Khi tham gia mạng xã hội, chúng ta sẽ bắt gặp các bài viết, file hình ảnh, video, âm thanh… thể hiện các quan điểm khác nhau về một sự kiện nào đó của Đảng, Nhà nước, Nhân dân… Về mặt nhận thức, người tham gia mạng xã hội cần hiểu rõ các khái niệm có liên quan như: Quan điểm sai lầm, quan điểm sai trái, quan điểm thù địch và các ý kiến khác với đường lối, quan điểm của Đảng ta.
Trước hết, quan điểm sai lầm là ý kiến của một cá nhân hay nhóm người nhằm bảo vệ một tư tưởng nào đó không phản ánh đúng bản chất và quy luật của sự vật, hiện tượng. Nguyên nhân do năng lực tư duy, phương pháp tiếp cận, do thiếu thông tin, do thành kiến của con người… Người có quan điểm sai lầm có thể tự mình hoặc có người khác chỉ bảo mà ngộ ra lẽ phải (hay chân lý).
Quan điểm sai lầm theo quan điểm của Đảng ta là những quan điểm hình thành từ việc không hiểu đúng quan điểm, đường lối của Đảng, đánh giá sai thực tiễn, bị cảm xúc chi phối và ảnh hưởng của tâm lý đám đông… Chẳng hạn khi nói về dân chủ, có ý kiến cho rằng đã dân chủ thì không thể tập trung, đã tập trung thì không thể có dân chủ. Đó là một quan điểm sai lầm.
Thứ hai, quan điểm sai trái cũng là những quan điểm sai lầm nhưng không chỉ phản khoa học mà còn trái với lẽ thường, trái với đạo lý và pháp lý. Người có quan điểm sai trái thường đưa ra những quan điểm sai lầm làm tổn hại cho Đảng và Nhà nước, cho cộng đồng và xã hội. Trong lĩnh vực chính trị, quan điểm sai trái là những quan điểm không đúng đường lối, quan điểm của Đảng và được sử dụng để chống đối, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Ví dụ, những người không thừa nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt của Đảng, từ đó khẳng định Đảng ta là độc đoán, chuyên quyền. Đó là một dạng của những quan điểm sai trái.
Thứ ba, quan điểm thù địch là quan điểm của những người vốn là kẻ thù của giai cấp và dân tộc. Quan điểm thù địch không căn cứ vào thực tiễn, bất chấp đúng sai, bao gồm cả những nhận định, kết luận xuất phát từ những thông tin bịa đặt, xuyên tạc với mục đích duy nhất là phá hoại thành quả cách mạng của Đảng, Nhà nước ta. Chẳng hạn, họ thừa nhận Chính phủ Việt Nam đã thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, nhưng lại phê phán Chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền, bởi lẽ Chính phủ đã theo dõi, giám sát công dân chặt chẽ nên mới thực hiện cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm sớm và triệt để như vậy.
Thứ tư, quan điểm được gọi là “ý kiến khác” là những người có ý kiến khác không phủ nhận những thành tựu, ưu điểm của Đảng và chế độ nhưng do bức xúc, sốt ruột với những hạn chế, yếu kém trong thực tiễn, từ đó cá nhân muốn đề xuất một cách thức giải quyết mà cách thức đó còn có những điểm chưa đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng. Về cách thức, những người có ý kiến khác thường trình bày quan điểm của mình thông qua báo chí chính thống, các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, trong các cuộc tiếp xúc cử tri… Có ý kiến được đưa lên mạng xã hội nhưng với thái độ khách quan, văn phong lịch sự, từ tốn.
Để phân biệt ý kiến khác với các quan điểm sai trái, thù địch trước hết cần xem xét động cơ của người có ý kiến khác. Mục đích của những người này không phải là phá hoại hay chống Đảng, Nhà nước, mà xuất phát từ nhận thức mang tính cá nhân của họ với mong muốn Đảng và chính quyền mạnh hơn, đất nước ổn định và phát triển hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét