhiều giọt nước sẽ ngấm dần, nhằm phân hóa nội bộ, chuyển hóa dần từ trong Đảng ra ngoài xã hội. Đồng thời, chúng đẩy mạnh tuyên truyền gieo rắc chủ nghĩa thực dụng, văn hóa phương Tây, tạo tâm lý hưởng thụ, lối sống tư sản,… qua đó từng bước chuyển hóa tư duy, nếp nghĩ, quan điểm của cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhất là thế hệ trẻ.
Cùng với các thủ đoạn trên, các thế lực thù địch còn lợi dụng lòng yêu nước cực đoan, hay một số sơ hở, hạn chế của chính quyền cơ sở để tạo “sự kiện”, kích động những người nhẹ dạ, cả tin tuần hành, biểu tình trái luật tạo “điểm nóng” để kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài. Nhìn lại các cuộc biểu tình, đập phá, phá hoại có biểu hiện bạo loạn gần đây như ở tỉnh Bình Dương năm 2014, tỉnh Hà Tĩnh năm 2016 và ở tỉnh Bình Thuận tháng 6-2018, có thể thấy rất rõ các thế lực thù địch đã và đang âm mưu áp dụng những phương thức “bạo loạn chính trị” tại Việt Nam. Đặc biệt, sau khi Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ban hành Luật An ninh mạng, chúng tiếp tục thổi phồng đạo luật này nhằm “lừa bịp nhân dân”, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống người dân và vi phạm chính bản Hiến pháp 2013. Từ đó, chúng kêu gọi người dân không chỉ dùng Facebook mà chuyển sang dùng nhiều mạng xã hội khác để “đấu tranh”. Chúng phát động cái gọi là phong trào “bất tuân dân sự” đối với Luật An ninh mạng và sự quản lý của Nhà nước, v.v. Những sự việc đó nếu không được kiểm soát và ngăn chặn thì các đợt biểu tình, gây rối này sẽ tiếp tục tái phát, thậm chí lây lan, tạo ra hiệu ứng đô-mi-nô trong xã hội. Động cơ, mục đích của các đối tượng gây ra các vụ việc trên là nhằm rối loạn an ninh chính trị để tiến tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Từ những vụ việc trên cho thấy rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn chính trị của các thế lực thù địch; bộc lộ rõ lực lượng, phương tiện, phương thức, âm mưu thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm; có lúc công khai, trực diện, có sự hỗ trợ, tham gia của các đối tượng từ nước ngoài, v.v. Từ kích động tuần hành, biểu tình, tạo cớ đẩy lên thành bạo loạn; từ thăm dò phản ứng, hiệu quả ứng phó của cơ quan chức năng, chúng có thể tập dượt để đi tới tổng biểu tình đi kèm bạo loạn lật đổ chính quyền, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội, chúng rêu rao: quân đội nên “trung lập hóa về chính trị”, “quân đội đứng ngoài chính trị”, quân đội phi giai cấp, do đó quân đội chỉ phục tùng Nhà nước chứ không chịu phục tùng bất cứ chính đảng nào. Thực chất chính là làm cho Quân đội ta đứng ngoài chính trị, mất phương hướng và mục tiêu chiến đấu; mưu đồ xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Thủ đoạn của chúng là lợi dụng tình hình chính trị, quân sự phức tạp trên thế giới và khu vực; những tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền,… để tác động vào nhận thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ. Chúng lợi dụng triệt để mặt trái của công nghệ truyền thông và mạng xã hội để viết bài, thông tin tiêu cực, tán phát tài liệu sai trái về Quân đội, từ đó tác động, thẩm thấu vào nhận thức, tình cảm, niềm tin của cán bộ, chiến sĩ, gây hoài nghi về chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước, làm cho bộ đội dao động tư tưởng, giảm sút ý chí, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, chúng ra sức tìm mọi cách bôi nhọ, làm xấu hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, chia rẽ mối quan hệ quân - dân, kêu gọi thanh niên không nên nhập ngũ. Thủ đoạn của chúng là thường trá hình, mặc quân phục giả danh bộ đội để làm việc xấu; lợi dụng các cuộc tuần hành, biểu tình gây rối, đánh nhân dân để chụp ảnh, ghi hình tung lên mạng xã hội. Gần đây, lợi dụng sự bất cập trong quản lý đất quốc phòng ở một số đơn vị, chúng thổi phồng sự việc và quy chụp rằng: nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là “do một đảng toàn trị, độc tài lãnh đạo quân đội nên quân đội được đặc quyền, đặc lợi mà không ai kiểm soát” (!). Việc làm của chúng không chỉ nhằm bôi nhọ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, mà còn làm cho người dân có cái nhìn thiếu thiện cảm về bộ đội, làm suy giảm uy tín, hình ảnh của Quân đội ta, từ đó tác động tiêu cực đến niềm tin của nhân dân đối với Quân đội.
Nhận diện những chiêu trò mới về phương thức, thủ đoạn của chiến lược “Diễn biến hòa bình” nói chung, “phi chính trị hóa” Quân đội nói riêng, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng của các thế lực thù địch là một nhiệm vụ hết sức quan trọng; từ đó, kịp thời có biện pháp đấu tranh phòng, chống hiệu quả. Đây vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là nhiệm vụ, nội dung trọng tâm, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét