Tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình” diễn ra nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại tỉnh Quảng Bình cuối tháng 2 vừa qua, câu chuyện của Đại tá Phạm Văn Việt, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Chiến lược Quốc phòng, Khoa Chiến lược (Học viện Quốc phòng) về kỷ niệm lần đầu tiên được gặp vị Tư lệnh Trường Sơn huyền thoại khiến người nghe không khỏi xúc động.
Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Phạm Văn Việt, hiện đang sinh sống tại thôn Tử Lý, xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết: “Sau lần gặp đầu tiên ấy tôi may mắn còn có một số lần được gặp và nghe Tư lệnh trò chuyện, giao nhiệm vụ. Nhưng cảm xúc và ấn tượng trong lần đầu tiếp xúc với thủ trưởng Đồng Sỹ Nguyên luôn là ký ức không phai mờ trong tôi. Hơn 50 năm đã qua, giờ nhắc lại dường như cái vị ngọt của bát canh-là món quà ông tặng hôm ấy còn vương đâu đây!”, ông cho biết.
Ông Phạm Văn Việt sinh năm 1946. Ngay khi vừa tròn 18 tuổi, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 1964 và được biên chế về Trung đoàn 229 Công binh. Năm 1966, ông được cấp trên điều về Đại đội 3, Tiểu đoàn 77 Công binh trực thuộc Bộ Tư lệnh 559. Thời gian này, đơn vị ông chịu trách nhiệm hoàn thành nốt đoạn đường dài khoảng 20km dẫn vào Sở Chỉ huy Bộ tư lệnh 559 do Trung đoàn 83 Công binh đang thi công dở thì có lệnh điều đi làm nhiệm vụ khác. Quá trình ấy, cấp trên lại điều Phạm Văn Việt, lúc đó đã là Chính trị viên Đại đội 3 dẫn đầu một trung đội tiến hành cải tạo đoạn địa đạo ở gần đó. Và thế là ông cùng đồng đội đã tình cờ được gặp và đón nhận tình cảm của vị Tư lệnh Trường Sơn huyền thoại. Trong sự xúc động, Đại tá Phạm Văn Việt nhớ lại: “Hồi ấy chỉ là một cán bộ cấp thấp tôi có bao giờ nghĩ được gặp người chỉ huy cao nhất đâu. Không ngờ, vinh dự ấy lại đến với mình. Kỷ niệm thì cũng nhỏ bé thôi nhưng nó theo tôi suốt 44 năm quân ngũ”.
Theo dòng hồi ức của người cựu chiến binh, hình ảnh của một buổi trưa cuối năm 1969 đáng nhớ ấy dần hiện về. Hôm ấy, Phạm Văn Việt cùng một trung đội đến sửa chữa khu địa đạo gần Sở chỉ huy theo kế hoạch. Giữa lúc đơn vị nghỉ, tranh thủ ăn trưa thì thấy một người cao to, tóc hoa râm trong bộ quân phục mang quân hàm đại tá từ địa đạo “lừ lừ” bước ra. Khi ông đến gần, phỏng đoán đây hẳn là một lãnh đạo cao cấp của Bộ tư lệnh đi kiểm tra việc thi công, cả đội đứng dậy chào theo điều lệnh, thâm tâm “đoán già đoán non” không biết là ai.
Đại tá Phạm Văn Việt kể: “Dáng vẻ bề ngoài cao lớn thế những tưởng ông cũng sẽ "ăn to, nói lớn" không ngờ phong cách của ông rất gần gũi, thân thiện. Ông bắt tay, chia thuốc lá cho từng người rồi tự nhiên ngồi xuống ngay bên cạnh tôi. Biết chúng tôi là lính công binh, bằng giọng xứ Quảng nhỏ nhẹ, chậm rãi, như người cha đang nói chuyện với các con, ông hỏi han tiến độ công việc, có gặp khó khăn gì và dặn dò chúng tôi khi làm việc phải lưu ý đến bảo đảm an toàn và luôn trong tâm thế ra mặt trận để giải phóng đường nếu địch đánh phá... Đang nói chuyện vui vẻ bỗng nhiên ông quay lưng đi trở vào trong địa đạo. Khoảng mấy phút sau đã thấy ông quay ra, hai tay bưng ra một bát bát canh ra và nói: “Tiêu chuẩn của mình, chia cho các cậu ăn cho vui nhé!”.
Do ở vị trí gần nhất nên đồng chí Phạm Văn Việt vội đứng dậy đón lấy bát canh. Nhìn vào, ông không nén nổi xúc động: Bát canh toàn nước, lõng bõng có mấy miếng bí xanh… Một cảm giác vô cùng ấm áp chợt ào đến. Khi biết bát canh chia cho bộ đội là một nửa tiêu chuẩn của thủ trưởng, ông Việt bày tỏ sự ngại ngùng thì vị đại tá nói ngay: Chúng mình ăn cùng cho vui, chẳng nhẽ phải có cả một nồi to tớ mới được chia cho các cậu à!
Hôm đó, cả đội không hề biết người trò chuyện, tặng canh cho mình là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. “Phải đến nửa tháng sau, anh Nguyễn Hoàng Hiếu-Chính trị viên Tiểu đoàn 77 xuống thăm đơn vị. Sau khi nghe tôi mô tả người được gặp và trò chuyện hôm trước, anh Hiếu khẳng định tôi mới biết đó chính là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Sau này tôi còn được biết, việc ông quan tâm, động viên đến từ người chiến sĩ "bé nhỏ" là thường xuyên. "Không nói đâu xa, ngay với Đại đội 3 của tôi, sau này mỗi dịp đi qua vị trí đóng quân của đơn vị, kể cả khi chúng tôi làm nhiệm vụ ở xa, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đều gửi tặng quà là thuốc lá, gói kẹo... Khi thì ông vào tận nơi, khi thì giao cho đồng chí liên lạc mang đến. Mỗi lần như vậy, dù ít dù nhiều chúng tôi chia đều cho các trung đội và công bố rõ: Đó là quà của Tư lệnh"-đồng chí Phạm Văn Việt nhớ lại.
Sự quan tâm, chia sẻ của người chỉ huy bằng hành động thực tế ý nghĩa khiến Đại tá Phạm Văn Việt và đồng đội không bao giờ quên. 8 năm ở chiến trường Trường Sơn, trải qua bao gian khổ, khó khăn nhưng ông luôn cố gắng vượt qua. Ông bảo, Trường Sơn là trường học vĩ đại đã tôi luyện cho mình bản lĩnh, ý chí vươn lên. Và cũng chính Trường Sơn là “ông tơ” đã se duyên để ông gặp được người bạn đời thủy chung là nữ quân y sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa của Cục Tham mưu vận chuyển, Bộ tư lệnh 559. Hiện nay, gia đình ông đang sống tại quê nhà Hưng Yên. Mỗi dịp gặp mặt gia đình và đồng đội, trong niềm xúc động, tự hào Đại tá, cựu chiến binh Phạm Văn Việt lại kể về những kỷ niệm là dấu ấn không phai mờ trong cuộc đời quân ngũ của mình./.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét