Những năm gần đây
nổi lên tình trạng nhiều đối tượng tự xưng là “lương y” tìm về các vùng quê
"tư vấn sức khỏe, bán thuốc tận nhà" nhằm lừa đảo, bán thực phẩm chức
năng dưới danh nghĩa thuốc chữa bệnh.
Nguy hại hơn, nhiều
đối tượng đã mượn danh, giả danh để "hành nghề" bằng cách sử dụng
hình ảnh, video cắt ghép của bệnh viện hay bác sĩ có uy tín để tư vấn, cung cấp
dịch vụ sức khỏe, bán thuốc trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. Rất
nhiều người dân, nhất là người cao tuổi, đã bị các đối tượng lừa mua thuốc giả,
kém chất lượng, tiền mất tật mang. Vấn nạn này còn làm tổn hại lớn tới danh dự,
uy tín của ngành y và những thầy thuốc chân chính.
Trước thực trạng
trên, một số bệnh viện và bác sĩ đã chủ động dành thời gian phản hồi thông tin
của người dân; thông báo rộng rãi về việc không bán thuốc qua mạng xã hội; cán
bộ, nhân viên của bệnh viện không tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh, tư
vấn sức khỏe không đúng chức năng, nhiệm vụ. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc
kiểm tra, bóc gỡ hàng nghìn bài viết, trang tin quảng cáo thuốc, thực phẩm chức
năng sai sự thật trên internet. Thế nhưng, vấn nạn mạo danh bệnh viện và lương
y để lừa bán thuốc "rởm" vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Nguyên nhân là do chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt,
răn đe những kẻ sống "ký sinh" trên uy tín của người thầy thuốc; do
các cơ quan, đơn vị liên quan đến trách nhiệm giải quyết vấn nạn này còn thờ ơ,
nhẹ tay. Thực tế, có rất ít trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên
quan đến giả mạo cán bộ ngành y. Hơn nữa, các cơ quan chức năng, tổ chức xã
hội, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt chung tay cùng ngành y tế phòng, chống vấn
nạn này. Mặt khác, nhận thức của người dân về y tế, chăm sóc sức khỏe chưa đồng
đều; đặc biệt, người dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thiếu
hiểu biết toàn diện về y tế, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Từ thực trạng trên, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần rốt ráo
vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng hình ảnh, uy
tín của các cơ sở y tế và thầy thuốc để trục lợi; xây dựng chế tài xử phạt
mạnh, đủ sức răn đe, tránh tình trạng do lợi nhuận lớn, các đối tượng vi phạm
sẵn sàng chịu xử phạt hành chính để tiếp tục “hành nghề”. Công tác tuyên
truyền, phổ biến về y tế, sức khỏe phải được
cơ quan truyền thông các cấp, các ngành, tổ chức xã hội quan tâm, đẩy mạnh, lan
tỏa đến từng thôn, bản để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân; giúp
người bệnh chủ động lựa chọn các cơ sở y tế có uy tín, được cấp phép khám, chữa
bệnh; tránh bị các "lương y rởm" chèo kéo dẫn đến tiền mất tật mang.
Bên cạnh việc Nhà
nước tiếp tục quan tâm xây dựng, phát triển mạng lưới y tế từ Trung ương đến cơ
sở cả về số lượng và chất lượng thì ngành y tế, các bệnh viện và đội ngũ y, bác
sĩ cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong nâng cao trình độ chuyên môn, y đức
để các cơ sở y tế trở thành địa chỉ tin cậy của mỗi người dân. Cộng đồng
đủ am hiểu, ngành y tế đủ niềm tin thì những kẻ mạo danh, sống nhờ trên
danh dự, uy tín của thầy thuốc sẽ không còn đất sống.
Nguồn: Báo QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét